Danh Mục Chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 22

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 21


Hôm nayHôm nay : 4891

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 229381

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 21980556

Liên Kết

Tuyển sinh 2014
Báo Dân Trí
Bộ Giáo Dục - Đào Tạo
Mạng Giáo Dục Edu Net
Học Mãi
Hội Khuyến Học Việt Nam
Sở Giáo Dục & Đào Tạo Hà Nội

Trang nhất » Tin Tức » Sổ Tay Khuyến Học - Tin tức

BÁC HỒ VỚI BÀI CA KẾT ĐOÀN

Chủ nhật - 24/10/2021 09:12
Đoàn kết là một giá trị truyền thống vô cùng quý báu, được hình thành và kết tinh từ chính thực tiễn đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta suốt mấy ngàn năm lịch sử. Ông cha xưa từng dạy: “Một cây làm chẳng nên non / Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” hoặc “Thuận vợ thuận chồng, biển Đông tát cạn / Thuận bạn thuận bè tát cạn biển Đông” v.v…Truyền thống đó được Đảng và Nhà nước ta mà tiêu biểu và khởi đầu là Chủ tich Hồ Chí Minh kế thừa, gìn giữ, phát huy, nâng lên một tầm cao mới, trong thời đại mới. Nhờ đó, dân tộc ta đã lần lượt chiến thắng mọi kẻ xâm lược, đã và đang xây dựng thành công một nước Việt Nam kiểu mới, hướng tới mục tiêu: Dân giàu - Nước mạnh - Dân chủ - Công bằng - Văn minh.
Bác Hồ bắt nhịp bài ca "Kết đoàn" - Ảnh Lâm Hông Long

Bác Hồ bắt nhịp bài ca "Kết đoàn" - Ảnh Lâm Hông Long

      “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”- đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế là tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam và chính Người là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết vĩ đại đó. Nói riêng về Đoàn kết toàn dân tộc, tư tưởng của Người đã đi vào thực tiễn cách mạng Việt Nam bằng nhiều hình thức, nhiều con đường vô cùng sáng tạo, sinh động: tập hợp quần chúng trong các tổ chức mặt trận, các hội, đoàn thể dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng; tuyên truyền qua lời nói trực tiếp, qua báo chí, dùng thơ ca, nghệ thuật để vận động toàn dân đoàn kết vì mục tiêu giải phóng dân tộc, dựng xây đất nước v.v… Trong bài thơ “Mười chính sách của Việt Minh”, sau nội dung tuyên truyền đánh giặc Tây, giặc Nhật và quyền lợi của các tầng lớp nhân dân khi đất nước độc lập, Người đã tổng kết: “Xin ai nên nhớ chữ đồng / Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Báo “Việt Nam độc lập” số 103, ngày 21/8/1941 có bức tranh cổ động được Bác Hồ đề thơ kêu gọi toàn dân đoàn kết:  “Việt Nam Độc Lập thổi kèn loa/ Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già/ Đoàn kết vững bền như khối sắt/ Để cùng nhau cứu nước Nam ta”  v.v…
      Theo số liệu thống kê, trong 1.921 bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có tới 839 bài đề cập đến vấn đề đoàn kết thống nhất và có tới 1.809 lần Người dùng từ “đoàn kết”, “đại đoàn kết”. Trong Di chúc, với gần  20 dòng nói về Đảng nhưng đã có tới 5 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến “đoàn kết”. Người khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” (1). Giáo sư Trần Văn Giàu đã khẳng định: “ Đến cụ Hồ thì đại đoàn kết được xây dựng trên cả lý luận chứ không còn đơn thuần là tình cảm tự nhiên của người trong một nước phải thương nhau cùng” nữa (2).
      Là một Lãnh tụ xuất sắc, đồng thời là một Nhà Văn hóa kiệt xuất,  ở Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự hòa quyện tuyệt vời giữa con người chính trị và con người nghệ sĩ. Hiểu sâu sắc sức mạnh của văn chương – nghệ thuật, Người đã khéo léo sử dụng nó để tuyên truyền, giáo dục, tập hợp quần chúng, tạo nên lực lượng  vĩ đại cho cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.  Một trong những biểu hiện sinh động đó là việc Người yêu thích và  luôn nhắc đến bài hát “Kết đoàn” trong mọi lúc, mọi nơi, khi có dịp gặp gỡ các tầng lớp nhân dân. Đây là một trong những ca khúc đã đi vào quần chúng Việt Nam suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã góp phần tạo nên dấu ấn không thể phai nhòa trong nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh.
      Kết đoàn” vốn là một  bài hát dùng trong phần kết thúc một vở kịch cách mạng Trung Quốc được diễn trong thời ký kháng Nhật cứu nước. Nguyên gốc bài hát có tên “Đoàn kết tựu sự lực lượng”(đoàn kết là sức mạnh), được sáng tác năm 1943, nhạc của Lư Túc, lời của Mục Hồng.
     Sau thắng lợi của chiến dịch Biên giới (tháng 10/ 1950), con đường liên hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc được khai thông, qua đó bạn bè quốc tế, nhất là Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN gửi nhiều hàng viện trợ cho cuộc kháng chiến của Việt Nam. Cùng với vũ khí, thuốc men, nhu yếu phẩm là sách báo giới thiệu văn hóa và đời sống của các nước anh em, trong đó có nhiều bản nhạc, bài hát. Để kịp thời tuyên truyền cho dân chúng, phục vụ kháng chiến, nhiều bài hát nước ngoài nói trên đã được các nhạc sĩ chuyển ngữ sang lời Việt mà người thành công nhất trong công việc này là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Một trong những ca khúc tiêu biểu đó là bài “Kết đoàn” với nội dung được phỏng dịch như sau:
        “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là sức mạnh/ Sức mạnh này là sắt, sức mạnh này là gang/ So với sắt còn cứng hơn, so với gang còn mạnh hơn/ Nhằm vào phát xít đế quốc mà bắn/ Cho tất cả chế độ không dân chủ phải chết/ Hướng tới mặt trời, hướng tới tự do/ Hướng tới Trung Quốc mới tỏa ra hào quang muôn trượng.”      
        Từ một bản nhạc số của Trung Quốc, Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã chuyển sang ký âm quốc tế  và phỏng dịch sang lời Việt, giữ được nội dung bài hát mà vẫn phù hợp với tiếng Việt giàu thanh điệu. Các nhà chuyên môn cho rằng, so với bản nhạc gốc, Lưư Hữu Phước có sửa đôi chỗ về cao độ, trường độ để phù hợp với quãng trong âm nhạc Việt, thêm nốt luyến láy cho gần gũi với cách hát của người Việt Nam. Sự tiếp nhận có sáng tạo của nhạc sĩ làm  cho  bài hát tiếng Việt tươi tắn, dễ hát, dễ thuộc, nội dung mang ý nghĩa khái quát  hơn mà vẫn toát lên tinh thần cốt yếu của nó là  phải đoàn kết, đoàn kết  mới tạo thành sức mạnh. 
   Bài hát được nhạc sĩ Lưu Hữu phước đặt tên ngắn gọn là “Kết đoàn” : “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh/ Kết đoàn chúng ta là sắt gang/ Đoàn kết ta bền vững/ Dù sắt hay là gang, mà sắt với gang còn kém bền vững/ Chúng ta thề phá tan quân thù thực dân đế quốc sài lang với phe phản động ta đập tan hoang/ Tiến tiến mau mau kìa tự do đang reo vờn  trong ánh dương xây đời mới trong dân chủ mới.”
        Bài ca “Kết đoàn” là một trong những ca khúc nước ngoài được Việt Nam hóa thành công nhất trong âm nhạc cách mạng nước ta. Ngay khi xuất hiện, nó đã nhanh chóng được đông đảo quần chúng trong các vùng kháng chiến tiếp nhận. Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Bác Hồ và Mặt trận Việt Minh càng có điều kiện lan tỏa sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân. Chính vì thế, ca khúc này được Bác Hồ sử dụng thường xuyên khi mở đầu hoặc kết thúc các cuộc hội họp, mít tinh, khi tiếp xúc với nhân dân. Dần dần, hát “Kết đoàn” trở thành một thông lệ, một nhu cầu tự nhiên của tất cả mọi người trong các buổi sinh hoạt của các đoàn thể kháng chiến, thanh niên, phụ nữ, thiếu niên – nhi đồng,  phụ lão, bộ đội, du kích v.v…Sau 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng,  bài ca “Kết đoàn” vẫn tiếp tục vang lên trong các trường học, cơ quan, xí nghiệp, đơn vị bộ đội  như lời nhắc nhở toàn dân đoàn kết để xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
        Bài ca “Kết đoàn” còn tạo nên một kỷ niệm “độc nhất vô nhị” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, với toàn dân tộc và bạn quốc tế trong một dịp đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội  cách đây gần 60 năm. Đó là vào tháng 9 năm 1960, Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại Hà Nội (từ ngày 5 - 10/9/1960). Đây là lần đầu tiên Đại hội Đảng toàn quốc được tổ chức tại Thủ Đô với ý nghĩa vô cùng trọng đại như diễn văn khai mạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đại hội lần này là Đại hội  xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà” (3). Ngoài đại biểu trong nước, Đại hội còn đón gần 20 đoàn đại biểu quốc tế đến dự.  Trong bàu không khí náo nức đó, Bộ Văn hóa cùng thành phố Hà Nội tổ chức Dạ hội Chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III vào tối 3/9/1960 tại công viên Bách Thảo. Tham gia Dạ hội gồm nhiều đoàn nghệ thuật, nhiều đơn vị, biểu diễn tại nhiều sân khấu trong công viên với sự hào hứng chờ đón của đông đảo nhân dân. Tâm điểm của Dạ hội là  Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam gồm 114 nhạc công cùng với dàn hợp xướng  800 người, tập hợp từ phong trào ca hát quần chúng của thanh niên, công nhân các cơ quan, xí nghiệp và  sinh viên  nhiều trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội. Đây là dàn đại hợp xướng chưa từng có của Việt Nam tính đến thời điểm đó. NSUT Phan Phúc, một trong những nghệ sĩ Violin hàng đầu của Việt Nam  khi đó là Trưởng dàn nhạc kể lại rằng: khoảng gần 20h, sắp sửa biểu diễn, ông đang chuẩn bị soạn tổng phổ, đũa chỉ huy để lên giá nhạc cho Nhạc Trưởng Nguyễn Hữu Hiếu thì bất ngờ, Bác Hồ cùng nhiều vị khách quốc tế xuất hiện. Quá sửng sốt và vui mừng, song tất cả đều rất lúng túng chưa biết xử trí ra sao…Ông kể:  “Bác Hồ bảo tôi ngồi xuống, rồi hỏi lớn mọi người: “Các cháu có biết bài Kết đoàn không?”. Nhiều người đồng thanh: Thưa Bác có ạ! Sau đó Bác đứng lên bục chỉ huy và cầm chiếc đũa mà tôi đã để sẵn trước đó. Tôi vội đứng lên và nói lớn với dàn nhạc: Chúng ta cùng chơi “ton” đô. Rồi dưới đũa chỉ huy của Bác, bài Kết đoàn vang lên, dàn đại hợp xướng 800 người hòa cùng dàn nhạc giao hưởng 114 người nhịp nhàng, hùng hồn. Mọi người cùng hát và đàn 1 lần bài Kết đoàn thì kết thúc. Sau đó Bác và các vị khách nước ngoài tiếp tục đi qua các sân khấu khác trong công viên Bách Thảo. Chúng tôi lặng yên ngồi nhìn theo cho đến khi không còn thấy Bác nữa, mọi người như sực tỉnh và chuẩn bị cho chương trình biểu diễn chính thức ở sân khấu của mình” (4).
     Không chỉ các nghệ sĩ ngỡ ngàng mà các vị khách quốc tế và những người có mặt hôm đó đều bất ngờ… Hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, phát biểu trong các đại hội, hội nghị hoặc nói chuyện với nhân dân đã trở nên rất quen thuộc với tất cả mọi người, nhưng một Lãnh tụ tối cao như Bác Hồ cầm đũa chỉ huy dàn nhạc, dàn đại hợp xướng thì ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Cảm xúc sung sướng, tự hào dường như còn vẹn nguyên trong ký ức của nhiều người có may mắn, trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia chương trình biểu diễn tối hôm đó. Nhạc sĩ Trọng Long ( Hội viên Hội Nhạc sĩ Hà Nội), Nhạc sĩ, NGƯT Đoàn phi Liệt ( nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) là hai thành viên trong dàn Đại hợp xướng tối hôm đó vẫn luôn phấn chấn tự hào khi nhắc đến kỷ niệm được hát “Kết đoàn” dưới đũa chỉ huy của Bác Hồ. Ở độ tuổi ngoài 80, với bao thăng trầm của cuộc đời, kể lại sự kiện này, NS.Trọng Long vẫn rưng rưng: “ khi ấy tôi hát bè basse trong dàn hợp xướng, xúc động lắm, tự hào lắm …”.
     Sự kiện này được Nhà Báo Lâm Hồng Long, tay máy kỳ cựu của Thông tấn xã Việt Nam ghi lại trong bức ảnh nổi tiếng: “Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn”. Với kinh nghiệm nhiều năm được làm nhiệm vụ chụp ảnh Bác, bằng linh cảm nghề nghiệp và lòng kính yêu đối với Lãnh tụ, nhà báo Lâm Hồng Long là người duy nhất chớp được khoảnh khắc quý giá: đang cầm đũa chỉ huy dàn nhạc, khi bài hát sắp kết thúc, Bác Hồ xoay người, hướng ánh nhìn về phía khán giả với hậu cảnh là cả dàn nhạc đang say sưa trình  diễn. Bức ảnh “Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn” là một tác phẩm ảnh có tính lịch sử trọng đại, giàu giá trị nhân văn, vừa đảm bảo tính thời sự của Ảnh Báo chí vừa mang tính nghệ thuật cao. Hình ảnh Bác Hồ mặc áo lụa sáng, tay cầm đũa chỉ huy dàn nhạc, chân đi dép cao su, gương mặt hướng về phía công chúng nổi bật trên một phông nền sẫm. Gương mặt rạng rỡ của các nhạc công cho thấy niềm vui và sự hào hứng trình diễn của họ. Rất dễ nhận ra hai gương mặt nổi bật của NSƯT Phan Phúc (trưởng dàn nhạc, ngồi phía trái, ngay sau lưng Bác) và nghệ sĩ Nguyễn Xuân Hòa - hai  nhạc công violin ngồi hàng đầu tiên và gần Bác nhất, cả hai đang tươi cười, vừa kéo đàn vừa nhìn Bác. Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Chu Chí Thành – nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã đánh giá “Bức ảnh có bố cục chặt chẽ, vừa có tính khái quát cao vừa có những chi tiết sinh động, làm nổi bật chân dung vị Lãnh tụ vĩ đại mà vô cùng giản dị, ung dung tự tại…Bức ảnh là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc”. Năm 1996, Nhà Báo Lâm Hồng Long được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với hai tác phẩm ảnh tiêu biểu: “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” và “Mẹ con ngày gặp mặt.”
         Hình ảnh Bác Hồ bắt nhịp cho dàn nhạc biểu diễn và hình tượng Bác Hồ trong tác phẩm “Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn” không chỉ cho thấy  chân dung hiếm có của một Lãnh tụ vĩ đại - không chỉ có tư duy chính trị sắc bén mà còn có một tâm hồn nghệ sĩ; Không chỉ là người chỉ huy dàn nhạc, vượt lên trên ý nghĩa cụ thể đó – Người là vị Nhạc trưởng vĩ đại dẫn dắt, liên kết toàn dân tộc thành một khối thống nhất trong sự nghiệp giải phóng và dựng xây đất nước. Với sự kiện trọng đại diễn ra trong Dạ hội Âm nhạc tối 3/9/1960 nói trên, ngành Âm nhạc Việt Nam đã đề xuất một ý tưởng về ngày này và được Nhà nước chấp nhận. Ngày 26/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 3 tháng 9 hàng năm là "Ngày Âm nhạc Việt Nam".  Hiện nay, chiếc đũa nhạc trưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng để bắt nhịp bài ca “Kết đoàn” được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
        Với các nghệ sĩ Việt Nam, Bác Hồ là  nguồn cảm hứng vô tận cho Văn học – Nghệ thuật. Hình ảnh Bác Hồ với bài ca “Kết đoàn” còn đi vào nhiều tác phẩm văn, thơ, âm nhạc của nhiều thế hệ nghệ sĩ Việt Nam. Nhạc sĩ Lê Lôi có một ca khúc viết cho thiếu nhi: “Bác chỉ huy dàn nhạc”, nhà thơ Hải Như viết bài thơ “Bài hát Bác hay hát” đã được Nguyễn Hữu Ba phổ nhạc…Nhạc sĩ, NSND Cao Việt Bách với ca khúc nổi tiếng  “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” ( Nhạc: Cao Viêt Bách, lời Đăng Trung và Cao Việt Bách) đã khắc họa sâu sắc tình cảm của nhân dân đối với Bác, ghi nhớ mãi hình ảnh Bác với bài ca “Kết đoàn”: “ Từ thành phố này Người đã ra đi / Bao năm ước mong đón Bác trở về/ Trong chiến dịch này Bác đã cùng về với những đoàn quân/ Bác vẫn đến từng nhà, thăm các cụ già, cầm tay chúng con, Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn…”.
       Hàng năm, mỗi dịp 30 tháng Tư, 19 tháng Năm, lòng mỗi người dân Việt Nam lại xốn xang nhớ Bác, khắc ghi mãi hình ảnh của Bác với bài ca “Kết đoàn”. Đó là  biểu tượng vĩnh hằng về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh tạo nên mọi vinh quang và chiến thắng của dân tộc ta !   


PGS.TS. LƯƠNG QUỲNH KHUÊ
         Chi hội Khuyến học số 9 Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy   
      

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá về website này như thế nào?

Đẹp và dễ sử dụng

Đẹp nhưng khó sử dụng

Bình thường

Không đẹp

Giới thiệu

Tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam

  1. Tôn chỉ, mục đích Hội Khuyến học Việt Nam là tổ chức xã hội của mọi công dân và tổ chức Việt Nam tâm huyết với sự nghiệp "trồng người góp sức phấn đấu cho phong trào " toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục", "cả nước trở thành một xã hội học tập" nhằm nâng cao dân trí, đào tạo...

trung tam dạy tốt Luyện thi đại học