Danh Mục Chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 66

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 65


Hôm nayHôm nay : 8473

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 358010

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22513438

Liên Kết

Tuyển sinh 2014
Báo Dân Trí
Bộ Giáo Dục - Đào Tạo
Mạng Giáo Dục Edu Net
Học Mãi
Hội Khuyến Học Việt Nam
Sở Giáo Dục & Đào Tạo Hà Nội

Trang nhất » Tin Tức » Sổ Tay Khuyến Học - Tin tức

Kinh nghiệm xây dựng “GIA ĐINH HIẾU HỌC”

Thứ ba - 16/07/2013 17:09
Bài hưởng ứng cuộc vận động sáng tác về đề tài khuyến học
Gia đình cụ Nguyễn Minh Vũ làng Cót, xã Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Gia đình cụ Nguyễn Minh Vũ làng Cót, xã Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội

           Xây dựng “Gia đình hiếu học” là một kế hoạch lớn của Nhà nước ta, được Hội Khuyến học ban hành ngày 24-6-2003, nhằm thực hiện chủ trương lớn của Đảng là “Xây dựng Xã hội học tập” được nêu ra trong Chỉ thị số 11-CT/TƯ của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 02/2008/CT/TTg của Thủ tướng. Đây là những văn bản có tính chất định hướng cho hoạt động khuyến học trong cả nước. Việc xây dựng Gia đình Hiếu học do đó có những nét chung bên cạnh những nét riêng của từng gia đình, có thể tham khảo lẫn nhau.

          Với gia đình tôi, việc tạo điều kiện, thúc đẩy mọi người trong gia đình luôn phấn đấu trong tu dưỡng, học tập là một truyền thống gia đình, xuất phát từ lời dạy của cụ thân sinh ra tôi khi cụ còn sống: “Bố mẹ dù phải vất vả hai sương một nắng cũng cố nuôi các con ăn học bằng người, chỉ mong các con chăm chỉ học hành”. Lời dạy của bố luôn văng vẳng bên tai, đã thúc đẩy tôi chăm học và học giỏi; bây giờ tôi lại đem lời dạy ấy nhắc nhở con, cháu, những mong chúng thấm nhuần mà ra sức phấn đấu học tập, học ở mọi nơi, mọi lúc; học trong nhà trường, học ngoài xã hội, học từ lúc còn trẻ cho đến lúc về già, nhằm rèn luyện nhân cách, làm tốt nhiệm vụ được giao, đền đáp phần nào công ơn của gia đình, của xã hội. Được đọc các văn bản của Đảng và Nhà nước, tôi vui mừng thấy rằng những cố gắng của gia đình tôi mấy năm nay nhằm thực hiện lời dạy của cụ thân sinh ra tôi lại may mắn phù hợp với mục tiêu của văn bản này.

        

Cháu Nguyễn Lê Trung đạt vòng nguyệt quế cuộc thi Đường Lên đỉnh Ôlimpia năm 2008

Đại gia đình tôi hiện nay gồm 3 thế hệ cùng chung sống, cùng quan tâm chăm sóc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho nhau phấn đấu vươn lên trong học tập, trong công tác.

         Hai vợ chồng tôi là những nhà giáo đã nghỉ hưu, xong vẫn tự xác định phải nêu gương tốt cho con cháu, theo khẩu hiệu “Sống khoẻ, sống vui, sống có ích”, giúp con cháu thực hiện kế hoạch học tập, nhất là đối với các cháu đang còn ở độ tuổi ăn học. Là nhà giáo, chúng tôi giúp các cháu lên thời gian biểu học hằng ngày sát với thời khoá biểu của lớp, tạo góc học tập, cung cấp đủ sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo cần thiết đã được chọn lọc, nhắc nhở các cháu thực hiện đúng thời gian biểu. Ngoài ra, gia đình tôi đã chú tâm từ lâu xây dựng “Thư viện gia đình”, có đủ các loại sách cần thiết cho việc học (SGK, các tài liệu tham khảo...), các sách phổ biến tri thức, phổ biến khoa học, các sách văn nghệ phù hợp với lứa tuổi các cháu của NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, NXB Thanh Niên... của các tác giả nổi tiếng như Tô Hoài (Dế mèn phưu lưu ký, Đảo hoang...), Võ Quảng (Toả sáng...), Đoàn Giỏi (Đất rừng phương nam...), Không gia đình (truyện dịch của Hector Malot- Pháp)... để các cháu có thể tham khảo trong học tập, mở mang thêm trí thức, hoặc thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng. Hiện thư viện của gia đình tôi có khoảng trên dưới một ngàn cuốn sách các loại cho cả trẻ con và người lớn.

            Tuỳ theo sức khoẻ cho phép chúng tôi giúp các con trông nom nhà cửa, quản lý việc học tập của các cháu nhỏ khi bố mẹ chúng phải đi công tác xa, nhắc nhở động viên các con có kế hoạch học tập thêm nhằm nâng cao trình độ, kèm cặp cho các cháu giúp chúng nắm chắc, nắm sâu kiến thức và biết cách vận dụng, theo dõi việc học tập của các con, các cháu, có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời, ví dụ thưởng sách vở cho các cháu, làm thơ, làm câu đối khích lệ các con .. ví dụ như:

                                                                   Kiến thức chuộng ham, cả nhà đều đại học
                                                                   Học hành yêu thích, thạc sĩ mới mình con.

 là đôi câu đối tôi đã làm tặng đứa con lớn đậu thạc sĩ năm 1998.
            Bên cạnh việc giúp đỡ con cháu, 2 vợ chồng tôi đều chăm lo luyện tập thể dục thể thao giữ gìn sức khoẻ, thường xuyên đọc sách báo tạp chí (báo Lao Động, Tạp chí Văn Nghệ, Kiến thức ngày nay mà tôi đặt mua từng quý ở Bưu Điện), đôi khi cũng viết bài gửi đăng báo, tham gia CLB thơ Hương sắc Yên hoà (vợ tôi là phó chủ nhiệm CLB). Gia đình tôi cũng luôn nghiêm túc tham gia sinh hoạt tổ dân phố, cùng xây dựng nếp sống văn hoá, nếp sống văn minh đô thị, nghiêm chỉnh thực hiện mọi đường lối chủ trương chung. Vì vậy, tuy nghỉ hưu, song vợ chồng tôi hầu như không có thời gian nhàn rỗi.
             Ba con tôi hồi học phổ thông, đều là học sinh chuyên toán; thi tuyển đại học đều đủ điểm đi học nước ngoài, song chỉ có đứa đầu lòng được đi học ở Tiệp Khắc, 2 đứa sau vì đã có chị được đi rồi, phải cộng thêm 3 điểm, thành ra lại hoá thiếu điểm, ở lại học trong nước. Các cháu đều tốt nghiệp đại học, sau khi chúng ra công tác, vợ chồng tôi luôn khuyến khích chúng phấn đấu học thêm để nâng cao trình độ. Cho đến nay, cháu út đã có thêm bằng cử nhân luật, sau đó tiếp tục ghi tên học tại chức sau đại học lấy bằng Master ở trường ĐH Preston (Mỹ) và đã tốt nghiệp. Cháu lớn học đại học ở Tiệp Khắc về, dạy học ở Đại học Ngoại Thương, năm 1998 đỗ thạc sĩ lúc 36 tuổi. Để động viên cháu, ngoài câu đối đã nói ở trên, Tết năm ấy tôi còn làm bài thơ:
                                    Xuân này khác hẳn những xuân qua,
                                    Mơ ước đâm chồi đã nở hoa:
                                    Thạc sĩ, quà riêng dâng bố mẹ,
                                    Cử nhân, chưa thật thoả lòng cha.
                                    Vun trồng cây phúc, con hơn bố,
                                    Nuôi dưỡng tài năng, nối nghiệp nhà.
                                    Biển học mênh mông, mau bước tiếp,
                                    Chớ nề gian khổ, chớ nề xa.
              Quả nhiên, cháu không phụ lòng mong ước của bố mẹ; năm 2004, ở tuổi bốn mươi hai, cháu tiếp tục nhận bằng Tiến sĩ kinh tế. Tôi lại có bài thơ mừng cháu:
                                                       Ba sáu tuổi con là thạc sĩ
                                                                 Bốn mươi hai, tiến sĩ thành danh.
                                                                        Bao năm đèn sách gắng công,
                                                                 Khai khoa vinh dự, ước mong vẹn toàn.

            Tuy vậy, cháu không ngừng tiếp tục phấn đấu, học tập: cháu thường xuyên có bài nghiên cứu gửi đăng ở các tạp chí chuyên ngành, đồng thời luôn chú ý săn lùng các học bổng sau đại học do nhà nước ta hay các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cấp, gửi đơn đăng ký xin học, vượt qua các vòng phỏng vấn chặt chẽ, nghiệt ngã để được đi du học, học thêm. Cháu đã được đi tu nghiệp 1 năm ở trường đại học Hawai (Mỹ), 6 tháng ở trường ĐH Oxfod (Anh), rồi lại 1 năm ở Hàn Quốc. Cháu thứ hai tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, là kỹ sư chuyên về máy tính, cũng thường xuyên học tập thêm bằng cách đặt mua, đọc các tạp chí chuyên ngành, cập nhật kiến thức, đồng thời hướng dẫn cả gia đình sử dụng máy vi tính, dùng máy vi tính để học tập và để soạn bài lên lớp.
             

Vợ chồng tôi có 2 cháu nội, 3 cháu ngoại; trừ 1 cháu đang học mẫu giáo, còn 4 cháu đang học phổ thông từ lớp 4 đến lớp 11, năm học nào các cháu cũng phấn đấu Học sinh Giỏi. Năm học 2004-2005 đứa cháu đích tôn là Nguyễn Lê Trung lúc ấy học lớp 9 đoạt giải trong kỳ thi Học sinh giỏi Vật lý của quận Đống Đa; cũng trong năm học này mẹ cháu đang dậy Toán ở trường THPT Quang Trung được công nhận là Giáo viên dậy giỏi. Do cả 2 mẹ con đều có thành tích nên được Công đoàn ngành Giáo dục thành phố cấp Giấy khen “Mẹ lao động giỏi, con học tập tốt”. Thằng cháu này còn là bí thư Đoàn lớp, đồng thời là uỷ viên BCH Đoàn trường. Hai năm học liền (năm lớp 10 và lớp 11) không những cháu là HSG mà còn là học sinh có điểm tổng kết trung bình cao nhất khối , được tuyên dương khen thưởng toàn trường. Cháu còn sử dụng  khá thành thạo máy vi tính, biết truy cập internet để sưu tầm kiến thức. Cháu cũng ham thích theo dõi đều đặn chương trình “Đường lên đỉnh Olimpia”, chương trình “Vượt qua thử thách” trên tivi để tự trau dồi thêm . Cháu đã dự kỳ thi ở trường PTTH tuyển người đại diện đi dự thi “Đường lên đỉnh Olimpia” và cháu đã được chọn. Nhân dịp này vợ chồng tôi đã mua tặng cháu cuốn “Bách khoa tri thức học sinh thế kỷ XXI”, bố mẹ cháu thì mua cho cuốn “Bách khoa tri thức cho trẻ em – Câu hỏi và trả lời”. Tham gia thi ở Đài Truyền hình, ở kỳ thi tuần cháu đoạt vòng nguyệt quế với 325 điểm, ở kỳ thi tháng, cháu đoạt giải Nhì với 190 điểm. Thi tuyển đại học, ở trường ĐH Ngoại Thương (Khối A), cháu đạt 28 điểm, đồng thời ở trường ĐH Y Hà Nội (Khối B), đạt 27 điểm. Ở ĐHNT cháu được tuyển vào lớp học Tiên Tiến là lớp liên kết đào tạo với trường ĐH Colorado (Mỹ) do thạo tiếng Anh. Cháu đã được Hội KH phường Yên Hoà mời báo cáo kinh nghiệm học tập ở Ngày hội Khuyến học. Cháu nội thứ 2- Nguyễn Lê Tuấn – cũng được chi hội KH số 32 mời báo cáo kinh nghiệm học tập. Một cháu ngoại – Võ Huyền Mi – là học sinh lớp chuyên Anh của trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, hiện cũng đang theo lớp Tiên Tiến của trường ĐH Ngoại Thương; cháu ngoại thứ 2 – Võ Phương Linh – đang theo học ở trường PTTH Hà Nội – Am-stec-đam, năm ngoái đoạt giải Nhất kỳ thi tiếng Anh dành cho học sinh phổ thông. Một cháu ngoại nữa – Lưu Nguyên Long- đang theo học lớp 6, cũng liên tục đạt danh hiệu Học sinh Giỏi.
           Các cháu đạt được thành tích như vậy là nhờ sự chăm sóc giáo dục của nhà trường của các thầy cô giáo, song cũng phải kể đến công sức đóng góp của gia đình trong việc uốn nắn giáo dục cũng như động viên khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu, ví như tạo góc học tập, mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, tài liệu tham khảo....
          Bên cạnh việc động viên giúp đỡ con cháu học tập, chúng tôi không quên việc uốn nắn đường ăn nết ở trong gia đình cũng như ngoài xã hội: phải giữ chữ Hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ; anh chị em phải trên kính dưới nhường, thương yêu đùm bọc nhau, phải luôn nhớ coi trọng tình nghĩa hơn tiền bạc...Trong Gia Phả của gia đình, tôi viết hẳn một bài Gia phong nhà tađể nhắc nhở con cháu những điều nói trên. Tháng 3 – 2013, Đài Truyền hình Hà Nội đã liên hệ với gia đình tôi, làm một chương trình truyền hình tên gọi “Gìn giữ gia phong, phát vào chuyên mục “Chuyện tuổi già” lúc 16 giờ chủ nhật.
         Trên đây chúng tôi đã trình bầy một số việc làm của gia đình tôi trong thời gian qua, nhằm khuyến khích, thúc đẩy mọi người trong gia đình luôn có kế hoạch học tập, học ở mọi nơi, mọi lúc có thể, trẻ cũng học mà già cũng học, nhằm cải tiến công tác, cải thiện cuộc sống hàng ngày càng có ích hơn, tươi vui hơn .Ước mong của chúng tôi là những dòng trên đây có thể đóng góp được một số gợi ý cho việc chung của chúng ta là xây dựng Gia đình Hiếu học

NGUYỄN MINH VŨ
Yên Hòa, Cầu Giấy

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá về website này như thế nào?

Đẹp và dễ sử dụng

Đẹp nhưng khó sử dụng

Bình thường

Không đẹp

Giới thiệu

Tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam

  1. Tôn chỉ, mục đích Hội Khuyến học Việt Nam là tổ chức xã hội của mọi công dân và tổ chức Việt Nam tâm huyết với sự nghiệp "trồng người góp sức phấn đấu cho phong trào " toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục", "cả nước trở thành một xã hội học tập" nhằm nâng cao dân trí, đào tạo...

trung tam dạy tốt Luyện thi đại học