Học tập suốt đời là phẩm chất cao đẹp, xuyên suốt trong tư tưởng của Bác. Bằng tấm gương học tập suốt đời, Bác đã để lại nhiều bài học và những chỉ dẫn quý báu, trong đó có những nội dung rất cơ bản mà chúng ta cần học tập và noi theo.
1. Tự học là chính Tự học là hoạt động có mục đích của con người, là điều cần thiết và rất quan trọng trong quá trình tiếp nhận tri thức. Bác Hồ học ở trường lớp không nhiều mà tự học là chính, đó là phẩm chất nổi bật ở Bác. Trong lý lịch tự khai ở Đảng Cộng sản Pháp năm 1920 cũng như tham dự một số hội nghị và đại hội của Quốc tế Cộng sản năm 1924, Bác đều ghi ở phần trình độ học vấn là: Tự học. Năm 1961, tại Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp ở Việt Nam, Bác kể: “Về văn hóa: Tôi chỉ học hết lớp tiểu học... Về hiểu biết phổ thông: Năm 17 tuổi, tôi mới thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe rađiô lần đầu tiên... ” Năm 1959, nói chuyện tại Trường Đại học Pátgiagiaran (Inđônêxia), Bác kể: “Khi còn trẻ, tôi không có dịp đến trường đại học. Tôi đi du lịch và làm việc, đó là trường đại học của tôi. Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học xã hội. Nó dạy cho tôi cách yêu, cách ghét, yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ, hòa bình và căm ghét áp bức, ích kỷ v.v… Trường học ấy đã dạy tôi khoa học quân sự, lịch sử và chính trị...”
. Rõ ràng, ở Bác chỉ có con đường tự học trong thực tế lao động và hoạt động cách mạng. Những năm tháng bôn ba hải ngoại, làm đủ các nghề để sống, khi làm bồi bếp trên tàu biển, khi thì đốt lò, quét tuyết trong mùa đông băng giá ở nước Anh, khi thì bán báo, làm thợ ảnh, vẽ đồ cổ ở nước Pháp v.v… Bác đều tranh thủ thời gian để tự học một cách kiên trì trong điều kiện không có thầy dậy, không có trường lớp, thiếu thốn cả về phương tiện vật chất và thời gian. Một thủy thủ trên tàu kể lại: “Mỗi ngày, chín giờ tối công việc mới xong. Anh Ba mệt lử. Nhưng khi mọi người nghỉ hoặc đánh bài, anh Ba đọc hay viết đến 11 giờ hoặc nửa đêm”.
Về tự học ngoại ngữ, cần học chữ nào Bác liền viết lên cánh tay, vừa đi vừa xem, vừa làm vừa học, đến cuối ngày chữ mờ dần đi cũng là lúc Bác nhớ được hết. Những ngày sống ở Anh, “công việc làm từ tám giờ đến mười hai giờ. Hàng ngày, buổi sáng sớm và buổi chiều anh Ba ngồi trong vườn hoa Hayđơ, tay cầm một quyển sách và một cái bút chì. Hàng tuần, vào ngày nghỉ anh đi học tiếng Anh với một giáo sư người Ý”. Khi trở lại nước Pháp, Bác thuê phòng trọ trong một khách sạn rẻ tiền. Mặc dù công việc nặng nhọc, kéo dài suốt ngày, Bác vẫn thường đến thư viện đọc sách hoặc nghe những buổi nói chuyện để trau dồi kiến thức. Tối đến, Bác đi dự những cuộc mít tinh, làm quen với các nhà hoạt động chính trị, văn hóa, nghệ thuật để nâng cao trình độ hiểu biết của mình. Cuộc sống lao động vất vả ấy đã rèn cho Bác ý chí quyết tâm tự học một cách bền bỉ.
Sau này, khi nước nhà độc lập, trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, Bác vẫn tự học qua sách báo và trong thực tiễn, bằng sự miệt mài và say sưa tự học, Bác đã lĩnh hội được hệ thống tri thức đồ sộ, có được trình độ học vấn uyên bác, tầm hiểu biết toàn diện và sâu rộng đồng thời có sự nhạy cảm sắc sảo hệ thống tri thức đó. Nhà nghiên cứu Vaxiliép đánh giá: “Hiếm có một chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Min về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”. Từ kinh nghiệm của bản thân, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Bác khuyên mọi người: “Lấy tự học làm cốt”. Trong các bài nói, bài viết, Bác đều khuyên mọi người phải tự học là chính. Có thể nói, tự học là một trong những yếu tố quyết định tạo nên nhân cách và trí tuệ uyên thâm của Bác Hồ.
2. Học từ thực tiễn Những năm sống và hoạt động ở nước ngoài, Bác Hồ đã tự học tập, rèn luyện trong thực tế sinh động ở các nước thuộc địa, các nước thực dân, đế quốc, trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc bị áp bức. Chính từ thực tiễn ấy, Bác đã tìm thấy lý luận Mác-Lênin, cẩm nang thần kỳ để cứu dân, cứu nước. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trên cơ sở kế thừa chủ nghĩa yêu nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa trí tuệ của nhân loại, Bác đã cùng với Đảng ta vận
dụng một cách sáng tạo lý luận Mác-Lênin vào thực tiễn Việt Nam, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Về học từ thực tiễn, Bác kể: “Đến Quảng Châu hồi 1924-1927, tôi vừa theo dõi phong trào cách mạng trong nước, vừa tham gia công việc do Đảng Cộng sản Trung Quốc giao phó... Tôi được tham gia dịch tài liệu nội bộ và việc “tuyên truyền đối ngoại”, tức là viết bài về phong trào công nông cho một tờ báo bằng tiếng Anh. Lần thứ hai tôi đến Trung Quốc cuối năm 1938 vào thời kỳ kháng chiến chống Nhật. Là một người binh nhì trong “Bát lộ quân”, tôi làm chủ nhiệm câu lạc bộ của một đơn vị ở Quế Lâm. Sau đó, được bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm phụ trác nghe rađiô của một đơn vị ở Hành Dương. Thế là tôi học được một ít kinh nghiệm xây dựng Đảng, khi ở Liên Xô; kinh nghiệm đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, khi ở nước Pháp; kinh nghiệm chống thực dân và phong kiến, khi ở Trung Quốc”.
Sau này, ở cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, Bác thường nhắc nhở mọi người học lý luận đồng thời học trong thực tiễn. Bác giải thích: Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc đấu tranh, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng, rõ ràng, làm thành kết luận, rồi đem nó chứng minh với thực tế. Bác ví: “Lý luận như cái tên hoặc viên đạn. Thực hành như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng để đem lòe thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích”. Vì thế, Bác yêu cầu mọi người phải vừa học, vừa làm, học để áp dụng vào thực tiễn công tác. Trong lúc học lý thuyết phải nghiên cứu công việc thực tế. Bác còn giải thích: Thời kỳ học ở nhà trường chưa thể cung cấp những kiến thức đầy đủ và sâu rộng; nó mới chỉ giúp ta được những điều căn bản, định rõ cho ta một phương hướng đi cho khỏi lầm đường và gợi cho ta lòng ham muốn nghiên cứu. Còn sau khi ra trường làm việc, phải nghiên cứu không những trong sách vở, mà còn phải nghiên cứu ngay trong thực tiễn công tác của mình, phải vừa làm, vừa học. Bác khuyên mọi người: “Học trong xã hội học trong thực tế, học ở quần chúng”.
3. Học với quyết tâm cao Tục ngữ Việt Nam có câu: “Việc đời không có gì khó, chỉ sợ chí không bền”. Đối với việc học, Bác Hồ dặn: “Học không bao giờ cùng”, “vì phải học, mà học thì rất khó khăn, tinh vi”. Điều đó đòi hỏi trong học tập phải có quyết tâm cao. Minh chứng cho vấn đề này, có lần Bác kể: “Ngày trước, Bác cũng đã làm phụ bếp. Lúc đó Bác là vong quốc nô, làm phụ bếp cho thực dân Pháp. Công việc vất vả từ 5 giờ sáng đến 9, 10 giờ tối. Nhưng Bác vẫn học được văn hóa, chính trị. Có quyết tâm thì nhất định học được”. Lần khác, Bác nói: “Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, tôi làm thuê ở Pari, khi thì làm cho một cửa hàng phóng đại ảnh, khi thì vẽ “đồ cổ” mỹ nghệ Trung Hoa... Lúc bấy giờ, tôi ủng hộ Cách mạng tháng Mười chỉ theo cảm tính tự nhiên... Và một đồng chí đưa cho tôi đọc Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân đạo.
Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính”. Hồi ở Việt Bắc, tuy tuổi đã cao, nhưng Bác vẫn học tập và làm việc không biết mỏi. Bác làm việc suốt ngày, ngày thường cũng như chủ nhật. Sau mỗi bữa ăn, Bác nghỉ một lát rồi làm việc ngay. Buổi sáng, Bác giải quyết công việc giấy tờ hôm trước. Tiếp đó, Bác tranh thủ đọc sách báo. Bác xem công văn, xem xong ngồi viết, đánh máy, suy nghĩ để trả lời các nơi. Phòng làm việc của Bác có khi chỉ là chiếc chiếu trải xuống sàn nhà, những gì phải viết Bác để lên đùi. Bài viết nào dài Bác đánh máy. Những lúc mỏi, Bác kéo võng nằm suy nghĩ rồi lại dậy đánh máy tiếp. Vì vậy, không mấy khi Bác có thời gian rảnh. Bác Hồ cho rằng, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và với quyết tâm làm cho dân tộc ta trở thành một dân tộc “thông thái”, ngay từ khi nước nhà vừa giành được độc lập, Bác đã kêu gọi: “Mọi người phải ham học, trước hết là học chữ, học làm tính. Biết chữ, biết tính làm việc gì cũng dễ dàng hơn. Một người không biết chữ, không biết tính thì như nửa mù, nửa quáng. Biết rồi, ta học thêm. Ngoài ra, còn biết bao nhiêu điều cần học. Việc thế giới rất nhiều, học không bao giờ hết. Người có học mới tiến bộ. Càng học càng tiến bộ”. Chính Bác đã mở nhiều lớp học văn hóa và chính trị cho cán bộ, đảng viên, thanh niên trong thời kỳ vận động thành lập Đảng, những năm đấu tranh giành độc lập dân tộc và những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ.
Quan điểm của Bác là: “siêng học tập thì mau biết. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến”, “kế hoạch một phần, biện pháp phải hai phần và quyết tâm phải ba phần”, “học mãi để tiến bộ mãi, càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”... Bác đòi hỏi mọi người học tập phải có quyết tâm cao, vì học tập là công việc phải tiếp tục suốt đời, suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi, nên phải thường xuyên học và hành để tiến bộ không ngừng. Trong quá trình lãnh đạo và điều hành đất nước, Bác rất quan tâm đến việc học tập của mọi tầng lớp nhân dân.
Đối với đảng viên, Bác yêu cầu: Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng của mình. Với đảng viên, cán bộ hoạt động lâu năm, Bác nói: “Công việc càng ngày, càng nhiều, càng mới. Một mặt, Đảng phải đào tạo, dìu dắt đồng chí trẻ. Một mặt, đảng viên già phải cố gắng mà học. Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”
(11). Bác nói với lớp huấn luyện đảng viên mới: “Bác thường nghe nói có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già cho nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời.
Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”.
Đối với người cao tuổi, Bác động viên: Càng già càng phải tham gia mọi việc cách mạng: phải học tập văn hóa, kinh nghiệm công tác.
Đối với phụ nữ, Bác dặn: Gắng học tập chính trị, học tập văn hóa, kỹ thuật; nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa. Đối với thanh niên, Bác nhắc: Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đối với thiếu nhi, ngay từ năm 1948, Bác đã chỉ ra cách tổ chức học tập từ 5 đến 10 cháu nên tổ chức thành một đội giúp nhau học hành. Sau này, Bác khuyên: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; học tập tốt, lao động tốt; đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; giữ gìn vệ sinh; khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.
Bác còn động viên mọi người: “Phải có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, học luôn, học mãi”. Bác còn căn dặn: “Không sợ khó, có quyết tâm. Không biết thì phải cố gắng học, mà cố gắng học thì nhất định học được”. Đây là những tổng kết đầy ý nghĩa của việc học tập suốt đời.
4. Học đi đôi với hành “Hành nan, ngôn dị” là một tổng kết sâu sắc của người xưa về cái khó giữa học và hành. Đối với việc học tập, một trong những phương pháp quan trọng mà Bác Hồ yêu cầu là “học đi đôi với hành”, vì như Bác nói: “Không vào hang không bắt được cọp. Không thực hành thì nhất định không thể hiểu biết”. Nói chuyện với học viên Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình, Bác kể: “Trước đây lúc tuổi thanh niên, Bác hoạt động ở Pháp, cũng vừa lao động, vừa học tập, nhưng lúc đó lao động là lao động nô lệ cho đế quốc. Bác phải làm thế để tự kiếm sống, nhưng vẫn dành thời giờ để học tập, ngày lao động, đêm học tập, chứ Bác không được đến trường học đâu. Vì vậy, Bác khuyên mọi người học tập tốt, lao động tốt để trở thành người lao động xã hội chủ nghĩa”.
Quan điểm của Bác là: Học để sửa chữa tư tưởng, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng, học để tin tưởng, học để hành. Nói về tầm quan trọng của việc học đi đôi với hành, Bác nói: Một người học xong đại học, có thể gọi là trí thức. Song, y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không
biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế. Bác còn giải thích: “Do thực hành mà sinh ra hiểu biết. Lại do thực hành mà chứng thực và phát triển sự thật. Từ hiểu biết bằng cảm giác tiến lên hiểu biết bằng lý trí. Lại từ hiểu biết bằng lý trí tiến lên thực hành lãnh đạo cách mạng, cải tạo thế giới. Thực hành, hiểu biết, lại thực hành, lại hiểu biết nữa. Cứ đi vòng như thế mãi, không bao giờ ngừng”.
Điều đó đòi hỏi phải gắn học với hành, học để vận dụng sáng tạo vào trong thực tế công tác, trong cuộc sống, học để ứng xử với bản thân, với mọi người, với thực tế cuộc sống, để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Vì thế, Bác luôn nhắc nhở mọi người rằng, làm nghề gì cũng phải học và phải ham học, học trong công việc hằng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, việc cao cũng như việc thấp. Theo Bác, học cốt để làm, học mà không làm, học mấy cũng không tác dụng, học mấy cũng vô ích. Học cốt để áp dụng vào công việc thực tế, lý thuyết mà không áp dụng vào thực tế là lý thuyết suông. Chỉ học thuộc lòng lý thuyết để đem lòe thiên hạ thì lý thuyết ấy cũng vô ích. Theo Bác, “vừa học, vừa làm”, “học tập tốt, lao động tốt”, “học để áp dụng trong thực tế” là khẩu hiệu thực hiện phương châm “học đi đôi với hành”. Rõ ràng là từ lời nói đến việc làm cho thấy, Bác Hồ là một tấm gương “Học không biết chán”, “Học, học nữa, học mãi”, “Học không bao giờ cùng”, một tấm gương học suốt đời.
PGS, TS. Lê Văn Yên
(Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật)
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền