BÀN VỀ CÔNG TÁC KHUYẾN HỌC

Để có thể đi sâu vào phân tích công tác khuyến học, trước hết xin nhắc lại định nghĩa từ khuyến học: Khuyến học là tác động đến tinh thần để gây phấn khởi, tin tưởng mà cố gắng học hành hơn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sự học mạnh mẽ hơn. Như vậy, ta thấy có 2 phương pháp khuyến học: - Tác động đến tinh thần. - Tạo điều kiện thuận lợi bằng vật chất.
BÀN VỀ CÔNG TÁC KHUYẾN HỌC
      Việc tác động đến tinh thần thì có thể làm liên tục, mọi lúc, mọi nơi còn việc tác động bằng vật chất thì không phải ai và lúc nào cũng làm được.
      Với câu hỏi: Ai có thể làm khuyến học? Dễ dàng nhận thấy là: Ai cũng có thể làm công tác khuyến học: người thân, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các nhà hảo tâm, nhất là giáo viên, cha mẹ. Hội Khuyến học là trung tâm kết nối.
      Hàng ngày ở lớp, các câu khen ngợi, động viên của giáo viên tại lớp rất có tác dụng. Một điểm cao cộng với lời khen khích lệ kịp thời khiến học sinh rất phấn khởi. Chắc chắn khi về nhà các con sẽ hồ hởi khoe với cha mẹ: “Hôm nay con được thầy (cô) giáo khen là…”. Nếu cha mẹ khéo tiếp lửa sẽ có ngay lời động viên: “Ôi vui quá! Tự hào quá, con của bố mẹ tiếp tục phấn đấu để được thầy (cô) biểu dương nữa nhé!”.
      Hàng ngày cha mẹ chuyện trò, khuyên nhủ với con cái: “Muốn có cuộc sống sung túc thì phải học cho thật giỏi để có một nghề tinh thông, vừa có lương cao để có cuộc sống sung túc, vừa cống hiến được nhiều cho Tổ quốc con ạ!”. Dù khó khăn đến mấy cha mẹ cũng tạo điều kiện cho con đi học, chỉ mong con đạt được kết quả cao nhất theo khả năng của mình, bởi vì “trong các lĩnh vực đầu tư, thì đầu tư cho con đi học sẽ mang lại hiệu quả ý nghĩa nhất, thiết thực nhất, to lớn nhất”.
      Hình ảnh những thầy cô giáo miền cao đi từng nhà vận động cha mẹ cho con đi học không chỉ là tình cảm “yêu người, yêu nghề” mà cũng là đang thiết thực làm công tác khuyến học nữa.
      Qua nhiều năm quan sát ở địa phương, tôi thấy nhiều chi hội khuyến học thực hiện công việc này còn rất hình thức: Cả năm hầu như chẳng làm gì, mãi khi kết thúc niên học mới thu giấy khen, rồi mang mấy quyển vở đến nhà phát thưởng cho các cháu. Cách làm này hiệu quả rất hạn chế. Theo tôi nghĩ: Chí ít cũng phải tập trung các cháu lại, tuyên dương rằng: “Các cháu là niềm tự hào của gia đình, của địa phương…”. Đặc biệt nêu đích danh những cháu đạt thành tích xuất sắc, những cháu có hoàn cảnh khó khăn mà vẫn học tốt, đề nghị các bạn vỗ tay chúc mừng. Khi trao quà kèm theo lời động khích lệ. Trẻ em vốn thích khen mà. Trong các buổi này nên chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, nên đề nghị những người biết làm thơ tại địa phương sáng tác các bài nói về các gương vượt khó cụ thể để học giỏi, công ơn của thầy cô ở trường sở tại để đọc trong buổi phất phần thưởng, sẽ có sức động viên các cháu rất hữu hiệu.
      Nhận thức là một quá trình liên tục. Người xưa có câu “mưa dầm ướt áo” cho nên đối với trẻ em cần phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tuy nhiên nhắc lại ý nhưng bằng các từ ngữ khác nhau, minh hoạ sinh động khác nhau để con em chúng ta dễ thấm hơn. Tác động đến tinh thần để gây phấn khởi, tin tưởng mà cố gắng học hành hơn cũng có nhiều cách khác nhau. Với con em nhà khá giả, việc tặng mấy quyển vở đối với chúng không ý nghĩa bằng con nhà nghèo. Bởi vậy bố mẹ nên nói với con rằng “mười đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”, mấy quyển vở này là sự ghi nhận của mọi người đối với thành tích học tập của con, vinh dự lắm đấy con ạ!”. Đối với các em nhà nghèo có thể tặng áo phông trên đó đề tặng “Quà tặng học sinh giỏi” chẳng hạn, hàng ngày các cháu mặc, dòng chữ thay lời nhắc nhở, động viên.
      Ai cũng biết rằng các con em nhà nghèo việc học tập rất khó khăn: Thiếu tiền mua sách vở và dụng cụ học tập; ăn không đủ chất để phát triển thể lực và trí tuệ; hàng ngày phải phụ cha mẹ làm việc nên thời gian học và làm không nhiều, dẫn kết kết quả học tập không cao. Bởi vậy một số cháu muốn bỏ học. Nó như cây non trồng giữa vùng đất khô cằn nên bị còi cọc. Để giúp cây có thể vươn lên, cần chăm bón và tưới nước. Với trường hợp này khuyến học bằng hình thức miễn giảm học phí, trợ cấp tiền hàng năm kết hợp với lời an ủi… là vô cùng cần thiết. Tỉ lệ con nhà nghèo học giỏi nếu được động viên thường rất cao. Nó như cây khô giữa vùng cát bỏng tự thích nghi môi trường bằng cách đâm rễ thật sâu qua lớp đất khô cằn xuống tận đất sâu để tìm mùn và đất. Sự giúp đỡ của hội khuyến học được ví như ai đó dùng cọc sắt khoan mấy lỗ dưới gốc cây xuống lòng đất, tạo điều kiện cho rễ dễ dàng vươn sâu hơn.
      Với các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt như: Khuyết tật, mồ côi, cha mẹ bất hoà khiến con cái hư hỏng… thì công tác khuyến học lại càng quan trọng và cấp thiết. Nó được ví như những cây non bị bệnh, bị đứt một phần bộ rễ, bị sâu ăn mất búp chồi… Trường hợp này Hội Khuyến học cần huy động được toàn bộ hệ thống vào cuộc giúp đỡ. Chẳng hạn các cháu khuyết tật cần được chính quyền địa phương cho hưởng trợ cấp khuyết tật, miễn giảm học phí theo luật Người khuyết tật; nhà trường quan tâm đến việc bố trí chỗ ngồi tầng một, nơi vệ sinh có tay vịn, miễn môn thể dục… Đối với các cháu đã bị nhiễm một số hư hỏng càng được quan tâm hơn vì nếu để các cháu lớn lên thành một phần tử bất hảo thì hại cho đất nước khôn lường. Phải kiên trì như thầy thuốc chữa bệnh mãn tính. Trường hợp này chủ yếu tìm mọi cách kiên trì cảm hoá, thuyết phục. Theo các nhà tâm lý phải tìm được những nét hay, việc làm tốt của cháu để khen, để cháu thấy mình chưa phải là “bỏ đi”. Kinh nghiệm một số thầy cô giáo khi cho học sinh này làm lớp phó phụ trách duy trì kỷ luật lớp chẳng hạn, nhiều cháu đã thay đổi hẳn, tất nhiên phải theo dõi động viên, uốn nắn kịp thời. Đạo Phật có câu “Cứu một người phúc đẳng hà sa” là như vậy.
      Đối với giáo viên, công tác khuyến học vừa là nghĩa vụ, vừa là nghệ thuật vừa là tình yêu người và yêu nghề. Họ là người hiểu sâu sắc nhất “luật nhân quả”. Trước khi trở thành giáo viên họ từng trải ít nhất là 10 năm là học trò nên hiểu rằng “nếu thầy hết lòng với trò thì trò không bao giờ quên công ơn thầy”. Ngược lại, nếu thầy có những đối xử “lệch chuẩn” thì trò cũng khó phai kỷ niệm buồn. Khen thưởng giáo viên chính là “Khuyến học của khuyến học”, “trung tâm của khuyến học”. Với giáo viên, sự khen thưởng bằng vật chất không quan trọng. Các thầy cô giáo chỉ mong được sự ghi nhận của tập thể, do vậy đối với họ những danh hiệu Giáo viên dạy giỏi, Chiến sĩ thi đua, Bằng khen của các cấp… là rất thiết thực và ý nghĩa.
      Từ câu nói của một số nhà hiền triết: Thân Nhân Trung (Hiền tài là nguyên khí quốc gia), Lê Quý Đôn (Phi trí bất hưng) và gần gũi, dễ hiểu nhất là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em), chúng ta thấy rằng công tác khuyến học vô cùng quan trọng. Chính vì thế Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam các khoá đều là những người tiêu biểu, có uy tín và chức vụ cao như: Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị; Phó Chủ tịch nước GS.TS. Nguyễn Thị Doan đảm nhiệm.
      Muốn làm tốt công tác khuyến học cần phải có những người đặt chữ  Tâm lên hàng đầu, ngoài ra cần phải nhiệt tình, tâm lý, khéo léo vận động quần chúng…
      Từ khi thành lập (02/10/1996) đến nay, dưới sự lãnh đạo Đảng và Nhà nước, với tâm huyết của bao người nhân hậu, với nhiều biện pháp hoạt động có hiệu quả, hội Khuyến học đã góp phần to lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Chúng ta tin tưởng rằng Hội sẽ đúc rút kinh nghiệm để ngày càng hoàn thiện và phát triển hơn.

                                            
Hà Nội, ngày 26/6/2021
Tiến sĩ CAO NGỌC CHÂU
         Nguyên giảng viên Đại học GTVT và Phương Đông