Danh Mục Chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 31

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 30


Hôm nayHôm nay : 2572

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 221894

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22377322

Liên Kết

Tuyển sinh 2014
Báo Dân Trí
Bộ Giáo Dục - Đào Tạo
Mạng Giáo Dục Edu Net
Học Mãi
Hội Khuyến Học Việt Nam
Sở Giáo Dục & Đào Tạo Hà Nội

Trang nhất » Tin Tức » Học Bổng-TàiTrợ-Du học-Tin tức

Lời khẩn cầu từ lớp học đặc biệt

Thứ năm - 26/04/2012 19:12
Lời khẩn cầu từ lớp học đặc biệt

Lời khẩn cầu từ lớp học đặc biệt

Lớp học tình thương rất đặc biệt, dành cho hàng trăm thanh - thiếu niên khuyết tật ở chùa Hương Lan (thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) từ hơn 5 năm nay, đang phát đi một lời khẩn cầu: Họ cần sự chung tay nhiều hơn của những tấm lòng nhân ái để có cơ hội xóa đi mặc cảm tật nguyền và tái hòa nhập cộng đồng.
 

Lời khẩn cầu từ lớp học đặc biệt

Không có phòng học, 3 cô kèm 2 lớp trong 1 phòng.


Gian nan giữ lớp

Chuyện mở lớp dạy chữ cho trẻ trong chùa không phải là chuyện hiếm và lạ. Nhưng lớp học ở chùa Hương Lan đặc biệt ở chỗ gần 70 em theo học đều là trẻ khuyết tật, mắc các căn bệnh như thiểu năng trí tuệ, câm, điếc, đao, tự kỷ... ở tất cả các độ tuổi. Lớp chỉ học 2 buổi/tuần vào sáng thứ bảy và chủ nhật. Học sinh đến lớp được bố mẹ chở trên những chiếc xe lôi, xe ba gác...

Tuy được tính là 2 lớp thuộc hai nhóm trình độ khác nhau, nhưng vì phòng khách nhà chùa chỉ vẻn vẹn 15m2 nên đành phải chia hai nửa ngồi quay lưng lại nhau. Buổi học nào trong lớp cũng như “cãi nhau” vì mỗi cô dạy một bài khác nhau. Đó là chưa kể đến một số em bị thần kinh, tự kỷ đến lớp học chỉ là một phần, chủ yếu để giao lưu, hát cười cùng các bạn và để... nhận quà - là lộc thắp hương của nhà chùa. Chỉ là chút ít động viên các em, nhưng đôi khi quà lại là phần quyết định các em có đi học hay không.

Sư thầy Thích Đàm Tiền - trụ trì chùa Hương Lan - kể: Cách đây 5 năm, có một cô giáo đến gặp sư thầy, ngỏ ý được mượn phòng khách để dạy một số em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học kém và một số em khuyết tật, không có điều kiện đến trường như các trẻ bình thường và nhà chùa đã đồng ý.

Cô Lê Thị Hoà - giáo viên Trường Tiểu học Đông Sơn - người đã xin với sư thầy cho mở lớp tại chùa khi đó - cho biết: “Trước đó, tôi đã mở lớp dạy miễn phí cho các em ở nhà riêng, nhưng vì nhà chật nên mạo muội đề đạt nguyện vọng với sư thầy. Từ chùa về, tôi lập tức viết đơn, rồi hai vợ chồng đèo nhau bằng xe đạp đến nhà cô hiệu trưởng và bác chủ tịch xã xin phép mở lớp tại chùa. Thật mừng là mọi người đều chấp thuận. Lãnh đạo Trường Tiểu học Đông Sơn đã trợ giúp bảng, bàn ghế; còn sách vở, quần áo... đều do nhà chùa quyên góp từ phật tử”.

Buổi học đầu tiên mới có 7 em khuyết tật, buổi thứ hai đã tăng lên 42 em... Sau năm đầu, tiếng lành đồn xa, những gia đình có con em khuyết tật trong xã, huyện kéo nhau tới chùa xin học, có thời điểm lên đến 70 em. Hiện nay, sư thầy không dám nhận nữa vì lớp đã quá đông, không còn chỗ ngồi.

Theo sư thầy Thích Đàm Tiền, để duy trì được lớp học 5 năm nay không đơn giản. Những cô giáo theo dạy nếu không có tình thương và tấm lòng thực sự thì sẽ không “trụ” nổi bởi áp lực rất lớn. Cái “tâm” của các cô phải là “tâm Bồ tát” mới làm được, vì ngoài việc dạy kiến thức còn kiêm cả bảo mẫu thay giặt, lau chùi, vệ sinh cá nhân cho các em nữa.

Bằng chứng là ban đầu có 20 cô theo dạy, nhưng trước điều tiếng thị phi về danh lợi, về việc ảnh hưởng bệnh tật của các em đến việc sinh nở... giờ lớp chỉ còn 6 cô, trong đó 3 cô thường xuyên đứng lớp.

“Sư thầy thường nói với chúng tôi là các em là người khuyết tật, nghiệp nặng, phước mỏng nên các cô phải chịu đựng thay cho các em nhiều. 6 năm theo đuổi để giữ lớp, nhiều khi tôi cũng cảm thấy buồn và mệt mỏi vì những lời đàm tiếu cho rằng mình phải được lợi gì mới nhiệt tình như vậy, hoặc cho rằng mình là loại đồng cô, bóng cậu... Có những lúc tôi nghĩ mình chẳng thể “trụ” được, nhưng thấy các em tội quá lại không đành lòng” - cô Hòa trải lòng.

Cô Hoà dạy cho các em chơi trò chơi giữa giờ.

Vừa dạy, vừa… dỗ

Bùi Văn Long năm nay 17 tuổi. Mẹ Long - chị Nguyễn Thị Đua - cho biết: “Từ khi sinh ra đến nay, Long không nói, không cười, cũng không thể ngồi, chỉ nằm một chỗ. Cháu rất thích tới lớp, nhưng vì cháu không ngồi được nên gia đình cũng không có điều kiện cho cháu đến lớp thường xuyên. Mỗi lần đưa cháu đến, gia đình phải có người ngồi bế cháu, kể cả lúc cháu tập viết cũng phải bế. Từ ngày theo học ở chùa, vui với các bạn và được cô giáo dạy cầm bút, cháu đã biết cười”.

Chị Nguyễn Thị Bảy - mẹ em Lương Xuân Hưng (16 tuổi) - lại có nỗi niềm riêng: “Cháu gần như không có trí nhớ. Vì gia đình không có điều kiện nên cũng không đi khám xem cháu mắc bệnh gì. Chỉ biết rằng, càng lớn Hưng càng ít nói, đến tuổi đi học nhưng 3 năm học lớp 1 Hưng không thể nhớ được việc gì. Đã 5 năm tham gia lớp học này, cháu vẫn không thể nhớ thứ, ngày, tháng gì hết, không biết ngày nào đi học. Chỉ biết mẹ bảo hôm nay đi học là cháu đi thôi, nhưng mỗi lần đi học về cháu đều có biểu hiện vui, khác hẳn khi ở nhà”.

Cô Nguyễn Thị Thoa - một trong những người gắn bó với lớp học từ những ngày đầu - tâm sự: “Dạy học sinh bình thường đã vất vả, dạy những em khuyết tật vất vả gấp nhiều lần. Có em đang ngồi học bỗng nhiên lên cơn động kinh ngã vật ra lớp, có em tự kỷ cứ chui xuống gầm bàn... Nhiều em tới đây không chỉ học chữ, mà để giao lưu, hòa đồng với các bạn nên không chỉ dừng ở việc dạy chữ mà còn phải dỗ dành, chăm sóc đến cả việc vệ sinh cá nhân vì các em không ý thức được việc đó”.

5 năm gắn bó với lớp học tình thương, cô Hòa, cô Thoa chưa nhận bất kỳ đồng thù lao nào, thậm chí còn bỏ tiền túi mua sách vở, giấy mực cho các em. Bù lại, niềm vui của các cô là chứng kiến sự khôn lớn, trưởng thành từng ngày của các em.

Cô Hòa khoe: “Buổi đầu đến lớp, nhiều khuôn mặt còn ngờ nghệch, lầm lì, nhưng chỉ sau thời gian ngắn được học cùng cô và bạn, các em đã tươi tỉnh hẳn lên, sức khỏe tốt hơn và đã biết chào hỏi mọi người”. Từ những thanh niên lớn tồng ngồng, không biết tự vệ sinh cá nhân, sau một thời gian, nhiều học sinh của lớp đã biết ngắm vuốt, chải chuốt. Như bé Xuân (14 tuổi), lúc đầu đến người hôi, dãi dớt chảy, không biết gọi bố, nay đã gọi được bố, còn biết chào cô. Có em tự kỷ, đến chỉ biết chui vào gầm bàn trốn, nhưng nay đã ra chơi cùng bạn, biết làm theo hiệu lệnh... Thương nhất là những ngày mưa gió, hoặc bố mẹ bận không thể đưa đến lớp, nhiều em hờn dỗi, ăn vạ và đòi bắt đền vì “bố mẹ đã không biết dạy lại còn ăn bớt buổi học”. Lúc đó, các cô chỉ biết gọi điện đến nhà an ủi, dỗ dành, nhiều khi đành kêu phụ huynh cứ bắt taxi cho con đến lớp rồi cô sẽ trả tiền cho.

Những ước muốn giản dị

Khó khăn lắm Trần Thị Phượng (25 tuổi) mới nói được ước mơ của mình bằng giọng ngọng nghịu: “Em biết đọc, viết rồi. Em mong mình sẽ là thợ thêu giỏi”. Phượng cũng có ước mơ sẽ tự làm việc, nuôi sống bản thân như hai bạn Nguyễn Thị Xuân và Nguyễn Thị Miền - đã trưởng thành từ lớp học này và được sư thầy cùng cô Hòa xin vào làm may trong một doanh nghiệp ở Phú Xuyên với mức lương 1,8 triệu đồng/tháng. Xuân và Miền đều bị câm, từ không biết chữ, đến nay đã có thể giao tiếp bằng giấy và nhắn tin trao đổi với mọi người bằng điện thoại.

“Con muốn làm cô giáo”, “con mơ ước học vi tính giỏi, có máy vi tính để tự làm nuôi sống bản thân”, “con học giỏi thì cô lấy vợ cho con nhé”... Phát âm một cách khó nhọc, nhưng đằng sau mỗi ước mơ giản dị ấy là cả khát khao được hoà nhập, cống hiến của các em. Đến được với lớp học tình thương trong chùa, các em đã thoát mảnh sân nhỏ bé của gia đình mình đến được khoảng trời rộng lớn ngoài xã hội. Đó là cả sự cố gắng lớn của sư thầy và các cô giáo ở Chương Mỹ thời gian qua.

Nhưng làm sao để giúp được nhiều hơn nữa những trẻ khuyết tật được học hành, hoà nhập là trăn trở của sư thầy Thích Đàm Tiền. “Nhà chùa đã phát tâm bồ đề để dựng lớp, nhưng không thể đón nhiều hơn vì không có phòng học. Hiện, nhà chùa đã quyết định dành phần đất sau chùa, muốn xây 2 lớp học để các em không phải chịu cảnh học ghép lớp, nhưng chưa có kinh phí. Nhà chùa rất muốn đồng hành cùng xã hội, giúp đỡ nhiều hơn những mảnh đời kém may mắn. Muốn lắm, nhưng đành chịu vì có tâm mà không có lực” - sư thầy Thích Đàm Tiền trầm tư.

Bảo Duy - Kim Chung   

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá về website này như thế nào?

Đẹp và dễ sử dụng

Đẹp nhưng khó sử dụng

Bình thường

Không đẹp

Giới thiệu

Tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam

  1. Tôn chỉ, mục đích Hội Khuyến học Việt Nam là tổ chức xã hội của mọi công dân và tổ chức Việt Nam tâm huyết với sự nghiệp "trồng người góp sức phấn đấu cho phong trào " toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục", "cả nước trở thành một xã hội học tập" nhằm nâng cao dân trí, đào tạo...

trung tam dạy tốt Luyện thi đại học