Danh Mục Chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 14

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 13


Hôm nayHôm nay : 3638

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 228128

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 21979303

Liên Kết

Tuyển sinh 2014
Báo Dân Trí
Bộ Giáo Dục - Đào Tạo
Mạng Giáo Dục Edu Net
Học Mãi
Hội Khuyến Học Việt Nam
Sở Giáo Dục & Đào Tạo Hà Nội

Trang nhất » Tin Tức » Bạn có biết ?

CẢM NGHĨ VỀ MỘT CHUYẾN ĐI

Chủ nhật - 19/11/2017 20:40
Tháng 5/2017 Hội Khuyến học tỉnh Sơn La tổ chức một đợt đi học tập ở 3 tỉnh, thành phố có phong trào khuyến học và loại mạnh ở miền Bắc. Khởi hành từ sáng sớm ngày 11/5/2017, đầu giờ chiều đoàn đến Yên Bái. Do đường xá không được tốt nên thời gian không được như dự tính, đúng là “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Chúng tôi đến Yên Bái bị trễ giờ, đoàn xuống xe là được dẫn ngay vào phòng họp. Các thành phần chủ nhà đã tề tựu đông đủ chờ chúng tôi. Gặp nhau tay bắt mặt mừng tình cảm thật là thắm thiết, gần gũi. Khi được nghe giới thiệu mới biết có nhiều đồng chí là Thường trực Hội Khuyến học huyện ở khá xa thành phố
CẢM NGHĨ VỀ MỘT CHUYẾN ĐI

CẢM NGHĨ VỀ MỘT CHUYẾN ĐI

         Trong một không khí đầm ấm tình bè bạn, hai bên cùng nhau trao đổi, thông tin về tình hình hoạt động, những suy nghĩ, những việc làm mới mẻ thể hiện sự tâm huyết và năng động. Những trăn trở trước những khó khăn trở ngại mà lĩnh vực khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập mỗi tỉnh phải vượt qua. Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái Ngô Thị Chinh – Nguyên Ủy viên Thường vụ tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh; chị làm Chủ tịch Hội kiêm nhiệm từ lúc còn đương chức, khi về hưu do lòng tâm huyết với khuyến học, chị tiếp tục làm Chủ tịch Hội chuyên trách. Là người điềm đạm, chín chắn, có nhiều kinh nghiệm vận động quần chúng và chỉ đạo xây dựng phong trào. Chị có đóng góp rất lớn trong việc xây dựng sự nghiệp khuyến học tỉnh Yên Bái được như ngày nay. Khuyến học Yên Bái những năm qua đã gặt hái nhiều thành công lớn. Phong trào đã ăn sâu bén rễ ở khắp các cơ sở, sâu sát trong các tầng lớp nhân dân. Chúng tôi khâm phục Hội Khuyến học Yên Bái đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ khuyến học cấp huyện, cấp xã thật tuyệt vời. Các đồng chí rất coi trọng vai trò người đứng đầu và đã lựa chọn được những Chủ tịch Hội rất có uy tín. Có huyện Chủ tịch Hội Khuyến học là đồng chí Nguyên bí thư huyện ủy, không ít xã Chủ tịch Hội Khuyến học là đồng chí Bí thư đảng ủy xã. Được các cán bộ như thế làm Chủ tịch Hội thì đúng là không còn mong muốn gì hơn nữa. Có được đội ngũ như vậy là niềm tin tưởng khuyến học ắt thành công. Chúng tôi rất muốn học và làm theo Yên Bái về điểm này nhưng cũng không hề dễ dàng.


Tại Văn phòng Hội khuyến học Hà Nội
         Sau khi gặp gỡ trao đổi, chúng tôi được Thường trực Hội Khuyến học Yên Bái dẫn đi thăm thành phố. Đặc biệt là khu Di tích mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930, nằm trong khuôn viên công viên Yên Hoà, bên cạnh đại lộ mang tên nhà yêu nước Nguyễn Thái Học, thuộc phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái. Gồm khu lăng mộ, khu tượng đài, khu nhà đón khách, bia tưởng niệm và khuôn viên cây cảnh. Với ý tưởng tôn vinh tinh thần yêu nước, cho nên mọi chi tiết kiến trúc đều nhất quán, vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính văn hóa, vừa có ý nghĩa truyền thống, vừa có ý nghĩa thẩm mỹ lâu dài.
         Phần chính của khu di tích là khu mộ được thiết kế với kiến trúc vừa mang dáng dấp hiện đại vừa có màu sắc truyền thống, có diện tích 300m² bao quanh là 17 cột trụ, được nối với nhau bằng một vòng tròn khuyết tượng trưng cho 17 liệt sỹ bị thực dân Pháp xử chém trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái và một sự nghiệp không thành. Lăng mộ và nhóm tượng đài đều hướng ra phía hồ Cô Giang. Theo lời người dân ở đây thì hồ nước mênh mông này cứ luôn đầy ăm ắp không có lúc nào vơi cả, như lòng yêu nước mãi mãi dâng đầy.


Thăm và thực tế tại Hội khuyến học phường Yên Hòa
         Cô Giang là tên thường gọi của Bà Nguyễn Thị Giang người đồng chí đắc lực, người vợ chung thuỷ của nhà chí sĩ Nguyễn Thái Học. Khi Nguyễn Thái Học bị chém, cô Giang đóng giả đàn ông, trà trộn vào người xem để được nhìn mặt chồng lần cuối. Sau đó cô trở về quê Nguyễn Thái Học, thắp hương trên mộ tổ tiên, rồi ra giữa cánh đồng, dùng khẩu súng ngắn Nguyễn Thái Học tặng để tự sát. Cô Giang để lại một bài thơ tuyệt mệnh rất cảm động. Chính vì thế mà cụ Phan Bội Châu đã viết bài văn tế cô Giang lên hàng nữ liệt của Việt Nam.
         Đoàn chúng tôi mỗi người thắp một nén nhang với tất cả lòng thành kính trước linh hồn những người anh hùng:
Nghĩa lớn đã làm: Giết giặc, lòng son ngời nhật nguyệt
Thù sâu chưa trả: Hy sinh, khí mạnh rạng non sông”.
         Sáng 12/5/2017, đoàn chúng tôi chia tay Hội Khuyến học Yên Bái với tình cảm lưu luyến và lên đường về Phú Thọ, về đất Tổ. Chúng tôi được chỉ dẫn tới trụ sở Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ. Một khu nhà riêng cho các tổ chức Hội của tỉnh, tuy không rộng rãi, bề thế nhưng gọn gàng ấm cúng, phương tiện làm việc khá đầy đủ. Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ toàn các nữ tướng xinh đẹp, giỏi giang, nụ cười rạng rỡ thân tình đón chúng tôi. Những mệt mỏi đường trường biến đi đâu hết, tiếng nói, cười, chào hỏi ríu rít; thật ấm lòng lữ khách đường xa.
         Chủ tịch Hội Khuyến học Phú Thọ Nguyễn Thị Kim Hải - Nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Chị là người có kiến thức uyên bác, hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực, một phụ nữ cương nghị “vừa có tầm, vừa có tâm” với khuyến học. Lúc còn đương nhiệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chị là người có nhiều đóng góp để Hát Xoan Phú Thọ (năm 2011) và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (năm 2012) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 
         Chúng tôi đã từng biết về khuyến học Phú Thọ qua các phương tiện thông tin truyền thông và qua các thông tin trong cụm. Nhưng khi đến tận nơi, nghe tận tai, nhìn tận mắt mới thấy những hiểu biết đã có là quá ít ỏi, chẳng thấm tháp gì. Tôi có cảm nhận Khuyến học Phú Thọ gắn liền với những điều lớn lao, to tát và sôi nổi. Một hệ thống tổ chức Hội chắc chắn từ tỉnh đến cơ sở, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, công nhận Hội đặc thù, hàng năm cấp kinh phí đến Hội Khuyến học cấp xã. Có thể nói trên cả nước cũng không nhiều nơi làm được như vậy. Một hệ thống các văn bản của tỉnh về khuyến học rất đầy đủ, khá thuận lợi cho công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện đối với các cấp Hội khuyến học trên địa bàn.
         Quỹ khuyến học ở Phú Thọ mang những cái tên rất ý nghĩa. Tỉnh có “Quỹ khuyến học, khuyến tài Đất Tổ” (tổng giá trị gần 40 tỷ đồng); Thị xã Phú Thọ có “Quỹ khuyến học, khuyến tài Hùng Vương” (vốn trên 10 tỷ đồng); huyện Tân Sơn có “Quỹ khuyến học xứ Mường Tân Sơn”; huyện Hạ Hòa có “Quỹ khuyến học Tổ Mẫu Âu Cơ”; huyện Thanh ba có “Học bổng khuyến học Hương chè”; huyện Đoan Hùng có “Học bổng khuyến học trái bưởi vàng”… Mỗi năm khen thưởng, cấp học bổng vài tỷ đồng, thật ngưỡng mộ. Mỗi nơi một vẻ đều in đậm nét đặc sắc của khuyến học nơi Đất Tổ. Các chương trình, hình thức hoạt động của Khuyến học Phú Thọ cũng rất phong phú. Chương trình “Khuyến học, khuyến tài Đất Tổ - Chắp cánh ước mơ”; “Lễ báo công các Vua Hùng”; “Tiếp sức học sinh nghèo đến trường”... Các mô hình “Tiếng trống khuyến học”; “Tiếng loa khuyến học”; “Mái ấm khuyến học”; “Bò khuyến học”…
         Nói về Khuyến học Phú Thọ thì có thể viết ra hàng trăm trang giấy cũng chưa hết, nhưng có thể nói gọn trong 9 chữ “Tham mưu giỏi, liên kết rộng, nội lực mạnh”.
         Đến Phú Thọ là về Đất Tổ. Về Đất Tổ mà chưa lên thắp hương các Vua Hùng thì thật là có lỗi. Chị Nguyễn Thị Kim Hải – Chủ tịch Hội đích thân dẫn chúng tôi và kiêm luôn cả hướng dẫn viên du lịch lên thắp hương từ Đền Hạ lên Đền Thượng. Hiểu biết của chị về Khu di tích Đền Hùng thật sâu sắc, chị hướng dẫn chúng tôi rất tỷ mỷ, từ việc hành lễ, thắp hương đến các điều linh ứng tâm linh của nhiều người về lễ Tổ; và cả những chi tiết lịch sử mà hướng dẫn viên du lịch không đề cập đến. Đường lên Đền Thượng dốc như vậy mà ai cũng thấy như khỏe ra, lòng thanh thản. Không khí ở đây thật trong lành, tôn nghiêm và thật thanh bình.
         Đến Phú Thọ lần này thật là ý nghĩa, chúng tôi học tập được nhiều ở Khuyến học Phú Thọ, ở cách làm việc của Hội Khuyến học Phú Thọ và cũng hiểu biết thêm về đạo lý làm người hướng về Tổ Tiên dòng dõi.
         Sáng 13/5/2017, trong không khí thân tình anh em, bè bạn, chúng tôi tạm biệt Phú Thọ, về Hà Nội thủ đô thân yêu. Chị Nguyễn Thị Ngọc Minh – Chủ tịch Hội cùng toàn thể anh chị em Hội Khuyến học Hà Nội cởi mở chân tình, đón chúng tôi tại trụ sở Thành hội (ở tầng 8, cung Trí thức). Chị Nguyễn Thị Ngọc Minh nguyên là Thành ủy viên, Bí thư quận ủy Thanh Xuân, một phụ nữ dịu dàng, thân thiện, đón chúng tôi như anh em ở xa về. Chúng tôi biết đến Khuyến học Hà Nội như là một tiêu biểu của cả nước, có phong trào rộng lớn, nhất là khuyến học cơ sở. Vì thế anh em trong đoàn muốn được đến thăm một cơ sở, để học tập cách làm của Hà Nội.


Dâng hương tại nhà thờ Dòng họ Nguyễn Như Uyên
         Nguyện vọng này được đáp ứng. Các anh chị Hội Khuyến học Hà Nội dẫn chúng tôi đến thăm phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) vùng đất thuộc “Tứ danh hương Mỗ-La-Canh-Cót” bốn làng khoa bảng bậc nhất đất Hà Thành; nơi phát tích của nhiều bậc đại khoa. Là quê hương của hàng trăm tiến sĩ, giáo sư, thạc sĩ... với nhiều dòng họ hiếu học nổi tiếng cả nước.
         Hội Khuyến học phường Yên Hòa có 51 Chi hội khuyến học phủ kín địa bàn phường (gồm 5 chi hội nhà trường và cơ quan, 16 chi hội dòng họ, 30 chi hội dân cư) với 5912 hội viên. Là một phường có phong trào khuyến học điền hình, sôi nổi, thu được nhiều kết quả cao, đứng đầu trong quận Cầu Giấy và thành phố Hà Nội. Công tác tuyên truyền, vận động ủng hộ quỹ khuyến học và xây dựng các mô hình học tập đạt hiệu quả cao. Phường có Quỹ khuyến học 1.150.000.000 đồng, bình quân đạt 23.800đ/ người. 80% gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình học tập. Hội đã được đón tiếp nhiều đoàn công tác khuyến học trên địa bàn thành phố và các tỉnh bạn về tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm, trong đó có Hội Khuyến học Sơn La chúng tôi. Thật là ngưỡng mộ khi được biết trong Ban chấp hành Hội Khuyến học phường mà có tới 6 vị là Giáo sư, Tiến sỹ, Đại tá trong quân đội; chất lượng học vấn, trí tuệ của Ban chấp hành Hội Khuyến học phường thật tuyệt vời.


Chụp ảnh lưu niệm với HKH Hà Nội, HKH phường Yên Hòa và Ban đại diện Dòng họ
         Từ xa xưa đến nay người dân Yên Hòa luôn coi trọng việc học, luôn lấy việc học là đích phấn đấu để tôn vinh truyền thống mà các lớp tiền nhân để lại, gìn giữ tiếng thơm cho muôn đời con cháu. Nổi bật ở Yên Hòa là hoạt động khuyến học, khuyến tài của các dòng họ. Có tới 16 chi hội khuyến học dòng họ, mà toàn là những dòng họ hiếu học, nổi tiếng về khoa bảng.
         Người khai khoa cho truyền thống khoa bảng vùng đất này là Nguyễn Như Uyên, đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ (Hoàng giáp) khoa thi Kỷ Sửu (1469). Ông làm quan tới chức Thượng thư Bộ Lại, Chưởng lục Bộ sự (đứng đầu 6 Bộ). Từ đây, hậu duệ Nguyễn Như Uyên đời đời nối tiếp thành dòng họ Nguyễn Như Uyên, một dòng họ với 23 người đỗ khoa trường ở mức đại khoa và trung khoa. Dòng họ Hoàng có Tiến sỹ toán học Hoàng Xuân Sính. Dòng họ Doãn có nhạc sỹ Doãn Nho... Hoạt động của các Chi hội Khuyến học dòng họ của phường Yên Hòa đúng là điển hình của cả nước. Con cháu trong các dòng họ đều sẵn mang trong người truyền thống hiếu học, cầu thị tiến bộ và luôn có nhiều người đỗ đạt cao. Chi hội Khuyến học một số dòng họ lớn hàng năm đều tổ chức Lễ báo công tại Văn miếu Quốc tử giám.
         Chia tay Yên Hòa, chia tay các anh, chị Hội Khuyến học Hà Nội với lòng ngưỡng mộ một vùng đất khoa bảng nổi tiếng, một truyền thống hiếu học tuyệt vời cùng những con người tâm huyết với khuyến học, khuyến tài đã tổ chức hoạt động của các Chi hội Khuyến học dòng họ ngày càng sâu sắc và hiệu quả.
         Bốn ngày cho một chuyến đi, đến 3 tỉnh và thành phố, thời gian không dài. Kế hoạch thời gian luôn sát sàn sạt, đến đâu cũng khẩn trương. Khối lượng công việc thật lớn và những điều học được thật là tuyệt vời. Đi 4 ngày đàng chúng tôi học được nhiều điều bổ ích; anh, chị, em trong đoàn ai cũng thấy mình ngộ ra nhiều điều. Đúng là “đi một ngày đàng, học một sáng khôn”.
 
BÙI NGUYÊN LƯỢNG
Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sơn La
Tháng 5 năm 2017
                                                                         

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá về website này như thế nào?

Đẹp và dễ sử dụng

Đẹp nhưng khó sử dụng

Bình thường

Không đẹp

Giới thiệu

Tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam

  1. Tôn chỉ, mục đích Hội Khuyến học Việt Nam là tổ chức xã hội của mọi công dân và tổ chức Việt Nam tâm huyết với sự nghiệp "trồng người góp sức phấn đấu cho phong trào " toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục", "cả nước trở thành một xã hội học tập" nhằm nâng cao dân trí, đào tạo...

trung tam dạy tốt Luyện thi đại học