Danh Mục Chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 74


Hôm nayHôm nay : 14622

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 364159

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22519587

Liên Kết

Tuyển sinh 2014
Báo Dân Trí
Bộ Giáo Dục - Đào Tạo
Mạng Giáo Dục Edu Net
Học Mãi
Hội Khuyến Học Việt Nam
Sở Giáo Dục & Đào Tạo Hà Nội

Trang nhất » Tin Tức » Bạn có biết ?

CỰU CHIẾN BINH HAM HỌC HỎI TRỞ THÀNH GIÁM ĐỐC 2 HỢP TÁC XÃ CÙNG PHÁT TRIỂN

Thứ hai - 04/03/2024 09:33
CỰU CHIẾN BINH HAM HỌC HỎI  TRỞ THÀNH GIÁM ĐỐC 2 HỢP TÁC XÃ CÙNG  PHÁT TRIỂN

CỰU CHIẾN BINH HAM HỌC HỎI TRỞ THÀNH GIÁM ĐỐC 2 HỢP TÁC XÃ CÙNG PHÁT TRIỂN

Xã Đồng Tiến là một xã thuộc huyện Ứng Hòa, xã có 5 thôn nằm phân bố hai bên đê tả đáy, ven đáy phía bắc của huyện. Đây là một xã thuần nông không có ngành nghề phụ, thu nhập từ sản phẩm nông nghiệp thấp, đời sống nhân dân trong xã ở mức thấp so với các địa phương khác trong huyện. Thôn Thành Vật là một trong 5 thôn của xã Đồng Tiến nằm ngoài đê tả đáy, ruộng cho sản xuất ít mà không được đồng đều, thường xuyên ngập úng về mùa mưa và quanh năm khô hạn.
     Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuần nông như vậy, xa tất cả các trung tâm kinh tế xã hội từ huyện đến thành phố, ngay việc người dân trong thôn muốn đi ô tô ra thành phố cũng phải đi bộ hoặc xe ôm tới gần 5 km mới tới được bến xe. Năm 1995 đồng chí Nguyễn Văn Đại sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, với mong muốn làm gì đó để vừa làm kinh tế gia đình, vừa phục vụ nhân dân quê nhà. Sau bao trăn trở đắn đo đồng chí đã quyết định đi học lái xe và mua chiếc xe ô tô 29 chỗ, đồng thời xin lập tuyến xe khách từ thôn Thành Vật quê nhà đi Hà Đông từ năm 1997, đến năm 2014 tiếp tục đầu tư thêm một chiếc xe con phục vụ cho mục tiêu du lịch. Với gia đình đồng chí Đại, thì chồng kinh doanh xe du lịch và vợ là giáo viên, như vậy là có thu nhập ổn định. Mặc dù là lái xe nhưng đồng chí Đại vẫn thường quan tâm tới sự phát triển nông nghiệp của thôn, xã nhà, lo lắng cho những sản phẩm nông nghiệp mà quê hương mình có được, nên trong thời gian này đồng chí Đại vẫn học hỏi các trang trại, các địa phương có kinh nghiệm sản xuất phát triển về trao đổi với bà con lối xóm và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.

Giám đốc Nguyễn Văn Đại đứng trước chiếc máy cấy trong nhà xưởng
tại xóm 8, thôn Thành Vật, xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa
 
     Thời cơ đến, đồng chí Nguyễn Văn Đại đã quyết định bán xe ô tô quay về làm nông nghiệp tại quê hương từ năm 2017 đến nay, trải qua 5 năm với vai trò là Giám đốc 2 Hợp tác xã, đồng chí Đại đã đưa hoạt động nông nghiệp tại địa phương có bước tiến rõ rệt:
     - Hợp tác xã VietGap Đồng Tiến với sản phẩm bưởi đạt tiêu chuẩn OCOP phân hạng 3 sao.
     - Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Tiến đang dần tăng sản lượng cơ giới hóa trong tất cả các khâu sản xuất lúa, phấn đấu xây dựng thương hiệu sản phẩm từ lúa.
     Tự đứng ra thành lập Hợp tác xã Bưởi VietGap Đồng Tiến, để sản phẩm được thành phố Hà Nội công nhận Bưởi Diễn Đồng Tiến đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao: Năm 2013 sau công cuộc dồn điền đổi thửa thành mẫu lớn, thôn Thành Vật được Thành phố phê duyệt chuyển đổi cánh đồng trồng màu thành cánh đồng trồng bưởi chuyên canh. Với những kiến thức học hỏi từ những chuyến đi chở khách du lịch và trao đổi với người bạn cùng quê là kỹ sư nông nghiệp, đồng thời nhìn thực tế từ những cánh đồng bưởi của thôn nhà. Đồng chí Đại thấy được việc trồng bưởi của bà con với quy mô lớn như vậy mà không được hỗ trợ kỹ thuật, chất lượng sản phẩm không được nâng lên và quan trọng hơn nữa nếu một vùng sản xuất cho ra một lượng sản phẩm lớn mà không xây dựng được thương hiệu của sản phẩm, thì thị trường không mở rộng được và sản phẩm sẽ khó tiêu thụ. Với những suy nghĩ và những trăn trở lo cho những hộ trồng bưởi như vậy, đồng chí Đại đã bàn bạc với những bạn bè cùng trang lứa vận động các hộ trồng bưởi thành lập Hợp tác xã Bưởi. Nhận được sự đồng thuận của một số bà con đồng chí Nguyễn Văn Đại quyết định bán xe và chuyên tâm vào việc thành lập Hợp tác xã chuyên về bưởi và đến ngày 26/11/2017 Hợp tác xã Bưởi VietGap Đồng Tiến đã được thành lập, đồng chí Nguyễn Văn Đại được bầu là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã.
Khi được hỏi về duyên cơ nào mà đồng chí đang kinh doanh xe du lịch có thu nhập ổn định mà lại bỏ nghề chuyển sang mảng dịch vụ nông nghiệp, nhất là với việc trồng bưởi, trong thời điểm đó đa số diện tích bưởi là trồng mới cây chưa thuần, chưa cho thu hoạch dẫn tới thu nhập của các thành viên sẽ thấp, thậm chí là không có. Đồng chí Đại nói: “Khi làm xe du lịch đi nhiều nơi tôi thấy ở nơi nào có quy hoạch chuyên canh, nhưng không làm đúng hướng, không có thương hiệu thì sản phẩm của nơi đó sẽ không thể phát triển và khi ở quê nhà mọi người đổ xô vào trồng bưởi, nhưng không có ai đứng ra định hướng cho họ nên bản thân tôi mong muốn vùng chuyên canh bưởi phải được hướng dẫn, chăm sóc để nâng cao chất lượng quả bưởi, tạo thương hiệu cho sản phẩm sẽ được khách hàng các địa phương khác biết tới, dần dần sẽ sánh với Bưởi Diễn, Bưởi Da xanh hay Bưởi Năm roi….”. Mặc dù ban đầu biết rằng rất khó khăn ngay cả đối với việc vận động các chủ vườn bưởi chăm sóc và bón phân phòng trừ sâu bệnh phải theo quy trình nghiêm ngặt, vì người ta sợ như vậy sẽ tăng chi phí nhân công và vật tư mà không thực hiện được. Nhưng với mong muốn tạo được thương hiệu cho bưởi quê nhà, đồng chí Đại đã quyết tâm thực hiện và được sự ủng hộ của các cấp từ huyện tới xã. Hợp tác xã VietGap đã chính thức được thành lập, tuy số thành viên tham gia là xã viên chưa được nhiều. 
Ngay sau khi thành lập Hợp tác xã đồng chí Đại bắt tay ngay vào tìm thương hiệu cho sản phẩm, cùng với sự cố gắng của Hợp tác xã còn được sự hỗ trợ của các cơ quan huyện Ứng Hòa, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bưởi và hướng dẫn quy trình đăng ký sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, đến cuối năm 2018 sản phẩm Bưởi Đồng Tiến đã được Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert Hà Nội công nhận 15 hecta bưởi đạt tiêu chuẩn VietGap. Với kết quả ban đầu, tuy không lớn nhưng đã là nguồn động viên khích lệ cán bộ xã viên Hợp tác xã VietGap Đồng Tiến phấn khởi trong sản xuất. Với số vốn đóng góp của các cổ đông không nhiều, đồng chí Đại đã bỏ tiền của cá nhân ra để tổ chức các lớp tập huấn cho toàn bộ các hộ trồng bưởi (cả những hộ chưa là xã viên của Hợp tác xã) về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bưởi sao cho đạt chất lượng cả về mẫu mà và độ ngọt của bưởi. Như việc mời Tiến sỹ Nông nghiệp Chu Anh Tiệp - Giảng viên Học viện Nông nghiệp về hướng dẫn các hộ trồng bưởi, hướng dẫn về kỹ thuật, quy trình chăm sóc và sử dụng các chế phẩm để nâng cấp chất lượng quả bưởi gần với chất lượng bưởi gốc diễn. Qua các đợt tập huấn kỹ thuật đã có nhiều hộ áp dụng các quy trình kỹ thuật chăm sóc, đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, nên chất chất lượng bưởi ngày càng tăng.
     Những quyết tâm của Giám đốc cùng sự đồng lòng của xã viên Hợp tác xã VietGap đã nhận được kết quả đáng phấn khởi. Năm 2020 thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần thứ nhất, huyện Ứng Hòa có 10 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP phân hạng 3 sao trong đó có sản phẩm Bưởi Diễn VietGap Đồng Tiến của Hợp tác xã Đồng Tiến. Đến nay sản phẩm mang thương hiệu Bưởi ngọt Đồng Tiến đã được cấp tem sản phẩm riêng và dần đang có mặt tại một số siêu thị trong nội thành Hà Nội.
     Để đảm bảo chất lượng và thương hiệu của trái bưởi, năm 2022 tại Hợp tác xã VietGap Đồng Tiến đã được triển khai mô hình PGS với quy mô diện tích 28,2 ha trồng cây Bưởi Diễn và có 50 hộ nông dân trong khu sản xuất thực hiện tham gia mô hình. Đồng thời các xã viên được tham gia các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng về an toàn thực phẩm, ghi chép nhật ký sản xuất; với nội dung về các nguyên tắc cơ bản trong sản xuất cây ăn quả an toàn, hướng dẫn kỹ năng ghi chép nhật ký sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm quả, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Vườn bưởi tại cánh đồng Cưa Cầu, thôn Thành Vật đang được chăm sóc theo quy trình
 
     Tham gia Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Tiến với sự phát triển cơ giới hóa trong sản xuất trồng lúa: Năm 2018 thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện Ứng Hòa về việc thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012. UBND xã Đồng Tiến chỉ đạo 4 thôn thành lập 1 Hợp tác xã quy mô toàn xã (do 01 thôn đã tổ chức thành lập trước đó), ban đầu việc tìm nhân sự có khó khăn. Được sự động viên của lãnh đạo UBND, Hội Cựu Chiến binh xã, đồng chí Nguyễn Văn Đại cùng 2 đồng chí hội viên Cựu Chiến binh là Lưu Trường Sơn và Lưu Văn Thảnh đã đồng ý tổ chức thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Tiến, Trước khi thành lập các đồng chí đã bàn bạc và thống nhất là phải đầu tư cơ giở vào khâu làm dịch vụ từ khâu làm đất đến cấy, gặt lúa.
     Là Hợp tác xã thực hiện theo Luật Hợp tác xã năm 2012 mặc dù có số lượng xã viên nhiều, nhưng trên thực tế các xã viên không có tiền góp vốn điều lệ mà họ chỉ sử dụng dịch vụ, do vậy các thành viên Hội đồng quản trị phải tự góp vốn để đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị. Sau khi có được sự thống nhất cao, các đồng chí được sự hỗ trợ của UBND xã đã tổ chức Đại hội Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Tiến lần thứ nhất thành công và đồng chí Nguyễn Văn Đại được bầu là Giám đốc Hợp tác xã.
     Theo kế hoạch ban đầu nếu lo được vốn từ đóng góp của các thành viên và vay vốn của ngân hàng thì sẽ mua sắm toàn bộ máy móc mới và xin đất xây dựng kho bãi, mua sắm vật tư nông nghiệp phục vụ xã viên. Do mới thành lập nên Hợp tác xã chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay, cùng với điều kiện vốn của mỗi thành viên Hội đồng quản trị cũng khác nhau. Là Giám đốc điều hành với sự nhạy bén của đồng chí Đại và cộng với kinh nghiệm đang điều hành Hợp tác xã VietGáp, đồng chí Nguyễn Văn Đại trình phương án giải quyết theo tình hình thực tế. Tận dụng máy làm đất của tổ cày bừa các Hợp tác xã cũ và giao cho 1 thành viên có điều kiện góp vốn mua 1 máy lồng đất công suất lớn, thành viên khác mua máy gặt và ký hợp đồng với một số chủ máy gặt khác để đảm bảo giá dịch vụ ổn  định, bản thân đồng chí cũng đầu tư mua 1 máy cấy và 1 máy gặt đập liên hợp. Với máy cấy khi đó đối với khu vực Đồng Tiến là rất mới mẻ, đồng chí Đại đã phải trực tiếp đi tham quan học hỏi và ban đầu cũng chỉ dám mua 1 máy cũ và thuê ngay chủ máy về trực tiếp hướng dẫn cho thợ lái máy cấy của Hợp tác xã. Kết quả ngay sau khi thành lập Hợp tác xã, vụ đầu tiên đã đạt được 100% diện tích được cày bừa và gặt bằng máy; riêng cấy bằng máy mới đạt ở mức khiêm tốn là 54 mẫu (20ha).

Hàng vạn khay gieo mạ phục vụ cho máy cấy của Hợp tác xã
cũng đã được bảo quản cẩn thận để chuẩn bị cho các vụ tiếp sau

 
     Vừa làm, vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, nhất là khâu máy cấy bước đầu do máy chất lượng chưa cao và người sử dụng chưa được thuần thục kết hợp với một số yếu tố ở khâu làm đất, nên chất lượng cấy chưa cao dẫn tới người dân chưa thật mặn mà với cấy bằng máy. Mặc dù vậy, đây cũng là thắng lợi bước đầu trong kế hoạch cơ giới hóa trong trồng lúa. Từ thực tế này, các năm tiếp theo đồng chí Đại đã quyết định tạm thời tăng cường đầu tư cho máy làm đất và với máy cấy hiện đại hơn, còn máy gặt đập liên hợp trên địa bàn có nhiều, có thể hợp đồng. Đến nay Hợp tác xã đã có 2 máy lồng đất lớn, 3 máy cấy hiện đại và 2 xe ô tô chở mạ. Do có đầu tư đúng hướng nên cấy máy được người dần dần chấp nhận và diện tích cấy dịch vụ tăng lên từng vụ, thị trường làm dịch vụ ngày càng mở rộng, những cánh đồng cấy máy không chỉ trong xã Đồng Tiến mà đã vươn ra các xã trong huyện Ứng Hòa, thậm chí vươn sang cả huyện Chương Mỹ và huyện Mỹ Đức. Từ chỉ 50 mẫu cấy máy khởi đầu, đến nay đạt 375 mẫu cho vụ xuân năm 2023.
     Về hướng phát triển dịch vụ cho vụ mùa và những năm tiếp theo, Giám đốc Nguyễn Văn Đại cho biết, cứ sau một vụ thì thị trường tiếp tục tăng mạnh cả về diện tích lẫn địa bàn hoạt động, vì khi sử dụng dịch vụ này người dân sẽ có nhiều cái lợi giảm được nhân công, giảm chi phí sản xuất mà năng suất cũng bằng hoặc cao hơn cấy tay. Dự kiến vụ mùa tới có thể số địa phương đăng ký dịch vụ sẽ tăng và diện tích cấy máy dự kiến cũng sẽ tăng từ 35-40% so với vụ vừa qua. Làm dịch vụ mà được nhân dân tín nhiệm thì mình phải đáp ứng tốt hơn, nên vụ tới Hợp tác xã sẽ đầu tư mua thêm 2 máy cấy nữa.
Đối với máy gặt, đồng chí Đại nhận định: Hiện nay trong khu vực lượng máy gặt tương đối nhiều, nhưng đây toàn là máy gặt đời cũ dạng gặt đập liên hợp, đối với loại máy này có nhiều nhược điểm: Một là chi phí nhân công theo máy cao (mỗi máy cần tới 3 người phục vụ); Hai là gặt như vậy sẽ rơi vãi nhiều, tỷ lệ hao hụt đến 5 hoặc 7 % ; Ba là sản phẩm phụ là rơm khó thu, thường chỉ đốt tại ruộng; Bốn là ruộng lúa bị đổ thì không thể cắt được, đặc biệt đối với những vùng chuyên canh lúa nếp cái hoa vàng khi lúa chín thường hay bị đổ và thời gian chín lại là sau khi gặt các loại lúa khác. Nắm bắt được những điểm này,  đồng chí Đại đã lên kế hoạch đầu tư thêm máy gặt hiện đại hơn. Loại máy gặt kiểu tông đơ sẽ khắc phục các nhược điểm trên; đó là: Nhân công sẽ giảm 1 người; lúa được cắt sau đó tuốt trên máy nên không còn rơi vãi; còn rơm sẽ được rải thành hàng trên ruộng thuận tiện cho việc thu gom; đặc biệt máy cắt được lúa ngã đổ nên đã tăng được khả năng cạnh tranh cao.
Với lúa sau thu hoạch, nếu gặp trời mưa nhiều không phơi được, cũng đã nằm trong sự tính toán của Giám đốc Nguyễn Văn Đại đó là hệ thống máy sấy cũng được lắp đặt sẵn sàng.
Giám đốc Nguyễn Văn Đại với hệ thống sấy lúa
 
          Cựu Chiến binh Nguyễn Văn Đại - Giám đốc điều hành 2 Hợp tác xã là người có tâm, có tầm, dám nghĩ, dám làm, quyết đoán trong lãnh đạo, điều hành, sáng tạo trong lao động sản xuất, đồng thời lãnh đạo 2 Hợp tác xã cùng phát triển. Sản phẩm bưởi đạt tiêu chuẩn OCOP, cơ giới hóa hầu hết các công đoạn trong sản xuất lúa, đã góp phần không nhỏ cùng huyện Ứng Hòa trên con đường “Hội nhập và phát triển”

Hội Khuyến học xã Đồng Tiến tặng chữ “Thuận Phát”
cho những Tấm lòng vàng ủng hộ xây dựng Quỹ Khuyến học xã

 
          Với phong trào khuyến học, khuyến tài, Cựu Chiến binh Nguyễn Văn Đại đã có rất nhiều đóng góp ủng hộ xà xây dựng phong trào như: đưa nhiều chương trình, các lớp tập huấn sản xuất về với địa phương cũng như ủng hộ cho quỹ khuyến học. Với những đóng góp của mình, 3 năm liền Cựu Chiến binh Nguyễn Văn Đại được nhận Giấy khen của Hội Khuyến học huyện Ứng Hoà. Năm 2023 được UBND huyện Ứng Hoà tặng Giấy khen trong phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” và UBND xã Đồng Tiến cũng tặng Giấy khen về những thành tích đạt được của đồng chí.
Hội Khuyến học huyện Ứng Hòa
tặng Giấy khen cho những gương lao động giỏi của xã Đồng Tiến
 
Tin bài và ảnh: QUẢN ĐÌNH DIỆN
Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh,
Ủy viên Ban Chấp hành Hội xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá về website này như thế nào?

Đẹp và dễ sử dụng

Đẹp nhưng khó sử dụng

Bình thường

Không đẹp

Giới thiệu

Tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam

  1. Tôn chỉ, mục đích Hội Khuyến học Việt Nam là tổ chức xã hội của mọi công dân và tổ chức Việt Nam tâm huyết với sự nghiệp "trồng người góp sức phấn đấu cho phong trào " toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục", "cả nước trở thành một xã hội học tập" nhằm nâng cao dân trí, đào tạo...

trung tam dạy tốt Luyện thi đại học