Có một lớp học khiêu vũ thật đặc biệt! Ở đó, các thành viên không nhìn thấy bạn nhảy, không nhìn thấy huấn luyện viên lại càng không nhìn thấy bất cứ động tác nhảy nào. Thế nhưng, lớp học vẫn diễn ra đều đặn, hào hứng và đầy niềm vui nhờ sự cảm nhận bằng trái tim của các học viên.
Ban đầu, lớp học được mở ra từ một dự án Step up của REACH (Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn) với mục đích hỗ trợ học nghề cũng như hòa nhập cộng đồng cho người khiếm thị. Thầy Tô Văn Hòa được REACH tiến cử tới hướng dẫn những thành viên lớp học bộ môn khiêu vũ thể thao. Kết thúc dự án, vì thấy được niềm say mê, hào hứng của mọi người, thầy Hòa không nỡ rời đi, vẫn tiếp tục đều đặn tới đây dạy vào sáng thứ tư và thứ sáu hằng tuần, trên tầng 2 của Hội người mù quận Đống Đa.
Chúng tôi đến thăm lớp học khiêu vũ của An Như vào một buổi sáng thứ sáu cuối xuân, tiết trời mát mẻ. Các học viên đang hối hả chuẩn bị cho những tiếp mục biểu diễncủa mình vào sáng chủ nhật, ngày 4-4, tại Học viện múa Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một cuộc thi khiêu vũ dành cho người khiếm thị được tổ chức với tên gọi
“Bước nhảy xóa mọi khoảng cách”. Cuộc thi do CLB Khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội (SoLar) tổ chức với sự giúp đỡ, khuyến khích của Thành hội Người mù Hà Nội, tổ chức REACH và huấn luyện viên khiêu vũ thể thao quốc gia Tô Văn Hòa. Mới chỉ nghe tiếng gọi, An Như đã nhận ra ngay giọng nói của bà chủ tịch Hội Khuyến học phường Phương Mai. Em cười thật tươi và tíu tít cùng các bạn chuẩn bị lên sân khẩu tổng duyệt lần cuối cùng trước khi biểu diễn.
Dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy Tô Văn Hòa cộng thêm sự say mê, đầy nhiệt huyết tập luyện của các học viên, qua từng ngày những điệu nhảy tango, chachacha hay zumba đã được họ thể hiện một cách thuần thục. Hơn thế, những thành viên của lớp học không chỉ tập luyện như một hoạt động ngoại khóa đơn thuần, mà họ còn cố gắng nỗ lực hết sức mình để tham gia những giải đấu khiêu vũ. Đối với thầy trò của lớp học đặc biệt này mỗi buổi tập đều trở thành những kỉ niệm khó quên. Bởi với người không khuyết tật, khi tập nhảy đều phải đứng trước gương và làm theo sự hướng dẫn của huấn luyện viên. Nhưng với người khiếm thị, họ tập bằng sự cảm nhận âm nhạc, bằng đo độ dài bước chân và đặc biệt bằng sự cảm nhận từ trái tim của chính mình. An Như tham gia lớp học khiêu vũ dành cho người khiếm thị từ tháng 10 năm 2020. Với em, lớp học cũng là một môn thể thao để cho người khuyết tật có thể rèn luyện bản thân, rèn luyện ngoại hình và hoà nhập cộng đồng.
Cô bé An Như An Như là một cô bé tài năng duyên dáng, thuộc chi hội Khuyến học số 4 phường Phương Mai, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Trải qua 2 cuộc đại phẫu về não, hơn 20 cuộc điều trị dài năm cho đến nay, có lẽ sẽ ít ai tưởng tượng được tất cả điều đó đã kéo dài trong 14 năm cùng cô bé từ khi 11 tháng tuổi. Tai nạn bất ngờ ập đến đe dọa tính mạng của An Như và di chứng để lại là đôi mắt của em hoàn toàn không thể nhìn thấy. Khó có thể kể hết nỗi nhọc nhằn của cô bé và cả gia đình trong những năm tháng đầy bão giông. Tuổi thơ của em không được thấy sắc hồng, sắc xanh của những con búp bê ngộ nghĩnh, không được nô đùa cùng chúng bạn dưới sân trường, nhìn mọi việc chỉ qua cảm giác của đôi tay, đôi tai và qua chính sự cảm nhận của trái tim. Nhưng, như cây xương rồng vẫn vươn lên trong khô cằn sỏi đá, An Như lạc quan và tự thấy mình hạnh phúc khi em vẫn có một cơ thể khỏe mạnh, bên em là tràn ngập tình yêu thương của bố mẹ, người thân…Và từ đây, từ trong bóng đêm của số phận em đã tìm ra tia sáng kì diệu cho cuộc đời mình. Nếu An Như được sinh ra bằng tình yêu của bố mẹ nhưng cuộc đời lại thử thách em bằng chính mạng sống của mình thì âm nhạc chính là nguồn sáng đã tái sinh em thêm một lần nữa. Từ khi bắt đầu biết nhận thức thì cũng là từ khi những thanh âm đầu tiên đến với em, kéo em thoát khỏi bóng đêm của sự tự ti, mặc cảm... Năng khiếu đặc biệt của em đã được nhiều thầy cô thẩm định và từ đó âm nhạc đã bước vào cuộc đời em như một định mệnh không thể tách rời. Đam mê tiếng đàn tranh thánh thót, em đã đến với Khoa Biểu diễn Nhạc cụ Truyền Thống, của HVANQGVN như một điều tất yếu. Từ sự chăm sóc yêu thương của người thân và các thầy cô, bạn bè cùng với những nỗ lực của bản thân, trong suốt nhiều năm qua, em luôn là học sinh giỏi xuất sắc của trường và thường xuyên tham gia các buổi lưu diễn trong nước và ngoài nước, đồng thời luôn thấy hào hứng khi được tham gia các chương trình giao lưu văn nghệ giành cho trẻ em khuyết tật của VN và giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi. An Như còn tham gia đóng góp nhiều tiếp mục văn nghệ trong các lễ tổng kết của hội khuyến học phường Phương Mai, Hội khuyến học quận Đống Đa. Tiếng sáo trúc của em với tác phẩm "Việt Nam quê hương tôi" hay tiếng đàn tranh bài "Xuân quê hương" đã làm thổn thức trái tim bao người nghe. Cũng chính trong Hội nghị, có ông lớn tuổi trong hội Cựu chiến binh phường Phương Mai đã rưng rưng, xúc động lên tận sân khấu, cầm tay em và trao quà rất cảm động.
Hiện tại, em đang là học sinh lớp 12KT tại Trung tâm GDNN, GDTX Nguyễn Văn Tố Hà Nội đồng thời còn là sinh viên với lớp Trung cấp 6/6 chuyên ngành đàn Tranh và bộ môn Sáo trúc, khoa Biểu diễn Nhạc cụ Truyền thống- Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nhiều người trong chúng ta vẫn nghĩ rằng khi người ta bị khiếm khuyết thị giác, các giác quan khác sẽ phát triển hơn như để bù lại sự mất mát. Nhưng điều đó không hoàn toàn là một quá trình bù đắp chức năng tự nhiên mà phải trải qua cả một quá trình luyện tập vất vả đầy nghị lực. Để có thể làm chủ được từng nốt nhạc, những phím đàn, để có thể vang lên những giai điệu đẹp cho cuộc sống, An Như cũng đã trải qua vô vàn khó khăn cùng nhiều trở ngại. Nhưng khi âm nhạc đã như hơi thở của em, là đôi mắt để em nhìn cuộc đời, khi đam mê đã như nguồn sống thì những khó khăn kia như bị bỏ lại phía sau. An Như được mẹ cho học đàn piano từ năm 3 tuổi, cho đến năm học lớp 3 em yêu thích tiếng đàn tranh và theo học bộ môn nghệ thuật truyền thống này tại Học viện. Em mong muốn sau này được truyền đạt cho các bạn đồng tật như mình, được chia sẻ những kinh nghiệm và trải nghiệm quý báu mà mình may mắn gặt hái được từ đó. Mong muốn được lan tỏa tinh thần nghị lực sống cho mọi người với kim chỉ nam “Tàn nhưng không phế”, em luôn muốn cống hiến, muốn được làm việc chăm chỉ như bao người sáng khác. Nắm bắt được nguyện vọng yêu thích của em, Hội Khuyến học phường Phương Mai thường xuyên quan tâm, động viên giúp đỡ kịp thời. Năm nào em cũng nhận được suất học bổng của Hội khuyến học và quà của Quận Hội Đống Đa giành cho học sinh giỏi vượt lên số phận. Năm 2021, hưởng ứng cuộc vận động của Hội Khuyến học Quận, hội khuyến học phường đã chọn em và tìm được nhà tài trợ hảo tâm trao suất học bổng 300.000đ/tháng cho em với kì vọng An Như sẽ trở thành giảng viên âm nhạc, dạy cho các bạn đồng tật hay các bạn sáng khác có chung niềm đam mê sở thích.
Trong những năm đi học, từ mái trường THCS Nguyễn Đình Chiểu thân thương cho đến trường PHTH Nguyễn Văn Tố, hay HVANQGVN em liên tục đạt học sinh tiên tiến, học sinh giỏi và học sinh giỏi xuất sắc, cùng gặt hái được những học bổng của TOYOTA, của Đức hay học bổng Odon Vallet (Pháp). Do luôn nỗ lực cùng với đam mê nghề, An Như còn hát ca trù, với giọng hát trẻ trung, khúc chiết, truyền cảm tại CLB ca trù Thăng Long. Ngoài niềm đam mê dành cho âm nhạc, một lần nữa em lại thử sức trong nghệ thuật khiêu vũ. Em tham gia cuộc thi khiêu vũ dành cho người khiếm thị với tên gọi
“Bước nhảy xóa mọi khoảng cách”. Cuộc thi quy tụ hơn 50 thí sinh đến từ các quận hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. An Như đã cùng với các học viên chăm chỉ luyện tập suốt bốn tháng với mong muốn mang đến những màn trình diễn đặc sắc, những điệu nhảy điêu luyện cho người xem. Cũng chính trong cuộc thi này An Như đã đoạt: 2 HC đồng, 1 HC Bạc và 1 HC Vàng. Chúng ta kỳ vọng ở em sẽ có thành tích cao hơn trong cuộc thi giành cho các vũ công khiếm thị được biểu diễn tại Paragames 11 sẽ được tổ chức tại Việt Nam.
Cho dù không nhìn thấy ánh sáng, đôi mắt của em chính là tâm trong trẻo và em đã nhìn đời bằng tâm hồn ấy, làm duyên với đời bằng chính tình yêu và đam mê của mình. Những tia sáng trong em rồi sẽ được tiếp tục thắp lên bằng những đam mê không bao giờ ngừng nghỉ. Và giai điệu ánh sáng trong trái tim của em cũng sẽ viết lên bản tình ca đẹp nhất cho cuộc đời mình. Con đường phía trước với em còn rất nhiều khó khăn song chúng tôi tin thứ ánh sáng kỳ diệu mà âm nhạc đã đến trong tâm hồn em sẽ dẫn lối em đến và đạt tới những ước mơ mà em khao khát. Trong thời gian tới chúc em đạt kết quả cao nhất có thể trong 3 kỳ thi liên tiếp: TNTHPT; Tốt nghiệp Hệ Trung cấp 6/6 khoa biểu diễn nhạc cụ TTVN và đạt kết quả tuyệt vời nữa trong cuộc thi vào Đại Học của HVANQG VN. Một lần nữa cầu mong sức khỏe, bình an luôn bên An Như và những người bạn của mình. Mọi hoạt động cùng những thanh âm của cuộc sống vẫn từng bước nhịp nhàng, len lỏi như nguồn năng lượng sống không bao giờ tắt, đều đến từ cảm nhận của trái tim và hãy để cho trái tim khiêu vũ!
HỒ NGUYỆT
Chủ tịch HKH phường Phương Mai,
quận Đống Đa, Hà Nội
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền