Hội khuyến học thôn Thư Trai báo cáo điển hình tại hội nghị (ngày 23/02/2012)
I. Đôi nét về làng Thư Trai.Thư Trai, ngữ nghĩa là phòng sách. Cổng làng Thư Trai ghi đậm hai chữ
Điền, là làng có nhiều sách, nhiều ruộng, học hay, làm ruộng giỏi, là làng có nhiều chữ, nhiều lúa. Đây là đất học có tiếng trong vùng.
Con người sống trên mảnh đất này vốn có truyền thống hiếu học. Nơi đây đã sản sinh ra một quận công, 2 tiến sỹ, 6 cử nhân, nhiều tú tài là ông Nghè, ông Quận, ông Huyện, ông Sứ, ông Đồng, ông Hiệp.
Thư Trai có những nhà nho uyên thâm, dịch giả nổi tiếng, có họa sỹ tài năng trong và ngoài nước đều biết. Có ông là Đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Ngày nay hàng trăm con cháu trong làng đã tốt nghiệp đại học, là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ; là giáo viên giảng dạy các cấp trên khắp đất nước hoặc đang giữ trọng trách trong bộ máy Nhà nước và trong quân đội.
Kế thừa và phát huy truyền thống cha ông, các tầng lớp thế hệ người Thư Trai ngày nay đã dày công vun đắp, xây dựng và giữ vững danh hiệu làng văn hóa cấp Tỉnh, Thành phố lần thứ II.
II. Sự ra đời và hoạt động của Hội Khuyến học - Khuyến tài Thư Trai. Thực hiện chủ trương “Cả nước là một xã hội học tập” và “Thắp sáng tài năng trẻ” do Đảng sáng lập. Ngày 22/2/1995, Hội Khuyến học – Khuyến tài làng Thư Trai là Hội Khuyến học đầu tiên được thành lập của huyện Phúc Thọ.
Hội do Ban Quy ước của làng bầu ra, gồm: 1 trưởng ban, 1 phó ban, 1 thư ký và 1 thủ quỹ; có từ 5 – 7 ông (bà) là ủy viên. Thành viên của Hội là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực và có tâm huyết với việc trồng người, đại diện cho các tộc biểu và các đoàn thể trong làng. Đa phần là các thầy cô giáo, cán bộ, sĩ quan quân đội đang công tác hoặc đã nghỉ hưu. Tới nay đã trải qua 3 nhiệm kỳ.
Sau khi được thành lập, Hội đã thống nhất quy chế, nhiệm vụ và chương trình hoạt động cụ thể.
Mục tiêu của Hội đặt ra là “Kịp thời động viên con cháu trong làng chăm chỉ học hành, vượt khó, học giỏi để trở thành những người có tài, có đức xây dựng quê hương đất nước mai sau”.
Hội Khuyến học thường xuyên giữ mối quan hệ chặt chẽ, chủ động, kịp thời phối hợp với các tổ chức chính quyền, đoàn thể của địa phương trong mọi hoạt động. Đặc biệt là 2 trường Tiểu học và THCS Phúc Hòa. Qua đó, Hội nắm chắc tình hình học tập của các cháu trong thôn. Hội đã kết hợp với nhà trường vận động được 3 cháu bỏ học trở lại học tập. Nay các cháu đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục. Đặc biệt đã kịp thời hỗ trợ một số cháu có hoàn cảnh khó khăn với số tiền là 3,4 triệu đồng để mua sách vở.
Với phương châm kịp thời động viên, khuyến khích các cháu học sinh, sinh viên học giỏi, Hội luôn đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp khen thưởng. Như những năm đầu mới thành lập, Hội chỉ khen thưởng các cháu học sinh phổ thông học giỏi, học sinh thi đỗ vào các trường đại học công lập. Những năm sau đã mở rộng thêm đối tượng là học sinh thi đỗ vào trường ngoài công lập, các trường sĩ quan quân đội và công an, các cháu sinh viên học giỏi, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, các anh chị có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, các thầy cô giáo dạy giỏi. Việc làm này bảo đảm tính công bằng trong khen thưởng và khuyến khích các dối tượng thi đua học tập. Hoặc những năm sau này, Hội còn trao thêm các giải thưởng, như: học sinh tiêu biểu... Mỗi năm trao cho 2 học sinh có thành tích trong quá trình học phổ thông luôn có học lực giỏi và đỗ Đại học NV1 có số điểm cao nhất. Mỗi phần thưởng cho các cháu là 1 giấy khen và 500 nghìn đồng. Đến nay đã có 8 cháu là học sinh tiêu biểu xuất sắc.
Ngoài ra, Hội còn kịp thời khen thưởng các cháu vượt khó học giỏi. Đây là những học sinh phổ thông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng các cháu đã đạt được kết quả học tập tốt. Giải thưởng này đã trao cho 36 em học sinh vượt khó học giỏi.
Việc tổ chức khen thưởng hàng năm được tiến hành 2 lần, địa điểm tại đình làng. Đợt 1 vào ngày 6/2 (Âm lịch) – nhân ngày lễ hội truyền thống của làng. Đối tượng khen thưởng đợt này là tất cả các cháu học sinh phổ thông đạt danh hiệu học giỏi cấp trường trở lên, học sinh thi đỗ đại học, sinh viên học giỏi, học sinh tiêu biểu, giáo viên dạy giỏi và những anh chị có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ.
Đợt 2 trao thưởng vào trước ngày khai giảng năm học mới. Đối tượng gồm các cháu học sinh thi đỗ Đại học NV1 và học sinh vượt khó học giỏi.
Các buổi trao thưởng được tổ chức chu đáo. Đông đảo các đồng chí lãnh đạo địa phương, các tổ chức đoàn thể và Ban Quy ước, các bậc phụ hunh, học sinh tham dự đông đảo. Việc làm này có tác dụng rất tốt trong dư luận cộng đồng dân cư.
Qua 16 năm hoạt động, Hội đã khen thưởng cho 1216 học sinh, sinh viên...với số tiền trị giá trên 150.000.000 đ.
Để có kinh phí hoạt động của Hội, Hội đã tuân thủ những quy định Ban quy ước làng đề ra, như sau:
Hội Khuyến học – khuyến tài được phép vận động, huy động sự đóng góp tự nguyện của nhân dân trong và ngoài làng, các tổ chức đoàn thể chính quyền.
Quỹ khuyến họ chỉ sử dụng cho việc khuyến học khuyến tài.
Quán triệt những quy định trên, Hội Khuyến học – khuyến tài đã tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức đoàn thể của nhân dân, các tổ chức đoàn thể của địa phương để mọi người, tổ chức thấy rõ ý nghĩa thiết thực to lớn của hoạt động khuyến học – khuyến tài. Đồng thời tạo dư luận rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân kết hợp với việc vận động những cá nhân, tổ chức kinh tế có mức thu nhập khá tham gia ủng hộ.
Đặc biệt vào dịp lễ hội của làng, Hội luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, các tổ chức đoàn thể với số lượng từ 270 – 300 lượt cá nhân, tổ chức, đoàn thể tham gia ủng hộ, với số tiền từ 6-7 triệu đồng/năm. Những năm gần đây số tiền ủng hộ tới hơn 10 triệu đồng, có năm tới hơn 20 triệu đồng. Một số gia đình, như gia đình ông Khuất Duy Hải, gia đình bà Nguyễn Thị Chiểu nhiều năm ủng hộ tới 2-3 triệu đồng. Đặc biệt gia đình ông Khuất Duy Hải là nhà tài trợ chính để trao giải thưởng cho các học sinh tiêu biểu.
Năm 2009, ông Khuất Duy Hải và ông Nguyễn Văn Trường đã tặng Hội Khuyến học của làng hơn 300 cuốn sách, truyện trị giá hơn 11 triệu đồng.
Qua 16 năm hoạt động, số tiền ủng hộ Hội Khuyến học của làng có trên 150 triệu đồng. Hiện nay, quỹ khuyến học của làng còn hơn 20 triệu đồng.
Hội Khuyến học của làng còn có những đóng góp tích cực giúp các dòng họ, chi hộ làm tốt công tác hoạt động khuyến học của các dòng họ. Số quỹ khuyến học khuyến tài của các dòng họ trong làng hiện có hơn 50 triệu đồng.
Những việc làm trên đây của Hội Khuyến học - khuyến tài luôn được chính quyền và nhân dân tin tưởng yêu mến. Hoạt động của Hội đã góp phần vào sự nghiệp xã hội hoá học tập mà Đảng và Nhà nước đã phát động.
Với truyền thống hiếu học, hiện nay có tới hơn 20 gia đình có 2-3 con đều đỗ đại học, đặc biệt gia đình ông Nguyễn Văn Chính và gia đình ông Khuất Duy Đạo cả 4 người con trai, gái đều tốt nghiệp đại học hệ chính quy. Có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ hiện đang đảm nhiệm chức trách trong cơ quan Nhà nước, các trường đại học và quân đội.
Năm 2005, tổng kết 10 năm phong trào khuyến học của huyện Phúc Thọ. Hội Khuyến học làng Thư Trai đã được nêu gương và Huyện uỷ, UBND huyện khen thưởng.
Năm 2006 được Chủ tịch UBND Tỉnh Hà Tây (cũ) tặng Bằng khen.
Năm 2009 được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen.
III. Nguyên nhân kết quả. Có sự qua tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Thường trực đảng uỷ - Hội đồng nhân dân, UBND, Hội đồng giáo dục xã Phúc Hoà và Ban Quy ước làng văn hoá Thư Trai.
Đông đảo các tầng lớp nhân dân, đoàn thể nhiệt tình hưởng ứng ủng hộ và sự nhiệt tình, hoạt động hiệu quả của các thế hệ Hội Khuyến học của làng.
IV. Bài học kinh nghiệm. - Các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, trực tiếp là Ban quy ước luôn chăm lo tới việc củng cố tổ chức và hoạt động của Hội.
- Biết dựa vào nhân dân, xây dựng lòng tin với nhân dân, kết hợp các biện pháp hình thức hoạt động để thu hút sự ủng hộ của đông đảo cá nhân, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn.
- Cần có sự nhiệt tình của người đứng đầu tổ chức Hội; luôn đổi mới, sáng tạo phương thức hoạt động của Hội.
T/M HỘI KHUYẾN HỌC LÀNG THƯ TRAI HỘI TRƯỞNG
Nguyễn Thái Học