Danh Mục Chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 29

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 27


Hôm nayHôm nay : 4973

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 229463

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 21980638

Liên Kết

Tuyển sinh 2014
Báo Dân Trí
Bộ Giáo Dục - Đào Tạo
Mạng Giáo Dục Edu Net
Học Mãi
Hội Khuyến Học Việt Nam
Sở Giáo Dục & Đào Tạo Hà Nội

Trang nhất » Tin Tức » Sổ Tay Khuyến Học - Tin tức

SUỐT ĐỜI THẦY TÂM NIỆM HỌC TẬP VÀ LÀM THEO NHỮNG LỜI BÁC DẠY

Thứ ba - 15/01/2019 15:06
Ấn tượng từ lần được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch 60 năm trước Chúng tôi tìm gặp thầy trong con phố nhỏ Yên Thái vào một buổi chiều tháng tư khi những nẻo đường Hà Nội bất chợt dịu dàng bởi sắc trắng tinh khôi và hương thơm nồng nàn của những chùm hoa loa kèn mới vào mùa. Đã 60 năm trôi qua, NGND Vũ Hữu Bình nay đã bước sang tuổi 74 nhưng dường như kí ức về lần đầu tiên được gặp Bác Hồ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí thầy. Năm 1956, NGND Vũ Hữu Bình khi đó còn là một học trò lớp 6 của Trường cấp 2 - 3 Chu Văn An – Hà Nội. Với thành tích học tập và rèn luyện xuất sắc, thầy được vinh dự cùng một số bạn học lên Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ và được Bác chia kẹo. Từ lần đó, thầy có thêm nhiều ấn tượng đặc biệt về tình cảm Bác Hồ dành cho thiếu nhi.
SUỐT ĐỜI THẦY TÂM NIỆM HỌC TẬP VÀ LÀM THEO NHỮNG LỜI BÁC DẠY

SUỐT ĐỜI THẦY TÂM NIỆM HỌC TẬP VÀ LÀM THEO NHỮNG LỜI BÁC DẠY

Tựa như một cơ duyên, ngôi trường cấp 2 - 3 Chu Văn An nơi thầy gắn bó cả thời trung học và Trường THCS Trưng Vương mà thầy tận tụy với sự nghiệp trồng người suốt  30 năm đều vinh dự nhiều lần được đón Bác về thăm. Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn, là kim chỉ nam cho hành động của thầy trong suốt cuộc đời dạy học.
Vượt lên những vất vả và đau thương, quyết tâm thi đua Dạy tốt - Học tốt
Năm 1961, thầy Bình về dạy ở một trường cấp 2 ngoại thành Hà Nội. Khi các cuộc bắn phá của đế quốc Mĩ mở rộng đến thủ đô, sự ác liệt của chiến tranh và cái dữ dội của bom đạn hẳn đã bóp nghẹt trái tim thầy khi phải chứng kiến sự hi sinh của một nữ đồng nghiệp ở Trường Lệ Chi và cái chết của một em học sinh lớp thầy chủ nhiệm. Em học sinh đó là Phan Thanh, con một cán bộ miền Nam tập kết. Trong đợt máy bay Mĩ bắn phá Thị trấn Gia Lâm năm 1972, năm mà bầu trời Hà Nội ngập tràn khói lửa, bom Mĩ đã cướp đi tính mạng của cậu học trò 12 tuổi, cướp đi cả ước mơ trở về xây dựng quê hương miền Nam thân yêu!
Đã bao năm trôi qua, mái tóc thầy giờ đây đã bạc trắng dấu ấn của thời gian, nhưng thầy vẫn bồi hồi, xúc động: “Chính trong những giờ phút như vậy, lời dặn của Bác “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt” lại vang lên đầy thúc giục, giúp mỗi người tự vượt lên chính mình, tự nguyện làm nhiệm vụ trồng người. Những hi sinh mất mát của giáo viên và học sinh, những chiến công rực rỡ của đồng bào và chiến sĩ cả hai miền Nam Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã trở thành động lực to lớn cho thầy và đồng nghiệp trong phong trào thi đua Dạy tốt – Học tốt mà Bác Hồ phát động”. Chính bởi chiến lược đúng đắn, tầm nhìn xa trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nghị lực vô bờ của những người giáo viên hết lòng vì đàn em thân yêu mà nền giáo dục nước ta từ chỗ 95% dân số mù chữ đến nay đã bao lần ghi danh trên bảng vàng các đấu trường quốc tế. Trong số đó, có không ít những học trò chuyên Toán của thầy Vũ Hữu Bình.

Thầy Vũ Hữu Bình.
Một thời dạy học
42 năm gắn bó với cấp Trung học cơ sở, NGND Vũ Hữu Bình đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh trưởng thành. Nhiều học trò của thầy học giỏi, giành nhiều giải thưởng danh giá trong các kì thi trong nước và quốc tế. Trong đó, phải kể đến 25 học sinh đoạt giải Toán quốc gia, 13 học sinh sau  này đoạt giải quốc tế. Có năm, lớp thầy chủ nhiệm có tới 22 học sinh đoạt giải thành phố hay như năm học 1997-1998, có 5 học sinh cũ của thầy cùng đỗ thủ khoa 6 trường đại học. Nhiều học trò thành công trong sự nghiệp, hiện giữ những trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó song vẫn không quên mang theo mình hành trang là những lời dạy của thầy thuở còn là những cây non dưới bàn tay thầy chăm bón.
Cội nguồn của thành công ấy có lẽ phải nói đến quan niệm đầy tính khoa học và nhân văn của thầy: “Học sinh không phải là những chiếc bình chứa kiến thức mà phải là những động cơ được vận hành bằng sức đẩy của chính mình”. Bởi vậy thầy luôn chú trọng đến việc hướng dẫn phương pháp học tập. Bí quyết ấy được thầy gói gọn trong 6 chữ: “Để học tốt, hãy STÔP”. S là say mê, T là tự lực, Ô là ôn tập, P là phương pháp. Trong giao thông, STOP là hiệu lệnh dừng lại, còn trong học tập, STÔP giúp ta tiến lên. Quả thực, “Kiến thức rồi cũng quên đi, chỉ còn phương pháp mãi ghi trong đầu” như thầy đã từng đúc kết.
42 năm miệt mài với bảng đen và phấn trắng, thầy đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng những danh hiệu cao quý nhất: Giáo viên giỏi liên tục nhiều năm liền, Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú từ đợt đầu tiên năm 1988, Bằng Lao động sáng tạo của Công đoàn Việt Nam, Giải thưởng Toán học Lê Văn Thiêm, Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân…Đặc biệt, cho đến nay, sau 13 lần phong tặng, thầy Vũ Hữu Bình vẫn là nhà giáo duy nhất ở cấp Trung học cơ sở được nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Cả cuộc đời, thầy đã thực hiện theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, giáo dục toàn diện, rèn đức luyện tài, đào tạo những con người vừa hồng vừa chuyên như thầy đã từng viết: “Vừa dạy chữ vừa rèn người, Vì đàn em nhỏ trọn đời hiến dâng”!
Một đời tự học
Trong suốt cuộc đời mình, thầy Bình chưa bao giờ cho phép mình dừng chân trên hành trình theo đuổi ước mơ Toán học. Chặng đường đầu tiên thầy đến với bục giảng, đến với tấm bằng Đại học Sư phạm cũng thật gian nan mà với ai không kiên gan, bền chí có lẽ đã dễ dàng bỏ cuộc. Sau khi tốt nghiệp Phổ thông hạng Xuất sắc và tham gia khóa đào tạo giáo viên cấp tốc 3 tháng, thầy về dạy Toán ở Trường cấp 2 Thị trấn Gia Lâm rồi vừa tự học vừa đi học để nâng cao trình độ. 14 năm sau ngày đứng trên bục giảng, 14 năm kiên trì và nghị lực vượt qua gian khổ của chiến tranh và cuộc sống chung riêng đầy lo toan, thầy mới hoàn thành con đường vòng vèo để lấy được tấm bằng Đại học Sư phạm.
Không chỉ vậy, một trong những cách thầy tự học chính là sử dụng những kiến thức và kinh nghiệm của mình để viết sách tham khảo. Thầy bắt đầu viết sách năm 1982 và sau đó mỗi năm viết một nhiều hơn. Nhớ đến lời Bác dặn người cầm bút phải xác định viết cho ai, viết để làm gì nên thầy  tìm cách viết thật dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng.
Chúng tôi hỏi thầy về những câu thơ có vần điệu, hình ảnh, nhiều khi dí dỏm của thầy góp phần khơi gợi hứng thú và mang đến niềm vui cho học trò mỗi khi làm các bài Toán vốn xưa nay chưa bao giờ đơn giản! Thầy cười hiền từ và nói rằng Bác Hồ làm thơ là để động viên toàn dân kháng chiến và kiến quốc. Học tập Bác, thầy làm thơ là để phục vụ công việc dạy – học trong vai trò của người thầy giáo và người viết sách, để động viên phong trào thi đua trong cương vị Bí thư chi bộ Trường Trưng Vương trước đây và Phó Ban Công tác Mặt trận Khu dân cư hiện nay.
Việc viết sách đòi hỏi thầy phải đọc thêm, nghiên cứu và tích lũy để hoàn thiện những điều mình muốn truyền tải. Nghỉ hưu, thầy lại viết sách nhiều hơn vì có thời gian và có thể toàn tâm toàn ý trên những trang sách mới. Thật hiếm có người thầy nào vừa đứng lớp vừa tham gia biên soạn Sách giáo khoa Toán 6,7,8,9 đồng thời là tác giả của 168 cuốn sách Toán tính đến thời điểm này. Cuốn sách gần đây nhất mà thầy viết là Luyện tập kĩ năng làm bài thi vào lớp 10 môn Toán do NXB Giáo dục ấn hành tháng 3/2016 khi thầy đã ở vào tuổi 74. Như bao lần khác, cuốn sách được bạn đọc gần xa đón nhận trong niềm trân trọng và yêu mến.
Cuốn sách mới xuất bản gần đây nhất của tác giả Vũ Hữu Bình, tháng 3/2016
Thầy giáo Bùi Mạnh Tùng, một thầy giáo trẻ có rất nhiều học sinh đoạt giải Toán quốc tế, quốc gia và thành phố của Trường THCS Trưng Vương đã chia sẻ: “Sách của thầy Bình vô cùng trong sáng. Thầy viết sách không giống ai và cũng không phải để biểu diễn, phô trương kiến thức. Mỗi cuốn sách của thầy đều có một phong vị riêng. Ở đó, học trò học được nhiều và mỗi giáo viên đều coi như một quyển sách giáo khoa”. Trong vô vàn những bức thư từ mọi miền Tổ quốc gửi về, độc giả Vũ Thế Thám đã ngợi ca:
          Viết sách như thầy trong giáo giới
          Xòe tay đếm thử được bao người?
Không nói bằng lời, chính quá trình tự học và lao động bền bỉ, say mê, sáng tạo suốt đời của thầy đã giúp thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay hiểu rõ hơn giá trị sâu xa của tư tưởng tự học và học tập suốt đời mà Bác Hồ kính yêu đã nêu gương và căn dặn mấy chục năm về trước 

Học trò tặng hoa thầu Vũ Hữu Bình
Người Cha giản dị, gần gũi với trái tim yêu thương
          Ai đã từng gặp thầy dù chỉ một lần, chắc hẳn đều ấn tượng với sự giản dị và nụ cười đôn hậu. Thầy giản dị từ cách ăn mặc, nơi ở đến cách sống, cách nói chuyện, trình bày, giảng giải. Toán là một bộ môn khoa học cơ bản, làm nó trở nên phức tạp, cao siêu, khó hiểu thì dễ nhưng biến những kiến thức ấy trở nên gần gũi, nhẹ nhàng lại là điều không phải ai cũng làm được. Ấy vậy mà tất cả những học sinh đã từng học thầy, những đồng nghiệp đã từng làm việc với thầy và những ai đã đọc sách của thầy đều bị chinh phục bởi cách làm đơn giản mà hiệu quả.   
Uyên bác là vậy, song thầy luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của mọi người, kể cả những đồng nghiệp trẻ. Khi dự giờ, thầy thường chỉ ra những điểm tốt, tôn trọng cách làm riêng của người dạy đồng thời cũng khéo léo tư vấn, đưa ra những góp ý, gợi mở quý báu. Mỗi người trẻ, khi ở bên thầy, không chỉ học được kiến thức mà còn rút ra cho mình những bài học về lẽ sống và đạo làm người.
Trần Thanh Sơn, một học trò lớp thầy chủ nhiệm, từng là một cậu bé rất nghịch. Thầy đã thấu hiểu và kiên trì động viên Sơn phát huy những sở trường của mình như thông minh, đá cầu giỏi, chơi bóng bàn tốt. Thầy còn khuyến khích và hướng dẫn Sơn viết bài cho tạp chí. Chính bởi vậy mà bài viết của Sơn cùng một người bạn về phát triển các hằng đẳng thức đáng nhớ đã được đăng trên tạp chí chuyên ngành giáo dục, nhận được nhiều khen ngợi. Sơn đi thi học sinh giỏi và đạt giải Ba thành phố. Nếu không gặp thầy, không biết Sơn sẽ phải đi qua những ngã rẽ nào của cuộc đời để tìm được chính mình? Sau này, người học trò ấy đã sáng tác một bài thơ với tình cảm sâu sắc gửi đến thầy qua bốn chữ đầu tiên:
Thầy khuyên em gắng sức
Bình tĩnh và tự tin
Muôn ngàn kỉ niệm đẹp
Tuổi học trò không quên!
Trong căn nhà nhỏ của thầy, chúng tôi cảm nhận được tình người nồng ấm toát ra từ nụ cười, ánh mắt, từ những trang kỉ yếu thầy trân trọng lưu giữ và cập nhật thông tin của từng học trò cũ. Mỗi lần giở ra thầy lại nhớ những gương mặt thân thương. Thầy nhớ em Phạm Chung Thủy, hoàn cảnh gia đình khó khăn vẫn vươn lên đoạt giải Nhất kì thi Toán lớp 9 toàn quốc. Khi đoạt giải ba Toán quốc tế, từ Thổ Nhĩ Kì xa xôi, em vẫn nhớ đến công ơn dạy dỗ của thầy. Em nâng niu một bộ ly thủy tinh, vốn là đồ dễ vỡ, mang về tặng thầy để làm kỉ niệm. Hay một học sinh khác, khi mới vào công tác trong Nam, ngỡ ngàng trước nhiều thử thách mới của cuộc sống, đã gửi thư cho thầy tâm sự và xin thầy lời khuyên. “Bao năm trôi qua, giờ cầm tờ báo em vẫn được gọi “Thầy ơi!” Em cảm ơn thầy đã cho em niềm tin vào cuộc đời”.  Những người học trò ấy, khi vui nhất cũng như khi buồn nhất, vẫn luôn nhớ về thầy như một nơi neo đậu bình yên của tâm hồn. Đó cũng là điều thầy cảm thấy hạnh phúc nhất trong cuộc đời dạy học của mình.
NGND Vũ Hữu Bình không chỉ là một thầy giáo giỏi, một người viết sách uy tín mà còn là người cha thứ hai giản dị, gần gũi,  yêu thương. Qua những hành động, việc làm của thầy, ta tưởng như nhìn thấy hình bóng ngọn lửa yêu thương bao la trong trái tim vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam năm nào vẫn đang tiếp tục được thắp sáng và lưu truyền, gìn giữ cho những thế hệ tiếp theo.
30 năm tuổi Đảng và bài thơ cuộc đời
          Trở về với cuộc sống đời thường trong con ngõ nhỏ Yên Thái, thầy vui với những điều giản dị: bữa cơm gia đình, thăm hỏi con cháu, tham gia công tác mặt trận khu dân cư… Tháng 9 năm 2015, được nhận huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, thầy viết những vần thơ cuộc đời:
Được trao huy hiệu đảng viên
     Ba mươi tuổi Đảng càng thêm tự hào
Con đường đã chọn năm nào
    Càng thêm sáng tỏ, dạt dào niềm tin
Lời thề sau trước đinh ninh
     Giữ cho thắm mãi nghĩa tình bền lâu.
Con đường thầy đã chọn dù không ít chông gai, không ít nhọc nhằn, hi sinh nhưng bằng trí tuệ và tình yêu thương, bằng nghị lực và niềm tin sắt son vào Đảng và Bác Hồ, thầy đã đi đến đích trọn vẹn nghĩa tình và để lại cho đời những di sản quý giá hơn tất cả những bạc vàng châu báu.
Tôi tin rằng tinh thần của NGND Vũ Hữu Bình, nhân cách của NGND Vũ Hữu Bình đã, đang và sẽ vẫn luôn hiện hữu trong trái tim Trưng Vương, là nguồn sức mạnh to lớn đưa con thuyền Trưng Vương cập bến 100 năm và vươn xa hơn nữa. Trên tất cả những bài báo, những vần thơ, những cuốn sách thầy đã viết, quá trình suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh của NGND Vũ Hữu Bình chính là một pho sách quý trong truyền thống ngời sáng Trưng Vương và Thủ đô ngàn năm văn hiến. Pho sách mà chúng tôi sẽ mãi luôn tìm về, lật giở từng trang mênh mông và soi mình trong đó để đến với ngày mai đầy vững tin và tươi sáng.


Theo bài của HỘI KHUYẾN HỌC QUẬN HOÀN KIẾM

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá về website này như thế nào?

Đẹp và dễ sử dụng

Đẹp nhưng khó sử dụng

Bình thường

Không đẹp

Giới thiệu

Tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam

  1. Tôn chỉ, mục đích Hội Khuyến học Việt Nam là tổ chức xã hội của mọi công dân và tổ chức Việt Nam tâm huyết với sự nghiệp "trồng người góp sức phấn đấu cho phong trào " toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục", "cả nước trở thành một xã hội học tập" nhằm nâng cao dân trí, đào tạo...

trung tam dạy tốt Luyện thi đại học