Danh Mục Chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 112


Hôm nayHôm nay : 15300

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 353238

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22104413

Liên Kết

Tuyển sinh 2014
Báo Dân Trí
Bộ Giáo Dục - Đào Tạo
Mạng Giáo Dục Edu Net
Học Mãi
Hội Khuyến Học Việt Nam
Sở Giáo Dục & Đào Tạo Hà Nội

Trang nhất » Tin Tức » Sổ Tay Khuyến Học - Tin tức

CÔNG TÁC KHUYẾN HỌC KHUYẾN TÀI XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP Ở CHI HỘI KHUYẾN HỌC LÀNG BÙNG XÃ PHÙNG XÁ HUYỆN THẠCH THẤT

Thứ ba - 09/10/2018 15:37
Khuyến học, khuyến tài là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, tinh thần ấy càng được phát huy trong giai đoạn hiện nay, nó được thể hiện trong đường lối giáo dục đào tạo - coi giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu và các chủ trương chỉ đạo về đổi mới, cải cách giáo dục đào tạo, về công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập của Đảng và Nhà nước. Một trong những chủ trương chỉ đạo ấy là sự ra đời của Hội khuyến học Việt Nam tháng 02 /1996 với vai trò làm nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp với các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập.Cũng từ đó Hội khuyến học các tỉnh thành, huyện quận, xã phường, làng bản, cơ quan, xí nghiệp trường học… lần lượt được ra đời, để đến hôm nay hệ thống tổ chức khuyến học nước nhà đã được phủ rộng khắp cả nước từ Trung ương đến đơn vị cơ sở. Chi hội khuyến học làng Bùng xã Phùng Xá huyện Thạch Thất cũng được ra đời ngay trong thời kỳ đầu của quá trình này - tháng 11/2000.
Cổng làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất

Cổng làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất

      Làng Bùng xã Phùng Xá huyện Thạch Thất nằm ở phía nam cuối huyện Thạch Thất, cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 20km về phía Tây, dân số hiện nay hơn 4000 người. Làng có lịch sử trên dưới 2000 năm, từ nhiều đời nay người dân vốn cần cù lao động  sản xuất nhưng rất coi trọng việc học hành với quan niệm: học để làm người. Thời kỳ nho học làng Bùng là làng Khoa Bảng với 4 cụ đỗ Đại khoa (Tiến sỹ) ở các triều đại Lý- Trần- Lê trong đó có Danh nhân Văn hóa Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan mà thân thế sự nghiệp của Cụ được sử sách lưu danh, nhân dân bao đời ngưỡng mộ thờ phụng. Làng có cả Văn chỉ và Võ chỉ, có 8 di tích được xếp hạng, chủ yếu là nơi thờ tự các Danh nhân, Khoa bảng là người làng Bùng qua các triều đại.
      Kế thừa và phát huy truyền thống quê hương, tiếp thu đường lối Chính sách của Đảng và Nhà nước, Chi hội khuyến học làng Bùng là một trong những Chi hội ra đời sớm trong huyện. Sau 18 năm làm công tác khuyến học đã đạt được một số kết quả nhất định. Từ thực tiễn của hoạt động Khuyến học ở cơ sở có nhiều nội dung muốn được  trao đổi. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này, xin được trao đổi một số nội dung chính cần quan tâm trong tổ chức hoạt động khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập ở đơn vị như sau:
      Một là: Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền vận động, giáo dục truyền thống
Nhiệm vụ của công tác tuyên truyền vận động là làm cho truyền thống của dân tộc, các chủ trương Chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục đào tạo và công tác khuyến học được quán triệt đầy đủ đến mọi cấp mọi ngành, mọi tổ chức và toàn dân để mọi tổ chức, cơ quan, mọi cá nhân thấy được lợi ích của việc học tập suốt đời, ý nghĩa nhân văn của công tác khuyến học từ đó hưởng ứng, ủng hộ và tự nguyện tham gia. Đặc biệt công tác khuyến học có tính đặc thù, mang tính xã hội rộng rãi nên rất cần sự đồng tình ủng hộ của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, đây cũng là yếu tố rất quan trọng quyết định và đảm bảo sự phát triển bền vững của công tác này. Tăng cường giáo dục truyền thống nhằm khơi dậy lòng tự hào về truyền thống dân tộc, truyền thống quê hương, Dòng họ, gia đình từ đó mỗi cá nhân xác định rõ hơn trách nhiệm, quyết tâm trong học tập công tác để xứng đáng với truyền thống ấy.
      Ở Chi hội khuyến học làng Bùng thời gian qua đã thực hiện công tác tuyên truyền vận động thông qua các cuộc họp, việc Làng, hội nghị phát thưởng; thông qua các Dòng họ và các hội viên khuyến học. Cùng với tuyên truyền các chủ trương Chính sách của Đảng và Nhà nước, chi hội đã quan tâm đến việc giáo dục truyền thống; lấy thành tích học tập của người làng Bùng qua các thời kỳ để tuyên truyền giáo dục. Chi hội đã có Sổ vàng truyền thống để lưu danh những cá nhân được khen thưởng khuyến học, khuyến tài. Hiện nay Chi hội đã và đang phối hợp với các Dòng họ, lập Sổ vàng truyền thống học tập của Làng và Sổ vàng truyền thống  hiếu học của mỗi Dòng họ. Sổ vàng sẽ thể hiện đầy đủ truyền thống học tập của Làng , của mỗi Dòng họ ở các thời kỳ trước đây và ghi danh những cá nhân là người làng Bùng, người trong Dòng họ tốt nghiệp Đại học trở lên, từ sau hòa bình lập lại đến nay. BCH Chi hội đã phối hợp với các Dòng họ tổ chức sưu tầm, kê khai lập danh sách từ các Dòng họ và đã có được những tư liệu, tài liệu để lập Sổ vàng: Thời kỳ nho học làng Bùng có 4 cụ đỗ Đại khoa, 10 cụ đỗ Trung khoa, 23 cụ đỗ Tiểu khoa và 10 cụ đỗ đạt nhưng theo con đường Binh nghiệp. Tất cả những tư liệu trên có được từ các bia đá tại Văn chỉ, Võ chỉ Làng và một số tài liệu tin cậy khác. Ở các thời kỳ, Làng có nhiều thầy đồ dạy chữ nho; thời kỳ trước sau Cách mạng tháng 8/1945 có các thầy giáo Làng.
      Từ hòa bình lập lai đến nay: Làng có gần 500 người tốt nghiệp Đại học trên Đại học trong đó có 2 Phó Giáo sư, 7 Tiến sỹ, 52 Thạc sỹ và hiện có 150 em đang học Đại học. Có hơn 100 gia đình có 3 người tốt nghiệp Đại học trở lên, nhiều gia đình có 2-3 con đỗ thẳng vào Đại học, một số gia đình có 2-3 thế hệ có trình độ Đại học trên Đại học, cả gia đình mọi thành viên đều tốt nghiệp Đại học trên Đại học. Với một làng chỉ có hơn 4000 nhân khẩu, số liệu trên đây tuy còn rất khiêm tốn nhưng cũng đáng  trân trọng mà Chi hội lấy đó để làm giáo dục truyền thống, tuyên truyền vận động của Làng.
      Hai là: Quan tâm đến việc xây dựng tổ chức
Bất kỳ tổ chức nào thì việc xây dựng tổ chức cũng là vấn đề quan trọng hàng đầu, xây dựng tổ chức trong Chi hội khuyến học làng Bùng được thực hiện gồm các nội dung sau:
1- Chi hội sau khi được thành lập đã kịp thời ban hành Quy chế tổ chức hoạt động và duy trì thực hiện theo đúng Quy chế.Từ Đại hội nhiệm kỳ, sinh hoạt BCH, hoạt động khuyến học, công tác tài chính … đều phải thực hiện theo quy chế. Điều này đảm bảo cho tổ chức và hoạt động của Chi hội được chặt chẽ, khoa học, tạo được niềm tin đối với hội viên và đối với nhân dân. Lựa chon đội ngũ Ban chấp hành cũng được Chi hội quan tâm vì nó quyết định đến sự phát triển  của phong trào. BCH là những người trước hết có tâm huyết với công việc, tự nguyện tham gia, tự nguyện cống hiến cho sự nghiệp học tập.
2 - Xây dựng và giữ mối liên hệ với các tổ chức liên quan.
Trong công tác khuyến học, ngoài việc đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Ủy Đảng, Chính  quyền, Hội khuyến học cấp trên, Chi hội xây dựng và giữ mối liên hệ với mọi tổ chức đoàn thể trong Làng, Xã trong đó chú ý tới các nhóm tổ chức, tổ chức có mối liên hệ trực tiếp đó là:
-  Xây dựng và giữ mối liên hệ thường xuyên với các Dòng họ trong Làng
Làng Bùng hiện có gần 30 Dòng họ, đến nay đã có 18 Dòng họ lớn có ban khuyến học, có quỹ khuyến học. Chi hội luôn coi  ban khuyến học các Dòng họ là đơn vị vệ tinh và là người bạn đồng hành trong hoạt động khuyến học. Bởi vì mọi công tác tuyên truyền vận động, mọi hoạt động khuyến học từ nắm bắt tình hình, đến chỉ đạo,triển khai công việc sẽ rất hiệu quả khi được thực hiên thông qua các Dòng họ. Xây dựng và giữ được mối liên hệ thường xuyên với các Dòng họ còn tạo điều kiện để các Dòng họ giao lưu, học tập lẫn nhau , thi đua với nhau và chính điều đó góp phần thúc đẩy công tác khuyến học của làng ngày càng phát triển sâu rộng. Chính vì vậy, Chi hội khuyến học Làng đã luôn theo sát, hướng dẫn động viên, phối hợp với Ban khuyến học các Dòng họ trong hoạt động khuyến học. Những năm gần đây, hàng năm BCH Chi hội khuyến học Làng đều tổ chức các buổi họp mặt để  hướng dẫn, trao đổi với các Dòng họ về công tác khuyến học, khuyến tài. Hiện nay đang có sự phối hợp thường xuyên để lập Sổ vàng truyền thống hiếu học ở mỗi Dòng họ và Sổ vàng truyền thống học tập của Làng. Chi hội đã đóng Sổ vàng bìa cứng chữ vàng theo mẫu chung phát cho các Dòng họ, đang cùng phối hợp sưu tầm kê khai lập danh sách để có tài liệu ghi Sổ Vàng của Dòng họ và của Làng, đảm bảo tính thống nhất và độ chính xác cao.
- Giữ mối liên hệ phối hợp với các trường học
Chi hội đã phân công thành viên BCH Chi hội giữ mối liên hệ với các trường học phổ thông và trường Mầm non của xã, thường xuyên nắm bắt tình hình học tập của các cháu để cùng phối hợp, đảm bảo cho các cháu trong độ tuổi đều dược đến trường, không để các cháu trong độ tuổi phải bỏ học. Học sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở ngoài số vào học ở các trường Phổ thông trung học công lập hầu hết được thu hut vào các trường Bổ túc, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, hoặc trường dân lập. Phối hợp với các trường trong quản lý giáo dục, có hình thức khen thưởng kịp thời các cháu có thành tích trong học tập và giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt cần được giúp đỡ. Cũng từ đó có sự phối hợp hỗ trợ các Nhà trường trong công tác dạy và học. Ngoài việc giữ mối quan hệ thường xuyên, hằng năm BCH Chi hội tham dự cuộc họp với UBND xã, hội khuyến học xã và BGH các trường học để nghe các trường báo cáo tình hình kết quả năm học.
- Gữi mối liên hệ và phối hợp gắn bó với hội Khoa bảng làng Bùng. Hội khoa bảng làng Bùng là tổ chức tự nguyện bao gồm những người là con em làng Bùng đã tốt nghiệp Đại học,trên Đại học. Mục đích thành lập hội là để tạo điều kiện cho hội viên gặp gỡ hàng năm, giao lưu, động viên giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và công tác; đồng thời Hội cũng tham gia một số hoạt động nhằm giữ gìn phát huy truyền thống văn hóa trong đó có truyền thống học tập của Làng. Hội được thành lập năm 1998, trước khi thành lập Chi hội khuyến học( năm 2000). Kinh phí khuyến học, khuyến tài năm đầu tiên là do hội Khoa bảng tài trợ. Từ đó đến nay hàng năm hội Khoa bảng đều có sự phối hợp hỗ trợ khen thưởng khuyến học, khuyến tài mỗi năm từ 8-10 triệu đồng.
 - Phát triển hội viên, tăng cường hoạt động của hội viên
Chi hội quan niệm hội viên là hạt nhân của Chi hội khuyến học Làng tại các gia đình, Dòng họ, cụm dân cư. Chính hội viên là người trực tiếp làm công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện công tác khuyến học khuyến tài xây dựng xã hội học tập. Vì vậy phát triển hội viên là nhiêm vụ thường xuyên đồng thời với việc không ngừng tăng cường trách nhiệm và hoạt động của hội viên. Hiện tại Chi hội khuyến học làng Bùng có 173 hội viên, ở hầu hết các Dòng họ, các Dòng họ lớn có trên dưới 20 người tham gia. Hội viên của Chi hội đều có phiếu đăng ký tham gia hội viên và đã được phát thẻ hội viên. Ở Chi hội khuyến học  làng Bùng, đã vận động được hầu hết cán bộ chủ chốt của xã, cán bộ công tác tại huyện là người làng Bùng, cán bộ hưu trí nghỉ hưu tại làng Bùng đều tham gia hội viên. Đây vừa là thể hiện sự gương mẫu,sự động viên khích lệ vừa là chỗ dựa vững chắc cho hoạt động khuyến học của Làng. Tại 18 Dòng họ có ban khuyến học có số thành viên tham gia công tác khuyến học là 652 người. Như vậy tỷ lệ người làm công tác khuyến học trên dân số của làng là trên dưới 20%. Trong kế hoạch tới Chi hội tiếp tục vận động kết nạp bổ sung để Chi hội khuyến học Làng có 250 hội viên; tiếp tục hướng đẫn vận động các Dòng họ chưa có ban khuyến học thành lập ban khuyến học để đến cuối nhiệm kỳ có tỷ lệ người làm công tác khuyến học của Làng đạt 25% dân số trở lên. Chi hội cũng phân công nhiêm vụ cụ thể cho từng hội viên, gắn hội viên với các Dòng họ, cụm dân cư nhằm tăng cường trách nhiệm và phát huy vai trò của hội viên.
       Ba là: Tăng cường công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập
Đây chính là nội dung thể hiện được phạm vi, hiệu quả của hoạt động khuyến học, khuyến tài, bao gồm:
 1 - Duy trì và phát triển hình thức khen thưởng khuyến học, khuyến tài
 Chi hội khuyến học làng Bùng được thành lập tháng 11/2000. Từ khi thành lập đến nay đã duy trì việc khen thưởng hàng năm vào dịp giỗ Danh nhân Văn hóa Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan tại Nhà thờ của Cụ. Đối tượng khen thưởng là học sinh người làng Bùng và có gốc làng Bùng thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng; học sinh giỏi cấp tỉnh ,thành phố trở lên; học sinh có thành tích cao trong thi đấu TDTT đạt huy chương các loại từ cấp tỉnh thành phố trở lên, học sinh con hộ nghèo vượt khó học giỏi. Từ năm 2016 bổ sung đối tượng thưởng là sinh viên Đại học, Cao đẳng tốt nghiệp Thủ khoa, loại giỏi; những người được cấp bằng Tiến sỹ, Thạc sỹ; được phong hàm Giáo sư, PGS; hỗ trợ con hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Tổng hợp từ năm 2000 đến năm 2017 Chi hội đã khen thưởng và hỗ trợ cho 668 lượt học sinh, sinh viên. Tính riêng từ năm 2012 đến năm 2017 đã khen thưởng và hỗ trợ cho 368 lượt học sinh, sinh viên với số tiền 112,6 triệu đồng. Ngoài việc khen thưởng, cá nhân nhận thưởng còn được ghi danh trong Sổ vàng truyền thống khuyến học của Làng.
Chi hội cũng có kế hoạch tổ chức cho những học sinh giỏi tiêu biểu đi thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám, nhà thờ Chu Văn An…trong thời gian tới, vừa là để động viên khen thưởng vừa là hình thức giáo dục truyền thống.
2 - Chi hội cũng đã phát động phong trào xây dựng mô hình gia đình hiếu học, gia đình học tập, Dòng họ học tập, đơn vị học tập.Thường xuyên nêu gương các gia đình hiếu học, gia đình học tập tiêu biểu, nhằm khuyến khích động viên mỗi người thấy được trách nhiệm với truyền thống quê hương, Dòng họ và gia đình mà cố gắng vươn lên trong học tập và công tác; tự giác học tập liên tục học tập suốt đời.
 3 - Ngoài việc phối hợp với các trường học trong công tác dạy và học, trong quản lý rèn luyện học sinh, chi hội đã phối hợp với các gia đình trong giám sát, quản lý các cháu ngoài giờ học ở trường.Thường xuyên trao đổi với chính quyền trong việc quản lý các quán Game, Nét để hạn chế học sinh trốn học la cà ở các điểm chơi này. Chi hội cũng đã có sự thống nhất với các tổ chức đoàn thể, các Dòng họ…Quy định giờ học buổi tối của học sinh và cả người lớn trong làng: Mùa đông từ 19h đến 22h, mùa hè từ 19h30 đến 22h30. Vào thời điểm trên mọi hoạt động trong làng đều có sự lưu ý để ưu tiên cho việc học tập. Quy định trên đã nhận được sự đồng tình của nhân dân nhưng cũng phải từng bước để có thể đi vào nề nếp.
4 -Tăng cường hoạt động, phát huy hiệu quả của trung tâm học tập cộng đồng.
Xây dựng xã hội học tập, ngoài việc chăm lo cho các cháu học tập ở các trường phổ thông cũng cần phải quan tâm đến việc học tập của người lớn. Người lớn ở nông thôn có thể học tập ở nhiều nơi, nhiều cách trong đó Trung tâm học tập cộng đồng là một trong những nơi có thể đáp ứng  được nhu cầu học tập thường xuyên của cán bộ và nhân dân. Chi hội đã có những đề xuất và phối hợp trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm để Trung tâm học tập cộng đồng thực sự là địa chỉ học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời của người dân. Trong thực tế vẫn cần phải tăng cường hơn nữa để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Trung tâm này.
      Bốn là: Tăng cường vận động toàn dân xây dựng quỹ khuyến học
Xây dựng quỹ khuyến học cũng là nội dung rất quan trọng không thể thiếu trong  hoạt động  khuyến học. Nó tác động trực tiếp đến phạm vi, quy mô, nội dung của hoạt động khuyến học, khuyến tài.
 1- Trong những năm qua quỹ khuyến học làng Bùng và các Dòng họ trong làng được xây dựng dựa vào nguồn đóng góp, ủng hộ, tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và của toàn dân. Bằng nhiều hình thức vận động: trên đài truyền thanh, thư ngỏ, vận động thông qua các hội nghị tổng kết, hội nghị phát thưởng khuyến học, các dịp lễ tết, việc Làng…Dù bằng hình thức nào thì quỹ khuyến học Làng cũng luôn nhận được sự đồng tình ủng hộ của đại đa số các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và của nhân dân khi được vận  động, có thể với nhiều người mức độ đóng góp không nhiều nhưng đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, tấm lòng và sự hưởng ứng đối với công tác khuyến học khuyến tài. Đến nay sau 18 năm hoạt động, ngoài việc khen thưởng hàng năm hàng trăm triệu đồng, số dư quỹ khuyến học Làng đến cuối năm 2017 là 240 triệu đồng; quỹ khuyến học các Dòng họ trong làng là 252 triệu đồng. Chi hội khuyến học Làng và các Dòng họ đang tiếp tục có kế hoạch vận đông xây dựng quỹ khuyến học của Làng cũng như các Dòng họ ngày càng phát triển hơn nữa để có điều kiện mở rộng phạm vi  hoạt động khuyến học, khuyến tài.
  2 - Quỹ khuyến học của Làng luôn được Chi hội quản lý chặt chẽ đúng quy định, sử dụng đúng mục đích có hiệu quả, đảm bảo công khai minh bạch. Điều này mang tính nguyên tắc và rất quan trọng nó sẽ đem lại niềm tin đối với nhân dân, các tổ chức cá nhân khi ủng hộ, tài trợ cho quỹ; để mọi người luôn tin tưởng rằng tiền của tổ chức cá nhân đóng góp ủng hộ sẽ được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả đúng như mong đợi.
       Xây dựng xã hội học tập là sự nghiệp của toàn dân, công tác khuyến học, khuyến tài là nét đẹp truyền thống mang tính nhân văn và mang tính xã hội rộng rãi.Thực hiện các nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài không phải chỉ có các tổ chức khuyến học  mà cần có sự quan tâm vào cuộc của các cơ quan tổ chức của Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể và mọi lực lượng xã hội. Hội khuyến học có trách nhiệm làm nòng cốt trong việc phối hợp thúc đẩy cả xã hội cùng chung tay làm khuyến học, khuyến tài, xây dựng một xã hội mà mọi người đều học tập, đều được học tập vì sự phát triển bền vững của đất nước./.

NGUYỄN THANH LIÊM
Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học làng Bùng
SĐT: 0913539117
 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá về website này như thế nào?

Đẹp và dễ sử dụng

Đẹp nhưng khó sử dụng

Bình thường

Không đẹp

Giới thiệu

Tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam

  1. Tôn chỉ, mục đích Hội Khuyến học Việt Nam là tổ chức xã hội của mọi công dân và tổ chức Việt Nam tâm huyết với sự nghiệp "trồng người góp sức phấn đấu cho phong trào " toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục", "cả nước trở thành một xã hội học tập" nhằm nâng cao dân trí, đào tạo...

trung tam dạy tốt Luyện thi đại học