Danh Mục Chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 102


Hôm nayHôm nay : 2937

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 212585

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22368013

Liên Kết

Tuyển sinh 2014
Báo Dân Trí
Bộ Giáo Dục - Đào Tạo
Mạng Giáo Dục Edu Net
Học Mãi
Hội Khuyến Học Việt Nam
Sở Giáo Dục & Đào Tạo Hà Nội

Trang nhất » Tin Tức » Sổ Tay Khuyến Học - Tin tức

HỘI NGƯỜI CAO TUỔI PHƯỜNG YÊN HOÀ XÂY DỰNG DÒNG HỌ KHUYẾN HỌC

Thứ hai - 22/12/2014 19:16
Yên Hoà là một làng cổ có lịch sử ngàn năm trên với đất Thăng Long. Cùng với việc kiến tạo làng xóm, quê hương, an cư lạc nghiệp, người Yên Hoà đã sớm biết chăm lo việc nâng cao dân trí bằng con đường học hành, khoa cử để tuyển chọn người tài ra gánh vác việc nước. Coi đây là một trong những việc trọng đại của làng xã. Có Quan văn chưởng chăm nom việc học, có Văn chỉ để thờ đạo học, có Độc thư điền (ruộng học) để biếu người đỗ đạt. Yên Hoà có tới 20/25 Tiến sĩ thời phong kiến thuộc các xã của quận Cầu Giấy ngày nay được ghi danh ở bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Điển hình có cụ Hoàng Quán Chi đỗ Đệ nhất giáp - Khoa Thái học sinh năm 1393, làm quan tới chức Thượng thư, người mở đầu cho nền khoa cử của huyện Từ Liêm xưa. Cụ Nguyễn Quang Minh đỗ Tiến sĩ năm 1400, cùng khoa thi với danh nhân Nguyễn Trãi, làm quan tới chức Nội thị hành khiển. Cụ Nguyễn Như Uyên đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ, xuất thân năm 1496 làm quan tới chức Lại Bộ thượng thư Trưởng Lục bộ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, sau được phong Thái Bảo liêm quận công. Ở Thượng Yên Quyết có gia đình cụ Đỗ Văn Tổng cùng hai con là Đỗ Văn Luận, Đỗ Công Toàn đều đỗ Tiến sĩ… Yên Hoà còn có gần 50 vị đỗ Hương cống, đỗ Tam tứ trường và hàng trăm Tú tài được bổ nhiệm giữ nhiều trọng trách của Nhà nước.
Kỷ niệm 10 năm (2002-2012) thành lập Hội khuyến học phường Yên Hòa

Kỷ niệm 10 năm (2002-2012) thành lập Hội khuyến học phường Yên Hòa

     Thời phong kiến, Yên Hoà có hai làng khoa bảng Thượng Yên Quyết và Hạ Yên Quyết. Trong đó Hạ Yên Quyết là một trong 20 làng khoa bảng điển hình của cả nước. Yên Hoà còn là một trong “Tứ danh hương”: Mỗ - La – Canh - Cót của đất Thăng Long xưa. Truyền thống hiếu học này của Yên Hoà đã được Hội khuyến học kết hợp với Hội Người cao tuổi tìm hiểu và khơi dậy. Truyền thống đó ngày nay vẫn đang được giữ vững và phát huy. Lãnh đạo, chính quyền phường Yên Hoà đã có kế hoạch tuyên truyền rộng rãi, mạnh mẽ trong nhân dân để mỗi người dân Yên Hoà đều biết được, tăng thêm niềm tự hào và quyết tâm gìn giữ, phát huy, trở thành phong trào bền vững trong những năm tới.
     Phát huy truyền thống hiếu học đất “Tứ danh hương” của quê hương Yên Hoà, Hội NCT đã phối hợp với Hội Khuyến học và các đoàn thể trong phường chăm lo giáo dục thế hệ trẻ, giúp các cháu rèn đức, luyện tài để trở thành người công dân có ích cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giầu đẹp. Hội NCT Yên Hoà có trên 150 hội viên các chi hội tham gia công tác khuyến học ở các tổ dân phố. Các chi hội đã tổ chức các hoạt động hè, Tết 1/6, Tết Trung thu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng. Hội đã chỉ đạo các chi hội tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi các cấp nhân dịp hè hàng năm. Đã tổ chức quyên góp xây dựng Quĩ khuyến học hàng trăm triệu đồng. Tiêu biểu như cụ Quản Huy Cảnh - Chi hội trưởng Chi hội 12, trong 5 năm qua đã ủng hộ quĩ 54 triệu đồng. Nhiều gia đình có con cháu học giỏi, thành đạt như gia đình ông Ngô Đức Hiệt (Chi hội 17) có 3 người con, 2 người đỗ đại học, 1 người là Thạc sĩ Y khoa. Gia đình ông Phan Huy Huynh có 3 người con đều được nhận học bổng và đang theo học tiến sĩ ở nước ngoài.
 
 

Ông Lưu Trường Ca - Uỷ viên BCH Hội NCT phường Yên Hoà  tham luận
     Trong chương trình công tác hàng năm, Hội NCT Yên Hoà luôn đề cao công tác khuyến học. Tại các hội nghị sơ kết cống tác 6 tháng đầu năm, cuối năm, Ban thường vụ Hội đã quán triệt, đôn đốc các Chi hội trưởng NCT ở các Tổ dân phố, cụm dân cư khuyến khích, động viên các hội viên NCT nêu cao vai trò tuổi cao gương sáng,  vận động gia đình, con cháu chăm chỉ học hành, có chí tiến thủ, vươn lên trong học tập, công tác. Đồng thời tích cực đóng góp vào Quĩ khuyến học của Chi hội, của Hội phường, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh các hoạt động trong phong trào khuyến học của phường. Việc làm của các cụ đã được lãnh đạo cơ sở và bà con hoan nghênh.
     Trên cơ sở truyền thống địa phương, để đẩy mạnh các hoạt động khuyến học phải phát triển các Chi hội khuyến học ở 3 đối tượng vận động: Trường học; cụm dân cư và dòng họ.
     Đối với dòng họ: Với truyền thống của dân tộc ta, mối liên kết về huyết thống trong gia đình, dòng họ rất được coi trọng, là chỗ dựa tình cảm của mỗi con người, mỗi dòng họ. Có những qui ước mà mọi người trong dòng họ đều phải tuân theo. Ở Yên Hoà, từ trước năm 2000, khi Hội khuyến học phường chưa được thành lập để quan tâm đến tương lai của con cháu, một số dòng họ đã có hoạt động khuyến học như họ Trần, họ Nguyễn Quang, họ Kim… Truyền thống của địa phương cũng là truyền thống của các dòng họ lâu đời ở phường. BCH Hội khuyến học đã gặp các cụ trưởng họ, những người có uy tín trong họ, kể cả các đồng chí cán bộ đang công tác tại phường trao đổi về tôn chỉ mục đích của Hội khuyến học, về truyền thống của địa phương, của dòng họ, về nội dung công tác khuyến học, động viên và đề nghị các vị trưởng họ đó thuyết phục bà con họ tộc để thành lập Ban khuyến học của dòng họ. Thấy được sự khuyến học có tác tác dụng trực tiếp đến con cháu mình, nhằm động viên con cháu trong gia đình, dòng tộc cố gắng học tập, chuẩn bị tốt cho tương lai. Đó cũng là điều kiện gắn kết, giúp đỡ nhau hơn trong dòng tộc nên nhiều dòng họ đã hưởng ứng, thành lập Ban khuyến học dòng họ, bầu Ban chấp hành và ra qui chế hoạt động.
Từ 3 chi hội khuyến học dòng họ ban đầu, qua quá trình vận động các chi hội khuyến học dòng họ dần dần được thành lập. Đến nay, phường Yên Hoà đã có 14 chi hội khuyến học dòng họ. Trong đó, Thượng Yên Quyết có 4 chi hội, Hạ Yên Quyết có 10 chi hội. Ngày hội khuyến học của dòng họ thường được tổ chức ở nhà thờ họ hoặc trước ban thờ Tổ, trước anh linh, tổ tiên ông cha. Người dân Yên Hoà ngày nay đã rất chú ý đến việc sửa sang nhà thờ họ, tu sửa mộ cổ, từ đường… làm nơi thờ cúng, ghi danh và tôn vinh, khen thưởng các con, cháu học hành đỗ đạt từ học sinh phổ thông đến đại học, cao học, tiến sĩ, giáo sư. Trong Lễ tế tổ, truyền thống của các dòng họ qua các đời được trang trọng nhắc lại. Khẩu hiệu: “Noi gương truyền thống tổ tiên, con cháu quyết tâm học giỏi, chăm ngoan” đã luôn động viên con cháu tiếp bước cha ông, giữ vững truyền thống, nét đẹp của gia tộc, dòng họ. Các dòng họ còn đua nhau làm việc thiện, đóng góp xây dựng đình chùa, công trình phúc lợi công cộng, tôn tạo, giữ gìn di tích lịch sử - văn hoá, gương mẫu thực hiện hương ước, các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ cụ thể của địa phương, tích cực phòng chống các tệ nạn xã hội.
     Các chi hội khuyến học dòng họ đã coi trọng việc tuyên truyền, phát triển hội viên, vận động quĩ khuyến học, đăng ký gia đình hiếu học. Ngoài việc khen thưởng, động viên con cháu trong dòng họ có thành tích về học tập, có chi hội đã trợ cấp các cháu có khó khăn. Đối với các CHKH dòng họ, việc vận động quĩ nói chung là thuận lợi. Nhiều các cụ, các ông bà trong dòng họ ủng hộ quĩ khuyến học rất tích cực với số tiền lớn. Điển hình như cụ Quản Huy Cảnh, Trần Nhật Quang, Nguyễn Trung Thanh, Nguyễn Minh Thước, Nguyễn Văn Sơn… đã ủng hộ CHKH của dòng họ từ 10 đến 50 triệu đồng.
     Sự thành công ở đây là trên dưới đồng lòng, tiếng nói của các cụ NCT có hiệu lực cao, vì NCT thường đóng vai trò chủ chốt trong gia đình, dòng họ. Các cụ là tấm gương sáng về học tập, công tác, đối nhân xử thế, chấp hành chính sách, luật pháp của Đảng và Nhà nước, là tấm gương về lối sống, nếp sống văn hoá, là lực lượng quan trọng phát huy trí tuệ, tiềm năng xây dựng cộng đồng. Nghe theo các cụ, các dòng họ hiếu học ở Yên Hoà mỗi chi hội một vẻ, đã tạo nên sự phong phú của phong trào này.
Dòng họ Nguyễn Vân Sơn nhắc nhở con cháu làm theo tám điều “Tộc ước”từ xa xưa tổ tiên để lại. Các vị đỗ Tiến sĩ thì thưởng chữ “Nguyễn”, các vị đỗ Thạc sĩ được thưởng chữ “phúc”. Lễ trao tặng có ý nghĩa này được tiến hành long trọng trong Ngày hội khuyến học  của dòng họ trước sự chứng kiến của toàn gia tộc. Dòng họ Hoàng với cụ tổ Hoàng Quán Chi, là người mở đầu cho nền khoa bảng của Yên Hoà. Theo thống kê chưa đầy đủ, họ Hoàng Hạ Yên Quyết hiện có 5 giáo sư, 12 tiến sĩ, 15 thạc sĩ và hơn 100 cử nhân. Điển hình có bà Hoàng Xuân Sính là nữ TS toán học đầu tiên của cả nước, Hoàng Xuân Sáng là TS vật lý không gian vũ trụ…Dòng họ Nguyễn Như có 5 TS được ghi danh ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nhiều gia đình hiếu học được tôn vinh, con cháu đạt thành tích cao trong học tập ngày càng nhiều, nhiều cháu đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Dòng họ Nguyễn Giáp Hạ ở Thượng Yên Quyết còn vận động cac gia đình bên ngoại tham gia. Ngày hội khuyến học tổ chức đông vui, con cháu nội ngoại phấn khởi hứa hẹn tích cực phấn đấu, học tập. Dòng họ Doãn có nhiều TS trên các lĩnh vực. Nhạc sĩ Doãn Nho là niềm tự hào của dòng họ. Đặc biệt có gia đình ba anh em ruột đều là tiến sĩ: TS KTS Doãn Minh Khôi, TS Doãn Minh Tâm (Viện trưởng Viện KT giao thông), TS Doãn Minh Trung (Viện trưởng Viện Vật lý)…
     Với tinh thần thi đua Tuổi cao gương sáng, các hội viên NCT Yên Hoà đã gần như loại trừ được tư tưởng cục bộ, thủ cựu, không phân biệt dân ngụ cư với chính cư trong công tác khuyến học. Việc làm của các dòng họ khuyến học có truyền thống đã có sức lan toả, thuyết phục đến cộng đồng dân cư cả cũ cả mới trên địa bàn. Không những thế, còn có khả năng tác động đến các địa phương khác, đến  các cán bộ hưu trí, cán bộ cao cấp mới về sinh sống tại Yên Hoà. Với Yên Hoà, không có sự phân biệt, khoảng cách giữa các địa vực cư trú. NCT Yên Hoà đã kết hợp hài hoà, gắn kết giữa khu đô thị mới và làng xóm cũ đã tồn tại ngàn xưa. Để hoà nhịp vào cuộc sống cộng đồng, bồi dưỡng niềm tin, lòng tự hào vào truyền thống quê hương, lãnh đạo, chính quyền và người dân Yên Hoà đã biết dựa vào Hội NCT của phường, phát huy tiềm năng, bản lĩnh của các bác các cụ để xây dựng phong trào khuyến học ngày càng phát triển, bền vững.
     Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng khuyến học dòng họ ở Yên Hoà còn một số hạn chế, khó khăn. Một số dòng họ ở phường chưa lập CHKH dòng họ.  Nguyên nhân là trong họ chưa thống nhất. Có ý kiến cho rằng cứ khen thưởng động viên riêng trong dòng họ mà không cần hoà chung vào phong trào của phường, của quận. Một số dòng họ có Ban khuyến học thành lập và hoạt động từ lâu, các cụ trong BCH chi hội rất nhiệt tình, tâm huyết, nhất là cụ Chi hội trưởng, nhưng nay đã già yếu, lực lượng kế cận còn hạn chế nên phong trào có giảm sút ít nhiều. Ở đây, một lần nữa cho thấy một điều: xây dựng Chi hội khuyến học dòng họ phải dựa vào NCT. Và NCT phải phát huy trách nhiệm của mình, thúc đẩy phong trào hoạt động khuyến học nói chung và khuyến học dòng họ nói riêng.
     Trong những năm tới, Hội NCT sẽ kết hợp chặt chẽ với Hội khuyến học, cố gắng xây dựng những nội dung mới và tìm ra những giải pháp khả thi hơn, xây dựng những mô hình mới về tổ chức khuyến học dòng họ, xây dựng Yên Hoà thành điểm sáng về khuyến học, trong đó NCT sẽ đóng góp phần thích đáng của mình.
 
                                                                                                    LƯU TRƯỜNG CA
                                                                                               Uỷ viên BCH Hội NCT phường Yên Hoà


Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá về website này như thế nào?

Đẹp và dễ sử dụng

Đẹp nhưng khó sử dụng

Bình thường

Không đẹp

Giới thiệu

Tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam

  1. Tôn chỉ, mục đích Hội Khuyến học Việt Nam là tổ chức xã hội của mọi công dân và tổ chức Việt Nam tâm huyết với sự nghiệp "trồng người góp sức phấn đấu cho phong trào " toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục", "cả nước trở thành một xã hội học tập" nhằm nâng cao dân trí, đào tạo...

trung tam dạy tốt Luyện thi đại học