Danh Mục Chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 50


Hôm nayHôm nay : 8040

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 281409

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22436837

Liên Kết

Tuyển sinh 2014
Báo Dân Trí
Bộ Giáo Dục - Đào Tạo
Mạng Giáo Dục Edu Net
Học Mãi
Hội Khuyến Học Việt Nam
Sở Giáo Dục & Đào Tạo Hà Nội

Trang nhất » Tin Tức » Sổ Tay Khuyến Học - Tin tức

NGƯỜI MẸ THỨ HAI

Thứ sáu - 12/07/2013 16:12
Bài hưởng ứng cuộc vận động sáng tác về đề tài khuyến học
Bông hoa kính tặng Thầy

Bông hoa kính tặng Thầy

                - Phương ơi, dậy ăn sáng nhanh lên còn đi học!
Vừa cầm đôi đũa chạy từ phòng ăn ra, tôi vừa gọi giục con. Chẳng là hôm nay con trai tôi chuyển đến học ở ngôi trường mới: Trường Phổ thông Nguyễn Siêu.
                Buổi sáng hôm đó, một buổi sáng mùa thu trời se lạnh, ăn sáng và chuẩn bị mọi thứ tươm tất, đích thân tôi chở con đến trường. Chẳng kịp đeo khẩu trang, quấn khăn quàng cổ, những cơn gió hắt vào mặt lạnh buốt nhưng lúc ấy tôi chẳng hề quan tâm. Đèo con sau lưng, tâm trạng tôi mải nghĩ: không biết con học ở ngôi trường mới có tốt không, giáo viên chủ nhiệm có quan tâm tới học sinh như một người bạn đồng nghiệp đã giới thiệu hay không? Mải nghĩ, mẹ con tôi đã đỗ xịch trước cổng trường lúc nào không hay.

Tôi xin phép bảo vệ dẫn con vào văn phòng để nhận lớp. Cô nhân viên văn phòng đón mẹ con tôi với thái độ thân thiện. Cô trao cho con trai tôi tờ phiếu ghi tên lớp và nói với tôi giọng rất nhẹ nhàng:
              - Con trai chị học lớp 11A5 do thầy Thể chủ nhiệm
              Tôi bật đứng lên như một cái lò xo, hỏi giọng đứt quãng:
              - Chủ nhiệm ...là thầy giáo ạ? Thế thầy dậy môn gì?
              - Môn thể dục chị ạ!
             Tôi đờ đẫn hết cả người, tâm trạng chán nản, vẫy tay chào con đi lên lớp, tôi thất thểu dắt xe ra khỏi cổng trường.
          Cả ngày hôm đó, tôi chẳng làm được gì. Đến cơ quan ngồi thẫn thờ suy nghĩ: “Vì sao mình cho con vào Nguyễn Siêu chứ? Bởi con trai mình dạo này mải chơi, học trường công lập có 1 buổi/ngày, buổi còn lại theo chúng bạn đi chơi, học hành sa sút. vả lại con đang có chuyện buồn. Mình muốn con thay đổi môi trường. Đến với Nguyễn Siêu mình hy vọng con được cô giáo chủ nhiệm nhiệt tình, quan tâm đến học sinh để con mình quên đi nỗi buồn và có cơ hội làm lại từ đầu. Ngờ đâu lại là một thầy giáo, mà lại là thầy dậy thể dục cơ chứ! Đàn ông thì họ làm gì sát sao, quan tâm đến con trẻ...?’
              Tâm trạng rối bời tôi chẳng làm được gì, mà sao hôm ấy thời gian trôi chậm thế! 15 giờ 30 phút, tôi đã có mặt ở cổng trường chờ đợi. Trống vừa điểm, tôi năn nỉ bảo vệ cho tôi được lên lớp xem con học thế nào, thầy chủ nhiệm ra sao? Vừa bước đến cầu thang, tôi đã nhìn thấy con mình. Không có gì biểu hiện là mệt mỏi, con trai tròn xoe mắt ngạc nhiên khi thấy tôi. Tôi vội hỏi:
              - Thầy giáo chủ nhiệm con đâu?
              - Thầy đang ở trên lớp mẹ ạ.
              - Vậy con ra cổng chờ mẹ một chút đã nhé!
           Tôi vội leo lên tầng bốn, đi về phía tấm biển ghi 11A5. Hình ảnh đầu tiên tôi bắt gặp lúc đó là một thầy giáo khoảng gần ba mươi tuổi, vóc dáng khoẻ mạnh, cân đối đang cầm cây chổi lúi húi lau sàn lớp. Tôi lùi lại một chút quan sát: thầy đi một đôi dép lê trong lớp, tay áo xắn gọn gàng, khuôn mặt chữ điền gợi rõ sự thông minh, hiền hậu. Một tay cầm cây chổi, một tay xách xô nước, thầy di chuyển và lau lớp rất chăm chú. Qua từng ngăn bàn, thầy đều dừng lại sắp xếp lại sách vở cho học sinh. Phát hiện có bóng người, thầy dừng lại, nhìn ra cửa. Tôi vội bước vào cửa lớp, thầy nhanh nhẹn bước ra, tươi cười hỏi:
                - Chị cần gặp ai ạ
                -  Chào thầy giáo, tôi là mẹ Khánh Phương, cháu mới chuyển vào đây sáng nay
              - À vâng, chào mẹ Khánh Phương, mời chị vào lớp! Chị thông cảm, lớp chưa được khô, tôi tranh thủ lau để sáng mai các con có thời gian truy bài đầu giờ.
                 - Dạ...thôi, tôi chỉ nhờ thầy quan tâm để ý đến con một chút...
                - Chị yên tâm, con ngoan và giàu tình cảm lắm. Chẳng qua con vừa trải qua chuyện buồn, nhớ bạn hữu nên tâm trạng chưa ổn định. Dần dần con sẽ quen thôi.
                Tôi giật này mình. Tại sao thầy lại biết chuyện thầm kín của con ngay buổi đầu vừa gặp. Tôi không dám làm phiền thầy. Quay xuống cầu thang, tôi như trút được gánh nặng. Tất cả những lo lắng, buồn phiền của cả một ngày tan biến.
               Trên đường về, tôi tự hỏi: tại sao có một người thầy giáo chịu thương chịu khó đến như vậy? Tại sao mới nhận con vào lớp có một ngày mà thầy đã hiểu con, coi con như người bạn? Chuyện sảy ra vừa qua khiến con tôi hụt hẫng. Chẳng là: năm lớp 8, khi con tôi vừa chuyển lên Hà Nội học, còn đang lạ lẫm chốn đô thành, con tôi kết thân được với một bạn cùng lớp. Hai đứa hợp tính nhau, khăng khít, keo sơn hơn cả anh em một nhà. Chuyện vui, chuyện buồn, lúc nào cũng có nhau. Mấy tháng trước, bố bạn ấy gặp tai nạn và ra đi đột ngột, mẹ bạn ấy phải chuyển vào Sài Gòn sống cùng ông bà ngoại. Con tôi rất buồn và chỉ vùi đầu vào máy tính hoặc đi chơi với bạn suốt buổi. Trên đường về, tôi không hỏi con điều gì. Ăn tối xong, con tôi ngồi vào bàn học, sau khoảng một giờ rưỡi, con ra phòng khách xem phim cùng gia đình, tâm trạng rất vui. Thế là tôi tạm yên tâm.

                                         Thầy trò  (Ảnh minh hoạ)
              Những ngày tiếp theo, con tôi vui vẻ trở lại, con đã lấy lại được cân bằng. Thỉnh thoảng, con kể chuyện lớp, chuyện bạn bè với mẹ và em nhất là những mẩu chuyện về thầy. Qua lời con, tôi hiểu, trong con, thầy chính là hình ảnh một nhà giáo mẫu mực, luôn vươn lên để hoàn thiện mình. Mặc dù dạy thể dục, một môn học mà học trò vẫn gọi nôm na là môn phụ nhưng thầy luôn chỉn chu và kĩ lưỡng trong những tiết dạy của mình. Với thầy, thể dục không đơn thuần chỉ là những động tác luyện tập tay chân. Thể dục còn cần sự hiểu biết về cơ thể, về sức khoẻ con người. Bởi vậy, trong những tiết dậy của thầy, học trò không chỉ cảm thấy sảng khoái bởi được hoạt động sau những giờ học đầy căng thẳng mà còn được thầy nhắc nhở những vấn đề về tâm sinh lý. Quả thật, thầy rất tâm lý. Bên thầy, con tôi dần học tập được cách làm việc khoa học và hiệu quả, con tôi nhận ra được điểm mạnh, điểm yếu của mình.
              Trong vai trò chủ nhiệm, bất cứ thời gian nào rảnh rõi, thầy đều có mặt trên lớp quan tâm chăm sóc các con từng bữa ăn, giấc ngủ chẳng khác gì một người mẹ chăm sóc đàn con. Những hôm có bạn vi phạm kỷ luật hoặc có vấn đề gì cần nhắc nhở  thầy đều dành buổi trưa gọi riêng các bạn ra khuyên bảo một cách nhẹ nhàng. Và hơn tất cả, con tôi học hành rất tiến bộ và đạt được nhiều những điểm 10 trong các môn tự nhiên.
                Một buổi tối thứ bẩy, con đến ngồi cạnh tôi, nhỏ nhẹ:
                - Mẹ ơi, sáng mai chủ nhật, mẹ cho con đi thăm một số bạn trong lớp với thầy nhé!
                Tôi ngạc nhiên hỏi:
                - Các bạn làm sao mà phải đi thăm?
                - Một bạn gia đình khó khăn định nghỉ học, còn hai bạn kia học sút kém nên thầy muốn đến động viên.
                - Thế ngoài thầy và con còn có bạn nào đi nữa không?
                - Có ba bạn cán bộ lớp nữa mẹ ạ.
                Tôi suy nghĩ trong giây lát rồi đồng ý và dặn:
                - Con đi đường phải cẩn thận, con nhé!
                Tối hôm đó, trong bữa cơm, con kể giọng buồn buồn:
               - Mẹ ơi, bạn Duy khổ lắm mẹ ạ. Bạn ấy không còn mẹ, bố thì ở quê, bạn ấy lên đây học với chị, ở nhờ nhà bác. Không có tiền đóng học, bạn ấy nghỉ học hai hôm nay. Khi thầy cùng chúng con đến động viên, thầy bảo thầy đóng học phí cho bạn ấy rồi.
               - Thế bạn ấy có đi học tiếp không ?- Tôi tò mò hỏi.
               - Có, sáng mai bạn ấy sẽ đi học. Bạn ấy khổ quá mẹ nhỉ?
             Câu chuyện của con làm tôi cảm động. Tôi biết thầy có con nhỏ, vợ cũng làm nghề dậy học. Vất vả là vậy mà thầy vẫn dành thời gian đến từng gia đình học sinh để trao đổi, động viên các con. Việc làm đó thời nay hiếm lắm. Thời buổi kinh tế thị trường ai cũng mải lo miếng cơm, manh áo thế mà thầy vẫn dành trọn công sức và tâm huyết với học trò. Phải có tấm lòng bao dung, yêu thương các con học sinh hết mực, thầy mới làm được việc đó. Không những thế, thầy đã trao cho con tôi một thứ vô cùng quý giá, đó là đạo làm người.
              Thầy giáo ơi! Ơn thầy biết bao, trong xã hội này vẫn có những người thầy đức cao vọng trọng. Nhờ thầy mà con tôi học được tình yêu thương, biết hướng thiện và vươn tới cái đẹp trong cuộc sống. Ơn biết bao nhiêu mái trường Nguyễn Siêu đã lựa chọn và nuôi dưỡng những tấm gương nhà giáo sáng ngời cốt cách và tâm hồn như vậy.
             Ngày mai là ngày 20/11, ngày nhà giáo Việt Nam, tôi xin gửi lời tri ân đặc biệt tới thầy giáo của con tôi - thầy Nguyễn Ngọc Thể - người thầy giáo luôn có vị trí quan trọng trong hàng nghìn trái tim các con học sinh - Người thầy của con tôi

 

Hà Nội, tháng 4 năm 2013
Đinh Thị Hoà
GV trường THCS Nguyễn Siêu

Nguồn tin: Phan Lạc Sắc giới thiệu

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá về website này như thế nào?

Đẹp và dễ sử dụng

Đẹp nhưng khó sử dụng

Bình thường

Không đẹp

Giới thiệu

Tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam

  1. Tôn chỉ, mục đích Hội Khuyến học Việt Nam là tổ chức xã hội của mọi công dân và tổ chức Việt Nam tâm huyết với sự nghiệp "trồng người góp sức phấn đấu cho phong trào " toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục", "cả nước trở thành một xã hội học tập" nhằm nâng cao dân trí, đào tạo...

trung tam dạy tốt Luyện thi đại học