Trong bài viết “Học tập suốt đời”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận xét: “Bên cạnh kết quả, thực hiện chủ trương học tập suốt đời vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đào tạo, bồi dưỡng còn chạy theo số lượng mà chưa thực sự chú trọng tới chất lượng; việc tự học, thực học và học tập suốt đời của đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa đạt kết quả như mong muốn; còn tình trạng học theo phong trào, sính bằng cấp…”. Đây là vấn đề thời sự đáng suy nghĩ và đến lúc cần phải thay đổi.
Có điều rất lạ và cũng có thể nói bất ngờ, khi lướt trên mạng xã hội như Facebook, có những bài viết của những tên tuổi không quen hoặc chỉ biết danh qua báo chí, song để lại cho mình sự khâm phục, thậm chí cũng là “kênh” giúp mình dung nạp kiến thức. Ví đọc những bài viết trên Facebook Trần Bình Giang (Giáo sư Y khoa - nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức) thấy ngồn ngộn những thông tin hàn lâm về lịch sử thế giới, trong nước cũng như những vấn đề xã hội.
“Học tập suốt đời” theo tư tưởng Hồ Chí Minh Lòng tự hỏi, là chuyên gia Y tế, thời gian đâu Giáo sư đọc, học thêm để có những kiến thức về lịch sử, văn hóa sâu sắc đến vậy? Hay tác giả Phó Đức An (Peter Pho) - một việt kiều Mỹ đang sinh sống ở Hà Nội - “kho kiến thức” chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo đồ sộ đến mức phải ngỡ ngàng. Tiếp xúc mới hay, ngoài kiến thức trong trường, đa số họ đều tự học, tự đọc.
Viết đến đây, đọc kỹ bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm lại nhớ hôm nọ ngồi với một Bác sĩ đang làm nghiên cứu sinh (Tiến sĩ) tâm sự: “Học y đã vất vả, để làm và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ không hề đơn giản. Chưa kể phải làm công tác chuyên môn. Thế mà không hiểu sao, em thấy nhiều người, có khi tuổi đời trên dưới 50 mà có rất nhiều bằng cấp, chưa kể chứng chỉ. Không biết họ học thế nào?”.
Vị Bác sĩ trẻ đặt vấn đề và hỏi, tôi đành trả lời như góp vui câu chuyện rằng: Đôi khi có những lĩnh vực, cấp bậc, thời gian qua chúng ta đang quy định phải có bằng này, học vị (trình độ) kia, văn bằng, chứng chỉ nọ mới đáp ứng đủ điều kiện trong công tác cán bộ (bổ nhiệm). Thế nên, nhiều người đành phải “đi học”; “theo học”. Cạnh đó, cũng không loại trừ một số người thích bằng cấp để “dương oai”.
Nói về học, LêNin nói: ”Học - học nữa; học - học mãi”; Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu căn dặn về việc “Học tập suốt đời”. Vũ trụ thì bao la, kiến thức là vô tận, nếu mỗi chúng ta chỉ yên tâm với tấm bằng chuyên môn mà quên đi cái sự học (trong đó có cả tự học) để dung nạp kiến thức, để dung nạp các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là kỷ nguyên số với sự phát triển như vũ bão về khoa học công nghệ thì cá nhân mình sẽ bị tụt hậu. Cá nhân tụt hậu đồng nghĩa với việc đất nước cũng thụt lùi.
Do đó, “Học tập suốt đời” theo tư tưởng Hồ Chí Minh như trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm là vấn đề có tính sống còn. Tuy nhiên, phải học thật, văn bằng thật, tránh xa tình trạng học theo phong trào, sính bằng cấp thì sẽ cho kết quả ngược lại.
Nguồn tin bài: LÊ HÀ
(Báo LĐTĐ)
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền