Danh Mục Chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 37


Hôm nayHôm nay : 865

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 278754

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 34610581

Liên Kết

Tuyển sinh 2014
Báo Dân Trí
Bộ Giáo Dục - Đào Tạo
Mạng Giáo Dục Edu Net
Học Mãi
Hội Khuyến Học Việt Nam
Sở Giáo Dục & Đào Tạo Hà Nội

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức

MỘT NGƯỜI CON HỌ BẠCH TÂM HUYẾT VỚI KHUYẾN HỌC

Thứ bảy - 24/05/2025 06:48
Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê tại chân núi Ba Vì, cách nhà Tôi chỉ vài trăm mét là đến cánh rừng đại ngàn, có những cây to hai, ba người ôm không xuể. Khi Tôi còn nhỏ tuổi, Tôi và bạn bè cùng trang lứa hay lên rừng hái quả, hái măng, hái nấm rừng và tra bẫy, bắt chim muông thú rừng.

Ông Bạch Công Tiến - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Ba Vì

 
      Có những lần Tôi nhìn thấy đàn gà rừng lông mượt và đẹp chạy ngang qua đường mòn. Ở tại khu rừng vầu của gia đình Tôi có một tổ chim công với những bộ lông sặc sỡ, thỉnh thoảng Tôi khe khẽ đến gần để ngắm nhìn bộ lông cánh của chim công đẹp tuyệt vời. Buổi chiều về, tiếng hoẵng kêu vang vọng khắp núi rừng. Cho đến nay, hơn 50 năm trôi qua, những ký ức đó vẫn luôn in đậm trong tâm trí Tôi, đó là cảnh thiên nhiên hùng vĩ, cánh rừng già xanh bát ngát đến tận chân trời, buổi chiều tà hoàng hôn ánh nắng vàng chiếu vào những thung lũng trông như cảnh thần tiên.
     Thế rồi, vào những năm 70 của thế kỷ trước, do điều kiện kinh tế còn khó khăn và cùng với phong tục tập quán làm ăn của bà con nhân dân khu vực miền núi. Người dân lên rừng phát nương làm rẫy, những cây cổ thụ thay nhau gục ngã dưới những chiếc búa, chiếc rìu. Rồi cảnh người dân đốt nương để làm rẫy, những đám cháy diễn ra suốt ngày đêm. Chỉ trong vòng vài năm, những cánh rừng già được thay thế bằng những nương lúa, ngô, sắn; những cây cổ thụ đổ ngổn ngang dần dần mục nát theo thời gian. Những khu rừng có nhiều cây gỗ quý, người dân khai thác trộm để lấy gỗ. Cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, hầu hết các khu rừng già đều biến mất, các loài chim muông, thú rừng hầu hết bị người dân săn bắn, những tiếng hoẵng kêu buổi chiều thưa dần rồi đến một ngày không còn nghe thấy tiếng hoẵng kêu nữa. Các dòng suối khi còn rừng xanh lúc nào cũng có dòng nước chảy trong vắt; từ khi không còn rừng nữa, nguồn nước cũng cạn kiệt dần và khô hạn.
     Ở xã Ba Trại vào thời kỳ đó, chỉ có một số ít học sinh học đến cấp II, nhiều người chỉ học đến cấp I, trình độ dân trí trên địa bàn rất thấp, các bậc phụ huynh hầu hết không quan tâm đến việc học hành của con cái, tỷ lệ các hộ nghèo trong xã rất cao. Vào đầu những năm 1990, trước tình hình nạn phá rừng xẩy ra nghiêm trọng, rừng núi ngày xưa giờ là những mảnh đồi hoang, trọc lốc. Đảng và Nhà nước đã có chủ trương “Trồng rừng, phủ xanh đồi trọc”, nhiều khu rừng được hồi sinh trở lại, màu xanh của cây dần thay thế bằng màu đỏ của đồi trọc. Một sự kiện quan trọng vào thời kỳ đó, đó là Chính phủ quyết định thành lập Vườn Quốc gia Ba Vì, trong đó có lực lượng kiểm lâm thực hiện việc quản lý rừng rất nghiêm ngặt; người dân được tuyên truyền về việc không được tàn phá rừng, không đốt nương làm rẫy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta chuyển nền kinh tế từ cơ chế quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế dần dần được hồi phục, khoa học công nghệ từng bước phát triển. Người dân địa phương từng bước thay đổi tập quán trước kia đun nấu bằng củi thì nay được thay thế bằng ga, điện. Người dân không còn lên rừng chặt cây, hái củi nữa.

Gia đình Ông Bạch Công Tiến trao tặng Quỹ Khuyến học huyện Ba Vì
 
     Năm 1994, Tôi được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tây (cũ) bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Hà Tây, Nhà trường có nhiệm vụ đào tạo con em dân tộc miền núi nhằm góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, qua đó sẽ đóng góp một phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và làm xanh hoá vùng miền núi. Bên cạnh việc dạy văn hoá, giáo dục đạo đức cho các em học sinh dân tộc, Tôi và tập thể Hội đồng Sư phạm Nhà trường đã tập trung giáo dục, rèn luyện kỹ năng cho các em học sinh về xây dựng môi trường “Xanh - Sạch - Đẹp” ở tại trường và các em sẽ đem kiến thức của mình về cùng với gia đình mình tại các địa phương miền núi để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng. Sau 30 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Hà Tây nay là thành phố Hà Nội đã đào tạo được hàng ngàn học sinh con em dân tộc thiểu số. Có nhiều em học sinh đã thành đạt, đã trở thành những Nhà Khoa học, Bác sĩ, Nhà giáo, Doanh nhân, những nhà lãnh đạo quản lý. Các thế hệ học sinh của Nhà trường cũng đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn bảo vệ và cải tạo môi trường xanh, từng bước trả lại cho núi Ba Vì một mầu xanh thiên nhiên hùng vĩ, những cái mà chính bàn tay con người đã phá hoại trong quá khứ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh - UVTV Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam,
Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội tặng quà lưu niệm cho Họ Bạch Công,
xã Ba Trại, huyện Ba Vì

 
     Trong quá trình công tác, Tôi được phân công giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, phụ trách văn hoá xã hội 12 năm và được vinh dự là Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Ba Vì trong suốt thời gian đó. Đến năm 2020, Tôi được nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo huyện Ba Vì lại mời Tôi tiếp tục làm Chủ tịch Hội Khuyến học huyện cho đến nay. Trong những năm qua, Hội Khuyến học huyện Ba Vì cùng đồng hành với Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện từng bước phát triển vững chắc, chất lượng giáo dục, đào tạo được nâng cao. Từ một đơn vị luôn xếp trong tốp cuối của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội, những năm gần đây, thành tích của Ngành Giáo dục và Đào tạo Ba Vì được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xếp hạng là đơn vị khá của Thành phố. Phong trào khuyến học, khuyến tài trong các dòng họ ở huyện Ba Vì được phát triển mạnh mẽ, từng bước đi vào chiều sâu, hoạt động hiệu quả, thiết thực. Các dòng họ đều quan tâm, giáo dục con em trong họ có ý thức tự hào về truyền thống cha ông, phấn đấu học hành thành đạt để làm rạng danh tổ tiên và đem lại niềm tự hào cho dòng họ. Đó là những dòng họ nổi tiếng như: Dòng họ Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Sư Mạnh xã Cổ Đô; Dòng họ Phạm Doãn xã Tòng Bạt; Dòng họ Bạch Công xã Ba Trại.
     Tôi rảo bước chân trên con đường bê tông ven chân núi Ba Vì, ngắm nhìn những cánh rừng đang được hồi sinh, khe suối, gò bùi thuở nào nước khô cạn, nay đã có tiếng nước chảy róc rách, tiếng chim rừng hót véo von gợi nhớ trong ký ức Tôi những kỷ niệm thời ấu thơ về cánh rừng đại ngàn quê hương Tôi. Hy vọng rằng một ngày không xa nữa, chúng ta sẽ được ngắm nhìn những cánh rừng già màu xanh bất tận, người dân quê hương Tôi sẽ được sinh sống trong không khí môi trường trong lành do thiên nhiên ban tặng. Tôi cũng hy vọng rằng thế hệ trẻ ngày nay với những kiến thức hiểu biết về khoa học kỹ thuật hiện đại được áp dụng vào trong thực tế, để góp phần xây dựng nền kinh tế xanh phát triển bền vững, xây dựng môi trường sống hòa hợp giữa con người và thiên nhiên để bảo vệ hành tinh chúng ta mãi mãi màu xanh./.

 
Tin bài và ảnh: BẠCH CÔNG TIẾN
Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Ba Vì

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá về website này như thế nào?

Đẹp và dễ sử dụng

Đẹp nhưng khó sử dụng

Bình thường

Không đẹp

Giới thiệu

Tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam

  1. Tôn chỉ, mục đích Hội Khuyến học Việt Nam là tổ chức xã hội của mọi công dân và tổ chức Việt Nam tâm huyết với sự nghiệp "trồng người góp sức phấn đấu cho phong trào " toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục", "cả nước trở thành một xã hội học tập" nhằm nâng cao dân trí, đào tạo...

trung tam dạy tốt Luyện thi đại học