Khi học về Chủ nghĩa anh hùng dân tộc, chúng ta đã đề cao vai trò của Chiến sỹ Cách mạng kiên trung bất khuất, văn học Cách mạng đã phản ánh rất sinh động về con người mới xã hội chủ nghĩa. Muốn xây dựng Xã hội chủ nghĩa, phải có Con người mới xã hội chủ nghĩa. Muốn xây dựng nền kinh tế Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa phải có con người nắm bắt khoa học hiện đại. Muốn đẩy lùi và chiến thắng đại dịch Covid-19, phải thực hiện 5K, tiêm chủng và Công nghệ thông tin. Một vài minh dẫn như vậy để thấy mọi phong trào, mọi thắng lợi đều có yếu tố con người. Muốn xây dựng mô hình “Gia đình học tập”, “Đơn vị học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” phát triển bền vững phải có cộng đồng “Công dân học tập”. Công dân là chủ thể thực hiện các cuộc vận động, là nòng cốt trong xây dựng cuộc sống, gia đình, xã hội và đất nước.
Thực hiện Kế hoạch của Hội Khuyến học quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, Hội Khuyến học phường Thượng Đình đã chỉ đạo Chi hội Khuyến học Cơ Khí 3B là một trong bốn Chi hội cơ sở triển khai thí điểm xây dựng mô hình “Công dân học tập” từ tháng 1 năm 2021. Tôi đã cùng 9 công dân khác trong Chi hội làm điểm. Tuy đã có kinh nghiêm gần 10 năm làm khuyến học ở cơ sở, song so với chỉ tiêu để đạt là “Công dân học tập” với người cao tuổi như tôi thực sự là một thách thức và phải phấn đấu rất nhiều, nhất là chỉ trong 6 tháng triển khai thí điểm.
Xác định ở tuổi 70, không đủ sức khỏe, điều kiện theo các khóa học chính quy, nên muốn nâng cao hiểu biết, hoàn thiện mình phải tự học là chính và qua phương tiện nghe nhìn. Với trí nhớ hạn chế, không muốn nói là ngày càng kém đi, những kiến thức sâu tích lũy ở giai đoạn học và làm việc sung sức trong thời kỳ bao cấp so với bây giờ không thể bắt kịp. Nên quyết tâm phải cao, phải tạo hứng thú, nhất là chịu khó ghi chép. Tôi đã phải học, đọc, phân loại, ghi chép theo các chuyên mục để thường xuyên ôn lại cho nhớ, không tốn thời gian khi sức khỏe không cho phép làm việc lâu, liên tục.
Thực hiện theo Bộ tiêu chí chung, tất cả các năng lực đều mở đầu bằng “Kỹ năng…” đã là đòi hỏi cao mà có lẽ những người bình thường như tôi phải phấn đấu không ngừng. Những tiêu chí có thể chủ động phấn đấu như: Năng lực tự học, học tập suốt đời; Năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ Xã hội được thực hiện có nhiều thuận lợi hơn. Nhưng những tiêu chí về năng lực sử dụng những công cụ trong công tác thì là khó khăn thực sự với bản thân tôi. Nhất là các kỹ năng sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, kỹ năng sự dụng ngoại ngữ, kỹ năng vận dụng trong công việc để cải tiến, sáng tạo, có tư duy biện chứng và phản biện để đạt chất lượng cao, có đóng góp cao trong xã hội. Điều ấy thực sự là tiêu chuẩn cao. Kết quả Hội KH Phường chấm đạt 95 điểm.
Trong điều kiện bình thường mới, việc thực hiện “xây dựng công dân học tập” càng yêu cầu cao hơn. Nhưng nó thực sự cấp thiết và cần được xã hội quan tâm nhiều hơn. Vì trong điều kiện xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng nền hành chính công hiện đại và điều kiện kinh tế cạnh tranh gay gắt, cần thiết mỗi công dân phải tự hoàn thiện mình để nắm bắt tình hình, thời cơ có quyết định đúng dắn, hoàn thành công việc không mắc những sai lầm, khuyết điểm. Hơn lúc nào hết, học tập là yêu nước, học là để mang lại vinh quang cho đất nước, mang lại hạnh phúc cho bản thân và mọi người.
Ở tầm cơ sở, qua thực tiễn làm thí điểm, tôi xin có một số kiến nghị sau:
-Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Cần mở cuộc vận động sâu rộng trong các tổ chức Đảng, chính quyền để thống nhất chỉ đạo. Đầu tư tập trung vào các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện đề án và tiêu chí đánh giá, xếp hạng cụ thể hơn, sát thực tế hơn. Nhất là không nên nhất thể hóa các cá nhân thuộc các loại hình công dân, mà cần có tiêu chí đặc thù để thực hiện. Khi triển khai thực hiện nên gắn với tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa và gia đình học tập.
-Về bộ tiêu chí: Bộ tiêu chí đang thí điểm chỉ phù hợp với công chức, viên chức nhà nước, lớp người đang độ tuổi tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế. Với những công dân nhỏ tuổi hơn, những người gần hoặc hết tuổi lao động thì còn điều chưa hợp lý. Ví như phần năng lực I, kỹ năng 2 thì không phải ai cũng xây dựng được kế hoạch học tập theo các chương trình vì quá nhiều điều phụ thuộc vào công việc, điều kiện cụ thể. Kỹ năng 3: Với người đương chức vì công việc cơ quan không thể tham gia tất cả hoạt động cộng đồng thường xuyên, người lớn tuổi thì không thể sử dụng các thiết bị công nghệ như trong phần Tiêu chí II, kỹ năng 5 và 6 …. Trong phần Tiêu chí II, kỹ năng 7 và 8 là kỹ năng khó đòi hỏi trình độ cao… Bộ Tiêu chí nên quy định linh hoạt và mở hơn, thậm chí có thể có tiêu chí đặc thù và chia nhỏ các nội dung thành nhiều tiêu chí hơn.
Về các minh chứng đều cần ở từng tiêu chí, vậy với 10 tiêu chí thì yêu cầu hồ sơ xét duyệt, thời gian thu thập rất dài vì phải làm hàng năm.
-Về công tác tổ chức thực hiện: Mô hình thí điểm chỉ chọn 10 công dân đã có nhiều công việc ở cơ sở: Phải tuyên truyền vận động rất tích cực mặc dù đã lựa chọn điểm những cá nhân có tiềm năng đáp ứng yêu cầu. Trong khi số người nắm được nội dung Đề án chỉ rất ít. Nếu được triển khai đaị trà cần tính toán kỹ với số lượng vừa phải. Hàng năm con số này tăng lên thì việc triển khai đánh giá công dân đăng ký những năm trước so với công dân đăng ký mới phải phải khác đi.
Đọc báo giấy hàng ngày. Công dân học tập là nòng cốt của 5 mô hình học tập đã triển khai, tổng kết 5 năm thực hiện thì khi thực hiện mô hình “Công dân học tập” cũng phải kết luận, điều chỉnh lại yêu cầu, nội dung cho phù hợp.
Với những ý kiến, suy nghĩ trên đây, tôi muốn đóng góp tiếng nói từ cơ sở để Trung ương Hội, các Hội cấp trên nghiên cứu, chỉ đạo để mô hình “Công dân học tập” được thực hiện có hiệu quả, mang lại thành công cho Đề án góp phần xây dựng Đất nước phát triển, xã hội văn minh, hiện đại.
Hà Nội, Tháng 11/2021
PHẠM VĂN VÁT
Chi Hội KH Cơ khí 3B, phường Thượng Đình,
quận Thanh Xuân, TP Hà Nội
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền