Danh Mục Chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 25


Hôm nayHôm nay : 4613

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 214261

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22369689

Liên Kết

Tuyển sinh 2014
Báo Dân Trí
Bộ Giáo Dục - Đào Tạo
Mạng Giáo Dục Edu Net
Học Mãi
Hội Khuyến Học Việt Nam
Sở Giáo Dục & Đào Tạo Hà Nội

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức

Đất và Người ngày ấy....

Thứ hai - 13/02/2012 18:07
Thác Bản Giốc - Cao Bằng

Thác Bản Giốc - Cao Bằng

Những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, lớp lớp thanh niên Hà Nội và các tỉnh miền xuôi sau khi tốt nghiệp đại học đã lên các tỉnh vùng cao công tác. Họ đã mang trí tuệ và tinh thần cống hiến cho sự nghiệp phát triển văn hoá – giáo dục của miền núi. Trang tin Khuyến học Hà Nội xin trân trọng giới thiệu bài tuỳ but của đồng chí Phan Việt Huy – Uỷ viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Hội Khuyến học Hà Nội, nguyên Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, một người đã nhiều năm công tác ở giáo dục Cao Bằng.

                                    Ảnh: Thác Bản Giốc – xã Đàm Thuỷ , Trùng Khánh, Cao Bằng

Phải mất gần hai giờ đồng hồ tôi mới vượt được quãng đường  mười hai cây số từ nội thành đến ga Yên Viên. Dù chỉ có một chiếc vali giấy bồi con con nhẹ tềnh nhưng tôi cũng rất vất vả khi đẩy chiếc xe đạp leo lên, leo xuống bờ đê dốc ngược, vượt  cầu phao Khuyến Lương, rồi lại lên xuống bến phà Cầu Đuống giữa dòng người chen chúc, nối đuôi nhau.
 
           Gặp Công Vĩnh, người bạn đồng môn, cũng là người được phân công lên Cao Bằng, chúng tôi mua vé, gửi xe lên toa chở xe đạp và tìm được chỗ ngồi thì còi tầu rú ba hồi dài báo hiệu sắp  đến giờ tầu chạy. Tám chín  giờ tối mà cả trong tầu  và ngoài ga đều đen mờ, không một ánh đèn. Để tránh máy bay Mỹ ném bom, phải bốn năm giờ chiều mới được qua cầu, phà; còn tầu hoả thì phải chạy vào ban đêm và không được bật đèn.  Chỉ có một số ít hành khách được ngồi trên những băng ghế dài hai bên thành tầu, còn lại thì hầu hết ngồi dưới sàn. Còi tiếp tục rú không biết mấy lần nữa nhưng chắc phải gần một giờ sau mới chuyển bánh.Tiếng tầu gầm rít lao vào khoảng đêm đen để lại Hà Nội phía sau lưng.
 
         Tới ga Lạng Sơn thì trời sáng đã lâu. Tôi và Công Vĩnh vừa đi vừa hỏi đường tìm đến bến xe ôtô. Lên Cao Bằng ngày ấy đều phải đi theo đường số 4 qua Na Sầm, Thất Khê lên Đông Khê, vốn  là con đường  được làm từ thời Pháp. Ôtô chở khách mỗi ngày có một chuyến là loại xe Zin của Liên Xô là loại xe tải có mui bạt, được thiết kế thêm một số ghế gỗ để chở người. Mỗi xe chở chừng hơn ba chục người. Loại xe này gọn mà rất khoẻ và phù hợp với loại đường đá với liên tiếp ổ gà , ổ trâu và cả những khe suối gặp rất nhiều trên con đường này . Hàng ngày số  người đi lại  rất đông: cán bộ, giáo viên, công nhân, bộ đội ... Do vậy, phải đợi chờ, chen chúc, đăng ký, xếp hàng. Đến ngày thứ ba chúng tôi mới mua được vé, nhưng chỉ được một vé người còn vé xe đạp thì không. ( Mấy năm sau, chúng tôi được cấp “ Giấy ưu tiên phát triển văn hoá miền núi” - quen gọi là “giấy xanh” nên không còn phải xếp hàng chờ đợi lâu nữa). Bàn tính mãi, cuối cùng chúng tôi quyết định Công Vĩnh đi ôtô, còn tôi đi xe đạp từ Lạng Sơn lên Cao Bằng bởi lẽ tôi đã quen với chiếc xe Parke vốn đã vài lần gãy cổ phuốc, bị hàn đi hàn lại, còn  đứt “râu tôm” là chuyện vặt xảy ra thường xuyên.
 
        Chiếc vali giấy bồi với hai bộ quần áo, một  áo sợi dệt kim Đông Xuân, chiếc vỏ áo bông xanh tím than, chiếc màn cá nhân và  chăn chiên Nam Định được  Công Vĩnh mang lên ôtô. Tôi chỉ mang theo chiếc túi vải bạt đeo sau xe , trong đó có khăn mặt, bàn chải, bộ đồ chữa xe và một con dao găm. Công Vĩnh rất ái ngại và lo lắng cho tôi khi lần đầu tiên một mình rong ruổi trên chặng đường hơn một trăm năm mươi cây số giữa núi rừng điệp trùng và xa lạ với  những cái tên Na Sầm, Thất Khê, Tràng Định, Đông Khê mới chỉ biết đến qua các trang lịch sử, địa lý. Chia tay nhau, lúc ôtô chạy  Công Vĩnh cứ ngoái cổ ra nhìn lại mãi. Nhưng chỉ vài phút, chiếc ôtô đã mất hút sau đoạn cua đầu tiên.
 
        Ngày ấy chưa lắm đường ngang ngõ tắt như bây giờ, nên chỉ sau một hai lần hỏi và năm sáu giờ mải miết đạp xe, quá trưa tôi đã tới Thất Khê nghỉ ăn trưa. Đoạn đường từ Thất Khê tới Đông Khê, một bên là vách núi , một bên là vực sâu . Những trận mưa rừng khiến mặt đường bị khoét thành những rãnh hằn sâu, ngang dọc và rất nhiều  đá hộc . Đường số 4 đi qua những cánh rừng già khi ấy còn bạt ngàn gỗ, nứa. Rừng núi ngút ngàn đẹp lắm, nhưng cũng thật hoang sơ. Không ít lần thấy cả đàn khỉ hoặc vài chú hươu non thản nhiên đứng giữa đường. Đi hàng  chục cây số mới gặp một chiếc xe tải hoặc vài người dân đi làm rẫy. Cũng có lúc gặp cả đàn trâu đang mải miết kéo gỗ. Những cây gỗ to, đường kính có lẽ đến năm sáu chục phân, dài chừng bẩy tám mét được những chú trâu mộng kéo lê trên những đoạn đường dốc. Việc chặt phá rừng lấy gỗ và làm nương đã có từ lâu nhưng nó ngày càng tệ hại hơn để đến bây giờ, nhiều cánh rừng già xưa, nay đã trơ trọi; màu xanh ngút ngàn xưa, nay đã thay bằng những mảnh đồi nham nhở. Yên tĩnh nhưng cũng luôn thấy rờn rợn, có lúc chợt nghĩ rằng bây giờ có chuyện gì thì chỉ có biết kêu trời. Gần tới đỉnh đèo Bông Lau thì xe bị đứt “râu tôm”. Ngồi sửa xe trên đỉnh đèo, lòng chợt nhớ nơi đây, năm xưa, anh La Văn Cầu cùng đồng đội đã làm  nên chiến công hiển hách, nay còn in đậm trong mỗi trang lịch sử.  Vùng này quá nhiều lau lách và cỏ tranh nên cái nắng nóng như càng gay gắt hơn. Sửa xe  xong, tôi chặt một cành cây buộc vào sau xe, chuẩn bị đổ đèo thì bỗng phát hiện một người cũng ngồi nghỉ ven đường, cách xa tôi vài trăm mét.   Thấy chờn chợn, tôi vội vã tiếp tục lên đường. Trời đã về chiều, nắng chiếu vàng trên sườn núi và   trải vàng trên những thửa ruộng bậc thang. Đẹp lắm nhưng cảm giác lo sợ cứ lớn dần trong tôi khi chưa biết bao giờ mới tới Đông Khê. Suốt chặng đường cả chục cây số, người kia cứ bám theo và luôn giữ khoảng cách với tôi.
 
         Chiều tối tới Đông Khê,tôi mới biết anh ta vốn là cán bộ Ty Thuỷ lợi Cao Bằng, quê Thái Bình cũng là người cùng cảnh ngộ như tôi. Sau một đêm  nghỉ lại trong  căn nhà nát của một người dân Tày thị trấn Đông Khê,  chúng tôi đến thị xã Cao Bằng vào trưa hôm sau. Nhưng Ty Giáo dục thì lại sơ tán ở tận một bản người Tày cách thị xã gần chục cây số. Sau những thủ tục rất nhanh, tôi được phân công về dạy ở cấp ba Hoà An, còn Công Vĩnh sáng mai sẽ lại lên xe trở lại Đông Khê - nơi đây có một trường cấp ba mới mở.
          Buổi chiều đầu tiên trên đất Cao Bằng, tôi và Công Vĩnh  đi dạo quanh khu sườn đồi gần Ty Giáo dục. Gặp đôi vợ chồng người Tày đang hái quả đu đủ trên vườn, chúng tôi hỏi mua vài quả đu đủ chín. Vợ chồng người Tày cười nói :” Đu đủ xanh mang về nuôi lợn thôi, không bán đâu. Còn đu đủ chín có ăn thì cứ lấy, không lấy tiền đâ.”  Bất ngờ đầu tiên trên đất Cao Bằng! Nhưng mỗi đứa cũng chỉ mang được một quả đu đủ chín cây to gần bằng con lợn con.
 
        Sau này tôi có dịp đi một phiên chợ vùng cao, thấy nhiều cảnh vợ chồng người Dao đi chợ, chồng cưỡi ngựa, lưng đeo khèn bè, vợ lầm lũi theo sau, có khi còn mang cả cái gùi rất to. Quá trưa, tan chợ về , lại gặp không ít cảnh những anh  chồng ( người Dao và cả người Tày, người Nùng cũng vậy) say rượu nằm lăn ngay vệ đường, còn cô vợ trẻ cứ lặng lẽ dắt ngựa đứng đợi chồng tỉnh rượu, có khi đến xế chiều mới vực được chồng lên lưng ngựa trở về nhà. Ngưòi vùng cao gọi  là  chơi chợ có lẽ là vì thế. Lại có lần gặp anh chàng mang mật ong rừng đi bán, đòi mười đồng một chai ( khi ấy lương giáo viên cấp ba của chúng tôi chỉ là bốn mươi bẩy đồng năm hào ở hai năm thực tập và năm mươi nhăm đồng khi đã vào biên chế). Người mua trả chín đồng không bán , nhưng khi trả mười bẩy đồng hai chai lại bán, không phải là chiêu khuyến mãi mua nhiều giá rẻ như bây giờ , mà chỉ vì mười bẩy đồng nhiều hơn chín đồng. Có anh bạn thuộc lớp trước chúng tôi còn kể chuyện: ở một phố nhỏ vùng cao, có một anh thợ ảnh gạ các cô gái Dao đỏ :” Vào chụp ảnh đi, mỗi ảnh hai đồng thôi.” Các cô gái Dao đỏ thích chụp ảnh nhưng lại hay xấu hổ nên kéo nhau ba bốn cô cùng chụp chung. Anh thợ láu cá nói :” Một người hai đồng, ba người sáu đồng, tô màu thì mỗi người thêm năm hào nữa.” Thế mà các cô vẫn túm năm, tụm ba để chụp.
 
         Những năm tôi dạy ở trường Trung học Sư phạm đào tạo giáo viên cấp 2 của tỉnh, sau này chuyển thành trường Cao đẳng sư phạm,  mỗi giáo viên được ở trong một gian nhà vách đất khoảng 9m2 do thày trò tự làm. Nhiều lần đi vắng trở về phòng thấy trên bàn khi thì một hai chiếc bánh chưng, khi thì gói kẹo chè lam hoặc một bọc hạt dẻ Trùng Khánh rang thơm nức do một học trò nào đó nhét qua cửa sổ khi thầy vắng  nhà,  vì xấu hổ không dám đưa trực tiếp cho thầy.
 
          Dạo ấy, mỗi năm Ty Giáo dục lại tổ chức họp bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên ở một huyện. Có dịp chúng tôi vào họp ở huyện Quảng Hoà, cách thị xã hơn bốn mươi lăm cây số, phía bên kia đèo Mã Phục. Trường cấp  2 -3 Quảng Hoà năm ấy chỉ có bẩy tám lớp học nằm giữa hai dãy núi đá dựng đứng, nên buổi sáng phải chín mười giờ mới thấy mặt trời,  còn buổi chiều thì mới bốn gìờ mà hơi núi đã giăng mờ mịt. Đêm xuống càng heo hút bởi tiếng tắc kè kêu râm ran. Anh giáo Sinh - vốn cũng là một cử nhân văn chương từ Hà Nội lên- nghe tắc kè kêu sốt ruột , không sao ngủ được, nhấc liếp cửa ra đứng hồi lâu, rồi cầm mấy hòn đá ném vào vách núi, miệng lẩm bẩm chửi : ” Mẹ con tắc kè!”. Tiếng ®¸ r¬i vang trong v¸ch nói; mµ tiÕng tắc kè vẫn râm ran đến não lòng.
 
          Gọi là thị trấn, nhưng phố huyện Quảng Hoà chỉ lèo tèo vài chục mái nhà bám theo đường tỉnh lộ. Ở đây có một cửa hàng bách hoá chủ yếu bán hàng bao cấp cho một số cán bộ , công nhân, giáo viên ở huyện. Hầu hết các mặt hàng đều được phân phối và phải được người phụ trách cửa hàng duyệt . Anh giáo Thái, vốn rất láu lỉnh đã gặp người phụ trách cửa hàng, đưa công lệnh của chúng tôi và nói:” Chúng tôi từ thị xã về dự hội nghị chuyên đề của tỉnh…” có lẽ mớ từ ngữ “ hội nghị chuyên đề” quá lạ tai đã khiến cô phụ trách cửa hàng người Nùng - chắc mới học xong lớp ba hoặc bốn gì đó - nể phục , nên đã duyệt bán ngay cho  mỗi người một bánh xà phòng Liên Xô 72% và một áo may ô Đông xuân ba lỗ - vốn là những mặt hàng quý hiếm thuở ấy. Riêng anh “trưởng đoàn” còn được mua thêm một bút máy Trường Sơn!


          Ảnh: Sinh viên Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng chào mừng các thầy cô giáo cũ về thăm trường        
 
     Bốn mươi năm đã qua đi, tôi mới lại có dịp  trở lại Cao Bằng - mảnh đất mà tôi đã gắn bó một thời trai trẻ. Trước ngày chia tay, tôi đã giảng bài thơ Việt Bắc như một món quà gửi lại lớp học trò Cao Bằng. Vẫn nhớ mãi khi giảng những câu thơ:
                                                       Áo chàm đưa buổi phân ly,
                                                Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…
Tôi không chỉ giảng bằng kiến thức và tâm hồn của người thầy dạy văn, mà đã dạy bằng cả tấm lòng và tình cảm với mảnh đất và những con người mà một thời tôi đã gắn bó. Nhiều học học trò, cả con trai và con gái khi ấy đã khóc; có những cô, cậu còn ôm mặt chạy vụt ra khỏi lớp.
 
       Từ Hà Nội đi Cao Bằng bây giờ chỉ xế chiều là tới nơi . Nhiều người còn tranh thủ thời gian đi xe từ 8,9 giờ đêm, sáng đã đến Cao Bằng. Theo đường số 3, qua Thái Nguyên, Bắc Cạn, đường rộng và đẹp , nhưng rất nhiều cánh rừng già hai bên Đèo Gió, Đèo Giàng, Đèo Cao Bắc đã bị chặt phá rất nặng nề. Mùa mưa, nhiều đoạn   đường bị sụt lở nghiêm trọng. Cũng đã

   
                                     Ảnh:    Trên cầu Bằng Giang – Thị xã Cao Bằng
 
   Thị xã Cao Bằng nằm bên bờ hai con sông Bằng Giang và Hiến Giang nước trong xanh và hiền hoà; nhưng thị xã đã thay đổi rất nhiều. Lớp đồng nghiệp xưa của chúng tôi đã người còn, người mất. Học trò của chúng tôi ngày ấy bây giờ  hầu hết cũng đã nghỉ hưu. Nhưng buổi gặp mặt thật xúc động, nặng nghĩa tình. Trên đường vào Trùng Khánh, qua đèo Mã Phục, rồi Quảng Hoà, lại nhớ về những kỷ niệm xưa. Cao Bằng đã hoàn thành phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. Quảng Hoà bây giờ tách thành hai huyện Quảng Uyên và Phục Hoà. Mỗi huyện đều có hai trường THPT. Phố chợ Quảng Hoà, Trùng Khánh bán rất nhiều táo, lê, cam Trung Quốc. Ở chợ Trùng Khánh, chợ Đàm Thuỷ - Bản Giốc có nhiều cô gái Tày, Nùng bán hạt rẻ , năm nghìn mười hạt; nhiều cô vừa chào khách vừa gọi điện thoại di động. Những học trò đi cùng lại nhắc: không phải hạt rẻ Trùng Khánh đâu, toàn hạt rẻ Trung Quốc đấy thầy ạ. Mai về chợ thị xã tha hồ mua. Suốt dọc đường từ Trùng Khánh vào Thác Bản Giốc, có rất nhiều đại lý bán sim thẻ điện thoại đủ loại, Vinaphone, Mobìfone, Vietet và mua bán các loại điện thoại cũ, mới.. Không  chỉ ở thị xã, mà ngay ở  các phố huyện Quảng Hoà, Trùng Khánh,…đã mọc lên nhiều quán internet, lại có cả quán karaoke, đêm đêm nhạc xập xình, chát chúa.  Trở lại Cao Bằng bây giờ  tôi  thực sự trở thành người lạc hậu  rồi.
 
                                                                                                                                                                                                                                                                                         VIỆT HUY
Từ khóa: Đất

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá về website này như thế nào?

Đẹp và dễ sử dụng

Đẹp nhưng khó sử dụng

Bình thường

Không đẹp

Giới thiệu

Tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam

  1. Tôn chỉ, mục đích Hội Khuyến học Việt Nam là tổ chức xã hội của mọi công dân và tổ chức Việt Nam tâm huyết với sự nghiệp "trồng người góp sức phấn đấu cho phong trào " toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục", "cả nước trở thành một xã hội học tập" nhằm nâng cao dân trí, đào tạo...

trung tam dạy tốt Luyện thi đại học