DÂN VẬN KHÉO TRONG CÔNG TÁC KHUYẾN HỌC TẠI ĐỊA BÀN DÂN CƯ SỐ 5 PHƯỜNG LÁNG HẠ

Khuyến học là khuyến khích việc học, là sự hướng dẫn, khích lệ, giúp đỡ để mọi người nghe theo, làm theo, cùng nhau thúc đẩy việc học tập; mặt khác, khuyến học còn vận động các nguồn lực để tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người được học và tự học: Học thường xuyên, học suốt đời; học chữ, học nghề, học làm người; học để biết, để làm việc, để làm người, để chung sống và phát triển ở cộng đồng, góp phần xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập.
Ngày hội Toàn dân đoàn kết tại khu dân cư sơ 5 phường Láng Hạ
     Công việc khuyến học thì nhiều và gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện, vì thế nếu không dân vận khéo sẽ không thu được kết quả như mong muốn. Qua thực tế công tác tại Địa bàn dân cư số 5 phường Láng Hạ, chúng tôi rút ra những bài học về dân vận khéo trong công tác khuyến học:      
     1.Công tác khuyến học phải được coi là công việc chung của Chi bộ Đảng, tổ dân phố, các chi hội đoàn thể trong địa bàn dân cư.
     Ở một địa bàn dân cư có trên 300 hộ dân với hơn nghìn người thì nếu chỉ dựa vào Ban CTMT hoặc Chi hội khuyến học thì không thể vận động tới từng người dân về công tác khuyến học. Việc này phải được phổ biến, giao nhiệm vụ cho đảng viên trong các kỳ họp chi bộ, đồng thời đó cũng là một chỉ tiêu để xét đánh giá chất lượng đảng viên. Có được sự thông suốt và chỉ đạo sát sao của chi bộ mới tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào vận động người dân làm công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể đã mang lại chiều sâu và bề rộng của phong trào khuyến học.
     Cách làm này hoàn toàn phù hợp với lới dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời, Bác đặt câu hỏi: “Ai phụ trách Dân vận?” và Người đã trả lời “Tất cả cán bộ chính quyền, cán bộ đoàn thể và tất cả Hội viên của các tổ chức Nhân dân đều phải phụ trách Dân vận”.
     2. Dân vận khéo là vận động cả đối tượng người lớn tham gia học tập.
     Nhiều người lớn đã nghĩ mình học mãi rồi, đã có bằng cấp chuyên môn rồi thì không cần học nữa, thế là đủ để làm việc. Nhưng tri thức là vô cùng, vô tận; con người cần có kiến thức về nhiều mặt để sống, làm việc, hòa đồng và phát triển. Mục tiêu của sự học là kiến thức vì kiến thức là nền tảng vững chắc giúp mỗi chúng ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và mở rộng thêm tầm nhìn, tầm hiểu biết. Học tập là nhu cầu của mọi người dân, của toàn xã hội, là chìa khóa mở cửa tri thức, bước vào tương lai, giúp khai sáng nền văn minh nhân loại, chính vì thế xây dựng XHHT và học tập suốt đời là hướng đến tất yếu của quá trình đào tạo.
     Để người lớn không cho việc học là khó thực hiện, cần tuyên truyền để mọi người thấy rằng “sự học” ngày nay không chỉ được thực hiện trên lớp học mà còn được mở rộng ra bởi sự tìm tòi sáng tạo của bản thân mỗi người; Người lớn đọc báo, xem tivi, học sử dụng các thiết bị công nghệ hàng ngày, … cũng là học tập. Nếu không có các hoạt động đó, người lớn sẽ bị lạc hậu, sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc sống hiện đại.
     3. Dân vận khéo gắn liền với việc xây dựng các điển hình trong học tập.
     Đối với học sinh: các cháu học sinh giỏi, các cháu đạt giải cao trong các cuộc thi văn hóa, khoa học kỹ thuật, thể thao, các cháu học sinh nghèo vươn lên học giỏi, … đều là những điển hình tiên tiến cần được tôn vinh, tuyên truyền và nhân rộng.
     Đối với người lớn, việc xây dựng mô hình công dân học tập, đơn vị học tập có một vai trò đặc biệt quan trọng, là nền móng, cốt lõi cho xây dựng thành công xã hội học tập trong từng địa phương.
     Từ năm 2021, Địa bàn 5 đã xây dựng mô hình 10 “Công dân học tập” tiêu biểu và được phường công nhận. Giờ đây, số người đăng ký “Công dân học tập” đã tăng lên nhanh chóng, Tổ dân phố số 8 cũng được công nhận là “Đơn vị học tập”
     4, Dân vận khéo chính bằng tấm gương của cán bộ làm công tác khuyến học.
Mỗi cán bộ khuyến học trước tiên phải là người gương mẫu trong học tập, chịu khó học, đọc để trau dồi tri thức, nắm bắt kịp thời những thông tin mới, kiến thức mới, vận dụng vào công việc một cách hiệu quả. Chúng ta không gương mẫu học tập thì không thể tuyên truyền, vận động người khác học tập.
     Địa bàn 5 đã lập trang zalo của Tổ dân phố. Mọi thông tin giờ đây được truyền tải qua trang zalo này. Có được thành quả như vậy là nhờ cán bộ cơ sở đi đầu trong sử dụng công nghệ mới, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân để mọi người cùng thực hiện. Lợi ích do kênh thông tin này mang lại đã kích thích mọi người học hỏi, sử dụng thành thạo công nghệ. Đó chính là dân vận khéo.
     5. Dân vận khéo là phải kết hợp động viên khen thưởng kịp thời.
     Từ học sinh cho tới người lớn, những người đã có cố gắng trong học tập đều cần được sự thừa nhận của cộng đồng. Sự thừa nhận này thông qua các hội nghị khen thưởng cuối năm học, thông qua “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” của Địa bàn dân cư. Những công dân cao tuổi vẫn đều kỳ ra các bài báo hàng tháng; vẫn tự học một lúc 2 ngoại ngữ; vẫn tham gia các hội đồng đào tạo chuyên môn, … đó là những công dân tiêu biểu của Địa bàn dân cư cần được ghi nhận những đóng góp của họ cho cộng đồng, cho xã hội.
     6. Dân vận khéo để xây dựng nguồn lực cho công tác khuyến học.
     Để có nguồn lực làm công tác khuyến học, Địa bàn đã kết hợp sức mạnh tổng hợp của tất cả tổ chức trong địa bàn. Chi bộ, tổ dân phố, các chi hội đều đóng góp nguồn lực cho khuyến học. Số đảng viên sinh hoạt 2 chiều cũng đóng góp đáng kể vào quỹ khuyến học. Để thuyết phục người dân tự nguyện đóng góp nguồn lực nhiều hơn nữa cho khuyến học thi nguồn kinh phí phải được sử dụng hiệu quả, đặc biệt phải công bố công khai, minh bạch. Chính vì tính hiệu quả của công tác khuyến học mà nhiều nhà tài trợ sắn sàng ủng hộ cho quỹ khuyến học. Mỗi năm quỹ thu được trên dưới 20 triệu để làm khuyến học. Số tiền tuy không nhiều nhưng là cơ sở tốt để thực hiện những mục tiêu của công tác khuyến học.
     Địa bàn 5 còn khai thác được nguồn lực tiềm tàng trong nhân dân. Mỗi hộ gia đình đều làm công tác khuyến học. Khi các con, các cháu đạt thành tích cao trong học tập, cha mẹ, ông bà đều có phần thưởng khích lệ, động viên: quà tặng có thể là hiện vật như cặp sách, điện thoại, laptop, có thể là xe máy khi các cháu thi đỗ đại học; hoặc phần thưởng bằng tiền để các cháu trang trải việc học. Theo sơ bộ ước tính những phần thưởng như vậy trị giá hàng trăm triệu.
     Cho đến nay, Địa bàn  dân cư số 5 vẫn là một địa chỉ tin cậy của Hội khuyến học phường Láng Hạ khi triển khai các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa để không phụ lòng tin của Hội khuyến học Láng Hạ nói riêng, Hội khuyến học Đống Đa nói chung.
                                                                                Láng Hạ, 4 – 4 - 2023
NGÔ VĂN TRUNG
Trưởng ban CTMT 5
phường Láng Hạ, quận Đống Đa