Danh Mục Chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 23


Hôm nayHôm nay : 2529

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 227019

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 21978194

Liên Kết

Tuyển sinh 2014
Báo Dân Trí
Bộ Giáo Dục - Đào Tạo
Mạng Giáo Dục Edu Net
Học Mãi
Hội Khuyến Học Việt Nam
Sở Giáo Dục & Đào Tạo Hà Nội

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm: Nhiệm vụ rất nặng nề nhưng nhiều hứa hẹn!

Thứ hai - 30/01/2012 23:42
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm:  Nhiệm vụ rất nặng nề nhưng nhiều hứa hẹn!

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm: Nhiệm vụ rất nặng nề nhưng nhiều hứa hẹn!

Dân trí) - Tính đến mùa xuân này, Hội Khuyến học Việt Nam mới bước sang năm thứ 16 kể từ ngày thành lập. Tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng Hội Khuyến học Việt Nam đã trở thành một tổ chức quần chúng sâu rộng có trên 8,5 triệu hội viên…
Năm 2011 đã đi qua với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, bầu cử Quốc hội khóa XIII và hội đồng nhân dân các cấp thành công tốt đẹp. Đối với những người làm công tác khuyến học, năm 2011 càng có ý nghĩa bởi đó cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội IV và cũng là năm Hội Khuyến học Việt Nam được công nhận là Hội đặc thù. Hội còn tổ chức lễ Kỉ niệm 15 năm Ngày thành lập. Nhân dịp đầu xuân mới, chúng tôi có cuộc phỏng vấn nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm.
 
 
 
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm.

Một giai đoạn rất nhiều thành tựu

Thưa Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm, đầu xuân năm 2011, khi trả lời chúng tôi, ông có nói năm 2012 sẽ là năm mở ra một chương mới về công tác khuyến học, khuyến tài. Vậy những năm qua, Hội Khuyến học đã làm được những gì trên lĩnh vực khuyến học?

Tính đến mùa xuân này, Hội Khuyến học Việt Nam mới bước sang năm thứ 16 kể từ ngày thành lập. Tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng Hội Khuyến học Việt Nam đã trở thành một tổ chức quần chúng sâu rộng có trên 8,5 triệu hội viên. Tổ chức của Hội đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành, 100% huyện, thị, quận, gần 100% xã, phường, nhanh chóng lan tỏa đến hầu hết các thôn, bản, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, nhà chùa, xứ đạo... với gần 300.000 chi hội. Nhiệm vụ chính trị của Hội là đẩy mạnh các cuộc vận động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT), nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, trước mắt là phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá để đến năm 2020 nước ta sẽ trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Về công tác khuyến học, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa trong giáo dục, Hội đã tích cực động viên mọi người tham gia học tập thông qua những mô hình như gia đình hiếu học, địa bàn dân cư khuyến học độc đáo Việt Nam và phối hợp với ngành giáo dục, đào tạo thiết lập ở mỗi xã, phường, thị trấn một trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) - một thiết chế giáo dục thực sự của dân, do dân và vì dân, chủ yếu cho người lớn, những người trước đây không được đi học hoặc ít học nay có nơi để đã nâng cao kiến thức, tiếp cận thông tin cần cho sản xuất và đời sống. Hiện nay, trong cả nuớc đã có gần 3 triệu gia đình hiếu học, hơn 3 vạn dòng họ hiếu học, 10.696 TTHTCĐ chiếm trên 96% ở xã, phường, thị trấn trong cả nước. Trong 5 năm thứ hai của thập kỷ đầu thế kỷ XXI, thực hiện Quyết định 112 của Thủ tướng Chính phủ về "xây dựng XHHT ở Việt Nam thời kỳ 2005 - 2010", Hội đã đạt được một số kết quả bước đầu trong xây dựng XHHT từ cơ sở. Trên cơ sở những kết quả bước đầu đó, kết hợp đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận và thực tiễn hành động, Hội đã hoàn thành đề tài "Xây dựng mô hình XHHT ở Việt Nam" được Hội đồng Nghiệm thu đánh giá xuất sắc. Với các kết luận của đề tài và thực tiễn phong trào, Hội đã xác định được quan điểm, nội dung và yêu cầu của XHHT ở Việt Nam xuất phát từ tình hình đặc thù của nước ta, làm căn cứ cho việc triển khai mạnh mẽ hơn quá trình xây dựng XHHT trong cả nước.

Một lĩnh vực quan trọng khác trong hoạt động của Hội là hỗ trợ hệ thống giáo dục chính quy trong nhà trường đúng như tên gọi đầy đủ của Hội là Hội khuyến khích và hỗ trợ phát triển giáo dục Việt Nam. Cùng với việc đẩy mạnh phong trào khuyến học ngoài xã hội, Hội đã đưa ra 10 nhiệm vụ đối với hệ thống giáo dục chính quy trong nhà trường.

Điểm nổi bật là thông qua Quỹ khuyến học, Hội đã hỗ trợ có hiệu quả cho con em gia đình nghèo được đến trường, những trẻ em có hoàn cảnh éo le hoặc khuyết tật được học tập, những học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi không phải bỏ học dở dang. Quỹ được gây dựng bằng sự đóng góp tự nguyện của các mạnh thường quân, các cá nhân và tổ chức có thiện ý, các doanh nhân và doanh nghiệp thành đạt trong và ngoài nước và cả của công nhân, viên chức. Trong những năm qua, quỹ khuyến học các cấp từ Trung ương đến cơ sở đã cấp 600 tỷ đồng học bổng cho hơn 3,5 triệu học sinh nghèo và học sinh, sinh viên vượt khó học gỏi; tặng giải thưởng cho những học sinh xuất sắc và rèn luyện tốt, những thủ khoa trong các kỳ thi hết cấp và thi vào các trường cao đẳng, đại học, những học sinh, sinh viên đạt giải trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, Quỹ còn hỗ trợ cho các giáo viên dạy tốt nhưng gia đình khó khăn để trụ vững trên bục giảng. Bên cạnh việc giúp đỡ bằng học bổng còn có phong trào giúp đỡ 1+1 hoặc 1+2,3,4... tức mỗi gia đình nhận nuôi một học sinh nghèo, có gia đình nuôi 2, 3, 4 em, phong trào nuôi heo đất lấy tiền tiết kiệm góp vào quỹ khuyến học, phong trào rặng cây khuyến học, ao cá khuyến học vv... lấy tiền bỏ quỹ khuyến học. Sau khi Chính phủ có quyết định lập Quỹ khuyến học, ở nhiều địa phương, tại nhiều ngành, nhiều tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp đã tự nguyện thành lập quỹ học bổng giúp đỡ học sinh nghèo và khuyến khích học sinh xuất sắc. Hội cũng đã tranh thủ được một số cá nhân nước ngoài lập quỹ học bổng riêng cho học sinh, sinh viên Việt Nam.

Nghị quyết TW 7 khoá X của Đảng đã đặt trọng tâm vào nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Với vai trò là một tổ chức chính trị, xã hội sâu rộng, Hội Khuyến học Việt Nam đã làm gì để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết này của Đảng, thưa Chủ tịch?

Nước ta chủ yếu vẫn còn là một nước nông nghiệp. Đại đa số người dân sống ở nông thôn. Việc Hội có thể làm và phải làm tốt là tổ chức học tập cho nông dân thông qua các TTHTCĐ. Hội đã phát động một phong trào rộng khắp phối hợp với ngành giáo dục, đào tạo nhanh chóng xây dựng các TTHTCĐ ở xã cho nông dân và ở phường, thị trấn cho người lao động, kết quả cụ thể tôi đã nêu trên.

Mỗi năm, có hơn 13 triệu lượt người đến các trung tâm học tập cộng đồng để nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ khoa học, công nghệ để ứng dụng vào sản xuất, nghe thông báo về thời sự, học tập chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nghe phổ biến các luật lệ cần thiết v.v... Hội còn tổ chức những lớp dạy nghề ngắn hạn và kết hợp với tổ chức khuyến nông phổ biến kiến thức, kinh nghiệm cho từng ngành trong nông nghiệp.

Đối với một tài năng có ba khâu rất quan trọng. Đó là phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài thì trong đó có hai khâu là phát hiện và bồi dưỡng là mục tiêu của Hội Khuyến học Việt Nam. Trong những năm qua, Hội đã có những đóng góp gì cho nhiệm vụ này?

Về công tác khuyến tài, mỗi năm Hội đã có hàng chục nghìn phần thưởng dành cho học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt, những thủ khoa trong các kỳ thi tốt nghiệp hoặc thi tuyển vào vào các trường đại học, cao đẳng, các học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Đặc biệt từ năm 2005 đến nay, Hội đã tổ chức "Giải thưởng Nhân tài Đất Việt" hàng năm.

NTĐV xứng đáng là một vườn ươm tài năng trẻ

Nhân Chủ tịch nhắc đến Nhân tài Đất Việt, xin Chủ tịch cho biết đánh giá của Hội Khuyến học Việt Nam đồng thời Chủ tịch có mong muốn gì đối với Giải thưởng này?

Với chức năng khuyến học, khuyến tài, Hội Khuyến học Việt Nam có trách nhiệm tạo ra một sân chơi bổ ích để phát hiện và khuyến khích tài năng thuộc mọi lứa tuổi, đặc biệt là tài năng trẻ nhằm góp phần khiêm tốn tiến tới hình thành một đội ngũ nhân tài tiến quân vào chinh phục khoa học, kỹ thuật, đưa đất nước đạt những đỉnh cao của thời đại, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn. Với khả năng của mình, dù là một Hội có tính chất đặc thù, Hội chỉ có thể làm được công tác phát hiện, chứ không có khả năng làm được công tác bồi dưỡng nhân tài, phát triển tài năng nên đối với việc tiến tới hình thành đội ngũ nhân tài tôi chỉ dám nói là góp phần khiêm tốn, rất khiêm tốn. "Nhân tài Đất Việt" khởi xướng là một cuộc thi nay đã trở thành một giải thưởng dần dần mang tính quốc gia mở đầu bằng Công nghệ thông tin; ba năm gần đây, theo gợi ý một số đồng chí lãnh đạo, sự nỗ lực của Ban Tổ chức và nhờ sự phối hợp của một số ban, ngành, Giải thưởng đã được mở rộng sang lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Y Dược học và trong tương lai sẽ mở rộng sang các lĩnh vực khác.

Trên cơ sở kết quả cuộc thi, ngày càng có nhiều công trình đoạt Giải thưởng được ứng dụng vào sản xuất và đời sống mang lại hiệu quả cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà, đặc biệt có một số công trình được xuất khẩu sang các nước khác. Do có được một số thành công nên "Nhân tài Đất Việt" được lãnh đạo nhiều bộ, ngành, các cơ sở sản xuất hoan nghênh, đặc biệt được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm, gửi thư động viên, khích lệ và đánh giá cao. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong thư gửi khen ngợi Hội và Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận xét "Cuộc thi xứng đáng là một vườn ươm nhân tài trên nhiều lĩnh vực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước".
Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm (thứ hai, bên trái) chụp ảnh cùng đại diện nhóm tác giả đoạt giải cao nhất của Giải thưởng Nhân Tài Đất Việt năm 2011 ở lĩnh vực CNTT - Sản phẩm đã có ứng dụng rộng rãi.

Nói đến thành công của Giải thưởng "Nhân tài Đất Việt", tôi muốn tranh thủ dịp này thay mặt Hội Khuyến học Việt Nam cảm ơn các bộ, ngành liên quan về sự bảo trợ và hỗ trợ tích cực, cảm ơn các nhà tài trợ đã tạo điều kiện cho Giải thưởng được tiến hành thuận lợi, hoan nghênh các nhà khoa học ở trong nước và đang công tác học tập ở nước ngoài đã đến với Giải thưởng bằng trí tuệ và nhiệt huyết của mình.

Về tương lai của Giải, tôi chỉ có một điều tâm huyết là Hội và Ban Tổ chức Giải sẽ hết sức cố gắng duy trì Giải thưởng này và mong rằng mỗi năm càng có thêm nhiều nhà khoa học trong nước và đang công tác, học tập ở nước ngoài tham gia, mỗi năm càng có thêm nhiều công trình xuất sắc được Giải thưởng, được ứng dụng vào sản xuất và đời sống để góp phần đưa nước ta phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Luôn trân trọng và ghi nhận những đóng góp to lớn

Các hoạt động khuyến học, khuyến tài của Hội chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân. Mấy năm gần đây kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn nhưng được biết sự hỗ trợ đối với Quỹ Khuyến học không hề giảm mà vẫn tiếp tục tăng lên. Ông nghĩ gì về điều này?

Đúng là có một thực tế như vậy. Khi Chính phủ quyết định cho thành lập Quỹ Khuyến học thuộc Hội Khuyến học Việt Nam theo nguyên tắc đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài không vì mục đích lợi nhuận, Hội đã xác định mục đích của Quỹ là nhằm "tài trợ cho các hoạt động giáo dục và đào tạo, nhất là ở các địa bàn có khó khăn đặc biệt; cấp học bổng cho các học sinh nghèo, học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhưng có hoàn cảnh khó khăn; chi giải thưởng cho học sinh và sinh viên có thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế; trợ giúp các thầy cô giáo dạy giỏi nhưng gia đình túng thiếu". Chỉ tính 5 năm qua, trung bình mỗi năm Quỹ Khuyến học các cấp từ TW đến cơ sở đã chi hàng trăm tỷ đồng cho các mục tiêu trên, chủ yếu là cấp học bổng cho học sinh nghèo, cho học sinh, sinh viên vượt khó đi lên và qua Giải thưởng cũng có thể thấy sức mạnh của chính sách xã hội hoá, tấm lòng của người dân Việt Nam đối với sự học và cả tinh thần nhân văn cao cả của bạn bè quốc tế và đồng bào ta sinh sống ở nước ngoài đối với một dân tộc nghèo nhưng hiếu học, khi đã nhận thức rõ giáo dục, đào tạo là yếu tố quyết định tương lai của mỗi dân tộc, sự phát triển của mỗi quốc gia.

Cùng với sự ra đời của Quỹ Khuyến học, các quỹ học bổng đã được thành lập ngày một nhiều ở các địa phương, các ngành, các tổ chức chính trị và xã hội, các doanh nghiệp... cũng là nhằm khuyến khích sự học. Điều đó có được là do xuất phát từ nhận thức trong các loại từ thiện thì từ thiện khuyến học là loại từ thiện cơ bản nhất bởi nó tạo điều kiện cho con em các gia đình nghèo, gia đình khó khăn đáng lẽ phải chịu cảnh thất học hoặc học tập dở dang lại được đi học, từ đó có kiến thức, có nghề nghiệp, thậm chí có trường hợp trở thành người tài vừa xoá đói giảm nghèo cho bản thân và gia đình, vừa giúp ích cho đất nước. Nhờ sự đóng góp của các tập thể và cá nhân trong thời gian qua, Quỹ Khuyến học Việt Nam không ngừng phát triển, góp phần quan trọng vào sự nghiệp khuyến học, khuyến tài của đất nước. Chúng tôi, những người làm công tác khuyến học, khuyến tài Việt Nam luôn trân trọng và ghi nhận công ơn to lớn đó của các tập thể và cá nhân.

Tấm lòng nhân ái được đánh giá cao

Còn đối với Quỹ Nhân ái do bạn đọc Dân trí hàng ngày tiếp sức, thưa Chủ tịch?

Tôi rất mừng là trong quá trình phát triển, TW Hội và Hội đồng quản lý Quỹ Khuyến học đã lập thêm Quỹ Vòng tay đồng đội như một chi nhánh, chủ yếu cấp học bổng cho con em các liệt sỹ, các cựu chiến binh, thương bệnh binh và các chiến sỹ có hoàn cảnh khó khăn được đi học. Như là một nguồn bổ sung cho Quỹ Khuyến học Việt Nam, Quỹ Nhân ái trực thuộc báo Khuyến học & Dân trí - báo điện tử Dân trí, cơ quan của TW Hội đã hoạt động tích cực và rất hiệu quả, nhằm giúp đỡ học sinh, sinh viên và nhân dân những vùng bị thiên tai tàn phá, những người bị bệnh tật hiểm nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Riêng năm 2011, chỉ trong vòng một năm, với sự tài trợ của bạn đọc, Quỹ Nhân ái đã xây dựng cây cầu thứ 6 mang tên Khuyến học & Dân trí như ở Pô Kô (Kon Tum), tạo điều kiện cho học sinh không cần phải đu dây qua sông đi học hoặc như cầu Rạch Miễu để học sinh không phải lội sông đến lớp... Gần đây, Quỹ còn phát động Chương trình 1 triệu cuốn vở cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Những việc làm này được dư luận rất hoan nghênh và đánh giá cao.
 
 

Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm phát biểu tại buổi lễ đón nhận bằng khen của Thủ tướng và Tổng kết hoạt động báo chí năm 2011 của báo điện tử Dân trí.(Ảnh: Hữu Nghị)

Thưa Chủ tịch, theo kế hoạch thì năm 2012 Hội Khuyến học sẽ đề ra nhiệm vụ trọng tâm gì?

Trọng tâm công tác của Hội năm 2012 và cả một số năm trước mắt là ra sức thực hiện Nghị quyết của Đại hội lần thứ XI của Đảng về "đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời". Đầu năm 2011, khi tôi nói năm 2012 sẽ mở ra một chương mới trong công tác khuyến học, khuyến tài chính là muốn nói điều này. Bởi cuối năm 2011, kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Hội, trên cơ sở thành tựu đạt được trong 15 năm khuyến học, khuyến tài cũng như kết quả việc thực hiện Quyết định 112 của Thủ tướng Chính phủ, kết quả bước đầu của xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, vấn đề đặt ra là bước sang năm 2012 phải đẩy mạnh việc xây dựng XHHT trong phạm vi cả nước, bắt đầu từ xây dựng XHHT ở cơ sở để tiến tới xây dựng cả nước trở thành một XHHT như chủ trương của Đảng và Nhà nước, đưa mong muốn của Bác Hồ "dân tộc ta phải trở thành một dân tộc thông thái" thành hiện thực. Ở đây điều rất đáng mừng là chủ trương của Hội phù hợp với ý Đảng, lòng dân, với Nghị quyết của Đại hội. Năm tới và cả những năm trước mắt cần ra sức thực hiện Nghị quyết của Đại hội XI của Đảng. Hội cần phải lập kế hoạch xây dựng XHHT thời kỳ 2012-2015 để đề xuất với Ban chỉ đạo Xây dựng XHHT của Chính phủ.

Cùng với việc ra sức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này, Hội phải tiếp tục thực hiện các quyết định của Đại hội 4 của Hội trong đó có một số vấn đề quan trọng như:

- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, đưa phong trào đi vào chiều sâu, chú trọng chất lượng do đó phải đổi mới phương thức hoạt động của Hội ở các cấp.

- Góp phần tổng kết Chỉ thị 11 của BCT về khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT và góp phần đánh giá kết quả thực hiện Quyết định 112 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, địa bàn đân cư khuyến học, đặc biết phối hợp với Bộ GD-ĐT tiêu chuẩn hoá và quy chế hoá TTHTCĐ.

- Tôn vinh những cá nhân và tập thể đã có cống hiến xuất sắc và đóng góp to lớn cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT. Nhiệm vụ năm 2012 hết sức nặng nề, đòi hỏi tất cả các cấp Hội từ TW đến cơ sở và từng hội viên phải nỗ lực rất lớn.

Nhân dịp năm mới, Chủ tịch có điều gì gửi tới những người đã giúp đỡ chúng ta thời gian qua?

Nhân dịp năm mới, thay mặt hơn 8,5 triệu hội viên Hội KHVN trước hết tôi xin chuyển đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước lòng biết ơn sâu sắc vì đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao phong trào, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội hoạt động; chân thành cảm ơn các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và tôn giáo..., các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương đã tích cực hỗ trợ, hợp tác, giúp đỡ Hội; các nhà khoa học, trí thức trong nước và ở nước ngoài đã góp công, góp sức xây dựng và thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT phát triển; chân thành cám ơn và tri ân các tổ chức và cá nhân với tấm lòng hào hiệp đã đóng góp cho Quỹ Khuyến học những năm qua. Tôi cũng xin gửi tới các cấp Hội, các hội viên của Hội, các đồng chí, bè bạn có cảm tình với Hội và độc giả của báo Khuyến học & Dân trí, và báo điện tử Dân trí lời chúc năm mới, sức khỏe hạnh phúc và thành đạt. Năm 2012, một năm với nhiệm vụ rất quan trọng và nặng nề nhưng cũng nhiều hứa hẹn đang mở ra trước mắt chúng ta.

Xin cám ơn Chủ tịch!

Vân Bảo Vân

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá về website này như thế nào?

Đẹp và dễ sử dụng

Đẹp nhưng khó sử dụng

Bình thường

Không đẹp

Giới thiệu

Tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam

  1. Tôn chỉ, mục đích Hội Khuyến học Việt Nam là tổ chức xã hội của mọi công dân và tổ chức Việt Nam tâm huyết với sự nghiệp "trồng người góp sức phấn đấu cho phong trào " toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục", "cả nước trở thành một xã hội học tập" nhằm nâng cao dân trí, đào tạo...

trung tam dạy tốt Luyện thi đại học