Danh Mục Chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 68


Hôm nayHôm nay : 7576

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 335998

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22087173

Liên Kết

Tuyển sinh 2014
Báo Dân Trí
Bộ Giáo Dục - Đào Tạo
Mạng Giáo Dục Edu Net
Học Mãi
Hội Khuyến Học Việt Nam
Sở Giáo Dục & Đào Tạo Hà Nội

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức

Đ/c Nguyễn Thị Bích Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Đội ngũ tri thức là nguồn lực quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô và đất nước

Thứ tư - 01/02/2012 21:20
Đ/c Nguyễn Thị Bích Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Đội ngũ tri thức là nguồn lực quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô và đất nước

Đ/c Nguyễn Thị Bích Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Đội ngũ tri thức là nguồn lực quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô và đất nước

Trước thềm Xuân mới 2012, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã chia sẻ với Tạp chí Giáo dục Thủ đô những vấn đề xung quanh sự nghiệp “trồng người”, về bồi dưỡng nhân tài của Thủ đô Hà Nội.


 

* PV: Xin đồng chí cho biết một số đánh giá về ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô trong năm qua?
Tôi đánh giá cao những thành tích đạt được của ngành Giáo dục và đào tạo trong năm qua. Năm học 2010 - 2011, ngành GD&ĐT Thủ đô đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học theo chủ đề “Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục”. Thành tựu mà ngành đạt được trong năm qua có thể nói là toàn diện, trên tất cả các cấp học. Với tinh thần chủ động tích cực, ngành GD&ĐT Hà Nội đã tham mưu với Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về công tác GD&ĐT, tạo cơ sở để ngành phát huy tốt những thành tựu đã đạt được, khắc phục khó khăn phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, tạo những bước chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục.
          Các cuộc vận động lớn, các phong trào thi đua của thành phố và của ngành tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Công tác đổi mới quản lý giáo dục và nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục được triển khai đồng bộ, dân chủ; việc phân cấp quản lý và giao quyền tự chủ cho cơ sở đã có chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ đi vào nền nếp; công tác kiểm tra đánh giá không ngừng được đổi mới. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng; cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cao. Vì vậy, chất lượng giáo dục được nâng lên từng bước vững chắc đối với tất cả các ngành học, bậc học, giữ vững chất lượng đại trà, đẩy mạnh giáo dục mũi nhọn, từng bước rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền… Rất đáng mừng khi ngành GD&ĐT Hà Nội vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích 5 năm thực hiện tốt Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chính phủ về “Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”; được Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua Xuất sắc; 14 lĩnh vực công tác đạt xuất sắc được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Đặc biệt, trước vấn đề nóng của cấp học mầm non, ngành đã chủ động tham mưu UBND TP để có nhiều giải pháp đảm bảo đủ chỗ học cho con em nhân dân, đã thu hút 100% trẻ 5 tuổi đến trường, thực hiện nghiêm túc chủ trương phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi và triển khai có hiệu quả Đề án phát triển giáo dục mầm non. Qua 2 năm thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng GDMN Hà Nội đến năm 2015" cho thấy chất lượng GDMN đã có nhiều chuyển biến tích cực. 100% số giáo viên hiện đã có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trong đó 65,6% số người đã đạt trình độ đào tạo trên chuẩn, cao hơn so với mục tiêu đề án 15,6%. Hà Nội cũng là một trong số không nhiều địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ cho GV hợp đồng được hưởng lương và các chế độ như với GV trong biên chế. Điều này góp phần giảm dần sự chênh lệch về thu nhập giữa GV trong cùng đơn vị, giúp các cô giáo, dù ở trong biên chế hay thuộc diện hợp đồng đều yên tâm công tác hơn.
Cơ sở vật chất các trường MN có nhiều khởi sắc khi có 2.344 phòng học được xây mới thay thế cho các phòng học nhờ, học tạm, vượt 443 phòng so với mục tiêu. Số trường đạt chuẩn so với trước khi thực hiện đề án tăng thêm 34 trường, chiếm tỷ lệ 15,3%. 357/357 trường MN bán công ở khu vực Hà Nội mở rộng đã chuyển sang mô hình công lập. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhờ thế được cải thiện rõ. Năm học 2010-2011, năm đầu tiên thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi với mục tiêu huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt mức tối đa, Hà Nội còn huy động được số lượng trẻ trong độ tuổi 3-4 ra lớp tăng hơn so với năm học trước đến 28.000 trẻ.
Tôi cũng rất ấn tượng với kết quả giáo dục mũi nhọn của Giáo dục Hà Nội khi năm qua, chúng ta có 72 học sinh đỗ thủ khoa vào các trường đại học, 130 học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đặc biệt có 14 em đã giành giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế…Ngành GD&ĐT Hà Nội nói chung, các gương mặt học sinh giỏi, tài năng nói riêng đã đem lại nhiều vinh dự, tự hào cho Thủ đô và đất nước.
Có thể thấy, những thành tích, kết quả mà ngành đạt được là rất đáng phấn khởi. Tuy nhiên, cũng còn một số điểm mà đội ngũ cán bộ quản lý, CBGV, NV, HS trong các nhà trường cần suy nghĩ, nghiêm túc nhìn nhận để có những giải pháp phù hợp khắc phục trong thời gian tới. Thực tế, đây đó vẫn còn có nhà giáo chưa thực sự gương mẫu về đạo đức, chưa rèn luyện và thiếu chuẩn mực về phương pháp sư phạm. Hà Nội còn thiếu nhiều trường mầm non phục vụ nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn…
*PVHàng năm, Thành ủy- UBND- HĐND Thành phố Hà Nội đều tổ chức tuyên dương các gương mặt thủ khoa xuất sắc, đồng chí đánh giá thế nào về công tác chăm lo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài của Thủ đô Hà Nội trong thời gian gần đây?
- Thành phố Hà Nội luôn xác định nguồn nhân lực là khâu đột phá trong chiến lược phát triển, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Các thủ khoa là nguồn nhân lực chất lượng cao, là tài sản quý của Thủ đô và của đất nước. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng đội ngũ tri thức và xác định đây là nguồn lực quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước. Trong đó có các thủ khoa được tuyên dương hàng năm. Việc tuyên dương thủ khoa xuất sắc hàng năm của Thành phố Hà Nội nhằm động viên, khích lệ thủ khoa và thế hệ trẻ phấn đấu vươn lên trong học tập, nghiên cứu và rèn luyện trong công tác…Hơn 1000 năm qua kể từ khi vua Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long, Thăng Long-Hà Nội đã trở thành mảnh đất văn hiến, anh hùng, nơi hội tụ tinh hoa của dân tộc. Nơi đây đã từ lâu có truyền thống hiếu học, luôn trọng dụng nhân tài và đã nảy sinh, nuôi dưỡng, đào tạo, đóng góp nhiều nhân tài cho đất nước...
Tiếp nối truyền thống này, trong những năm qua, Hà Nội luôn chú trọng phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho Thủ đô và đất nước. Trong đó, ngành Giáo dục đã đẩy mạnh đào tạo mũi nhọn trong các trường phổ thông. Thành phố đã có quy định về thu hút, sử dụng, đào tạo tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên tuyển dụng thẳng, không qua sơ tuyển vào cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đối với các sinh viên tốt nghiệp đại học đạt danh hiệu thủ khoa xuất sắc tại các cơ quan đào tạo trong nước và nước ngoài; sinh viên tốt nghiệp loại giỏi các trường đại học nước ngoài hoặc đại học công lập, hệ chính quy trong nước.Các đối tượng có bằng thạc sĩ (dưới 30 tuổi), tiến sĩ (dưới 35 tuổi) có chuyên ngành đào tạo thành phố đang cần và vận động viên, văn nghệ sĩ đoạt huy chương vàng hoặc giải nhất tại các kỳ thi chuyên nghiệp quốc gia, huy chương vàng, huy chương bạc hoặc giải nhất, nhì tại các cuộc thi khu vực hoặc thế giới cũng được ưu tiên tương tự. Với cán bộ, công chức thuộc diện tài năng trẻ, nhân lực chất lượng cao thành phố ưu tiên sử dụng bố trí, phân công công việc phù hợp với năng lực, sở trường, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tạo điều kiện về phương tiện làm việc, nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ...
Tuy vậy, việc chăm lo, bồi dưỡng thu hút người tài của Thành phố Hà Nội cũng còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Do vậy, vấn đề bức thiết trong chiến lược nhân tài của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, trước hết cần có những chủ trương, chính sách riêng về đào tạo, thu hút, sử dụng nhân tài. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên đặc biệt trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, phát huy nhân tài. Để chống ''chảy máu chất xám'', cần phải có các giải pháp cụ thể để giữ chân người tài... Một giải pháp không kém phần quan trọng nữa đứng từ phương diện quản lý nhà nước là phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và toàn diện giáo dục; gắn việc đào tạo với nhu cầu sử dụng của xã hội và đặc biệt là phải coi trọng chất lượng thực sự. Phải tạo ra sự chuyển biến từ ''xã hội chuộng bằng cấp'', thành ''xã hội trọng giáo dục''. Bên cạnh đó, cần thực sự tôn trọng, coi trọng tầng lớp nhân sĩ trí thức, tạo điều kiện và môi trường cũng như cơ chế để họ có thể tham gia, có tiếng nói trước những vấn đề lớn của quốc gia, dân tộc và từng địa phương, đơn vị. Có như vậy mới tập hợp được sức mạnh của tầng lớp trí thức, đội ngũ cán bộ có tài vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Về phía học sinh, sinh viên, các em cần phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, vươn lên học tập tốt, rèn luyện giỏi, qua những việc làm cụ thể, thiết thực, đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.
*Năm 2011, ngành Giáo dục Hà Nội đã hoàn thành việc biên soạn và đưa vào giảng dạy đại trà Bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh phổ thông. Đồng chí đánh giá thế nào về việc làm này của ngành Giáo dục Thủ đô?
Bộ tài liệu là cách làm rất sáng tạo của ngành Giáo dục Hà Nội với thành quả là không chỉ mang ý nghĩa khoa học, mà còn gắn với yêu cầu của thực tiễn dạy học. Đó là khơi dậy sự chủ động, tạo điều kiện để giáo viên sáng tạo, khích lệ việc đổi mới phương pháp trong mỗi bài giảng. Có thể nói, chương trình này được triển khai ở tất cả các trường học, sẽ góp phần quan trọng giúp các em học sinh có cái nhìn sâu sắc hơn về lối sống, đạo đức, tác phong của con người thanh lịch, văn minh, tích cực xây dựng Thủ đô - trái tim của đất nước ngày càng to đẹp, hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Thành ủy- UBND TP Hà Nội đã có Nghị quyết xây dựng Chương trình phát triển văn hóa- xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015, việc ngành Giáo dục Hà Nội đưa vào giảng dạy đại trà Bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội không chỉ có giá trị trong khuôn viên nhà trường mà còn tác động đến từng gia đình, không chỉ học sinh được học thanh lịch-văn minh mà phụ huynh cũng sẽ chú trọng hơn về hành vi của mình để làm gương cho thế hệ trẻ nhằm gìn giữ và tiếp nối truyền thống đẹp của người Tràng An…
Năm học 2011-2012 là năm đầu tiên ngành Giáo dục cùng với cả nước bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Để thực hiện mục tiêu “đổi mới giáo dục một cách căn bản, toàn diện”, ngành Giáo dục Hà Nội cần chú trọng vào những vấn đề gì, thưa đồng chí?
- Phát huy bề dày truyền thống và những thành tích đã đạt được, thầy và trò Thủ đô cần ra sức phấn đấu tốt hơn nữa trong dạy và học, góp phần cùng Thủ đô thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Chiến lược giáo dục của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn mới. Mỗi nhà trường cần tiếp tục phát huy truyền thống, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, cách thức kiểm tra, đánh giá thiết thực theo hướng “Mỗi giáo viên cán bộ quản lý giáo dục thực hiện một việc làm đổi mới trong phương pháp dạy học và quản lý; tạo sự đổi mới trong phương thức hoạt động của trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”.
Bên cạnh đó, toàn ngành cần tập trung mọi nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng đại trà, đẩy mạnh chất lượng mũi nhọn. Cùng với giáo dục trí dục cần chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật gắn với phong trào xây dựng “Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực”, “Nhà trường văn hoá, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch”. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục như đầu tư CSVC, kiên cố hoá trường lớp, xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn về kỹ năng kiến thức, bồi dưỡng cán bộ quản lí, đa dạng hoá các loại hình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu cho nhân dân để đáp ứng với yêu cầu mới trong công cuộc phát triển văn hoá xã hội của Thủ đô. Ngành Giáo dục Hà Nội cũng cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Thành ủy về xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch; hoàn thành quy hoạch phát triển ngành để trình HĐND; Hoàn thành chỉ tiêu xây dựng trường Chuẩn quốc gia; cần có kế hoạch mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế để học tập và trao đổi kinh nghiệm về quản lí, đổi mới phương pháp giảng dạy…
*Nhân dịp xuân mới, đồng chí có thông điệp gì gửi cho thầy và trò Thủ đô?
Nhân dịp năm mới 2012 và Xuân Nhâm Thìn, thay mặt lãnh đạo Thành ủy- UBND Thành phố, tôi xin gửi tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh Thủ đô - những người đã nỗ lực cống hiến tâm sức trong suốt một năm qua vì sự nghiệp “trồng người”, bồi đắp nhân tài cho Thủ đô và cả nước lời chúc Sức khỏe, Hạnh phúc và Thành công.
Tôi cũng mong muốn Tạp chí Giáo dục Thủ đô ngày càng được đông đảo các thầy cô giáo và độc giả đón nhận, coi cuốn Tạp chí như một tài liệu không thể thiếu phục vụ chuyên môn cũng như góp phần xây dựng mỗi nhà trường ngày càng thanh lịch, văn minh, mỗi gia đình ngày càng hạnh phúc và phát triển bền vững.
Trong năm mới 2012, tôi hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục đoàn kết, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Thành phố và nhân dân giao phó.
*Xin cảm ơn đồng chí! 
Tùng Lâm- Kiều Giang (Thực hiện)

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá về website này như thế nào?

Đẹp và dễ sử dụng

Đẹp nhưng khó sử dụng

Bình thường

Không đẹp

Giới thiệu

Tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam

  1. Tôn chỉ, mục đích Hội Khuyến học Việt Nam là tổ chức xã hội của mọi công dân và tổ chức Việt Nam tâm huyết với sự nghiệp "trồng người góp sức phấn đấu cho phong trào " toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục", "cả nước trở thành một xã hội học tập" nhằm nâng cao dân trí, đào tạo...

trung tam dạy tốt Luyện thi đại học