HỘI KHUYẾN HỌC HUYỆN MÊ LINH, MỘT NHIỆM KỲ NHÌN LẠI

Đại hội Hội Khuyến học huyện Mê Linh Lần thứ IV (Nhiệm kỳ 2016- 2021) được tổ chức tại thời điểm hội khuyến học các cấp từ Trung ương đến địa phương đang tập trung chỉ đạo thực hiện Quyết định Số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” và Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” (viết tắt là Quyết định 281).
Đại hội Hội Khuyến học huyện Mê Linh Lần thứ IV (Nhiệm kỳ 2016- 2021)
      Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt mà Đại hội Lần thứ IV (Nhiệm kỳ 2016-2021) Hội Khuyến học huyện Mê Linh đã đề ra để thực hiện cho cả nhiệm kỳ.
Nhìn lại 5 năm đã trôi qua, một nhiệm kỳ nhìn lại, được sự quan tâm, giúp đỡ của Hội Khuyến học thành phố Hà Nội, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy - UBND huyện Mê Linh, sự phối hợp giúp đỡ của các cấp, các ngành, sự cố gắng của các Hội thành viên và hội viên Hội Khuyến học huyện Mê Linh đã đạt được những kết quả bước đầu hết sức trân trọng.
      Trước hết, để thực hiện được các nhiệm vụ trọng tâm theo nghị quyết của đại hội, đặc biệt là nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện, Hội đã làm tốt công tác tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện để có các chỉ thị của Đảng, kế hoạch của UBND huyện về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện. Các văn bản được triển khai kịp thời đúng từng thời điểm. Đây là những cơ sở pháp lý hết sức quan trọng của địa phương để các cấp, các ngành, các hội tổ chức thực hiện. Các văn bản chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện đều sát với thực tế của huyện, do vậy khi thực hiện các cấp Hội khuyến học có cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Do làm tốt công tác tham mưu, nhiệm kỳ qua đã được HĐND - UBND quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho Hội khuyến học huyện và Hội khuyến học các cơ sở thực hiện tốt các chương trình mục tiêu theo Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ.
      Một yếu tố có tính quyết định để thực hiện các nhiệm vụ của đại hội đã đề ra là phải thường xuyên củng cố, phát triển tổ chức hội và hội viên. Đến nay, 100% số xã, thị trấn có tổ chức Hội, 196 Chi hội khuyến học (tăng 70 chi hội so với đầu nhiệm kỳ), 790 ban khuyến học dòng họ (tăng 90 ban so với đầu nhiệm kỳ) và 47.517 hội viên, chiếm 20,4% dân số toàn huyện (tăng 3.517 hội viên so với đầu nhiệm kỳ).
      Các tổ chức hội và hội viên đã phủ kín các địa phương trên địa bàn huyện. Các tổ chức hội thành viên và hội viên đều thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình làm nên những kết quả hết sức quan trọng của Hội Khuyến học huyện Mê Linh nhiệm kỳ qua.
      Đặc biệt trong nhiệm kỳ đã xây dựng được đội ngũ BCH Hội khuyến học huyện là một tập thể đoàn kết, có tâm, có tầm trong công tác hội. Mặc dù các ông, bà trong BCH (Trong đó chủ yếu là chủ tịch các hội thành viên) không có bất kỳ chế độ phụ cấp gì vẫn rất nhiệt tình công tác. Những điển hình như: ông Nguyễn Thanh Tĩnh - PCT Hội huyện, bà Nguyễn Thị Nhường - Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Quang Minh, ông Đỗ Văn Nhạ - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tiến Thắng, ông Nguyễn Mạnh Xuyên - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tráng Việt, ông Phạm Xuân Diên - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Vịnh - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Thạch Đà, ông Phạm Văn Đức - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tự Lập, ông Nguyễn Đại Tân - Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Chi Đông…
      Do có hệ thống tổ chức hội rộng khắp tạo điều kiện cho các cấp hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền và vận động hội viên thực hiện tốt phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị những năm qua. Hội khuyến học huyện còn phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện hàng năm tổ chức các lớp tập huấn cho lãnh đạo các tổ chức hội và hội viên trong đó đi sâu việc tổ chức thực hiện Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ.
      Việc thực hiện Quyết định 281 được thực hiện đầy đủ các bước có sơ kết, tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo. Qua thực hiện Quyết định 281 đã xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả thiết thực, đặc biệt là mô hình “gia đình học tập”.
      Bằng việc tự học, tự vươn lên làm giầu trên chính mảnh đất quê hương của mình, những người nông dân trước đây chỉ sản xuất theo truyền thống, thu nhập thấp nay đã học tập đưa tiến bộ KHKT vào đồng ruộng có thu nhập cao, góp phần làm giầu cho gia đình và xã hội.
      Một số điển hình như : Gia đình ông Ngô Quang Mơn (xóm 5, xã Tráng Việt) đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất trang trại mỗi năm gia đình thu từ 3 - 4 tỷ đồng, gia đình ông Nguyễn Văn Trường (thôn Đông Cao, xã Tráng Việt) mỗi năm thu từ 500 - 700 triệu đồng, gia đình ông Lê Văn Ngà (thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập) học tâp kinh nghiệm trồng hoa Đà Lạt mỗi năm thu hàng tỷ đồng, gia đình ông Đào Việt Dũng (thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh) thành lập HTX trồng rau, quả sạch hàng năm bán ra thị trường hàng trăm tấn rau, củ, quả các loại doanh thu cao...
      Khẳng định, phong trào “Gia đình học tập” trên địa bàn huyện Mê Linh đã làm cho hàng ngàn hộ gia đình có thu nhập cao, đời sống không ngừng được cải thiện và nâng cao (hiện trên địa bàn huyện chỉ còn 01 hộ nghèo) góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
      Phong trào “Dòng họ hoc tập” của huyện cũng diễn ra hết sức sôi động. Nhiều dòng họ 5 năm liền đạt danh hiệu “Dòng họ học tập” như: Dòng họ Hà Đình (xã Mê Linh), dòng họ Trần Văn (xã Vạn Yên), dòng họ Trần (thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập), dòng họ Đào Duy (xã Tiền Phong), dòng họ Nguyễn Khắc (thôn Bảo Tháp, xã Kim Hoa), dòng họ Nguyễn Hữu, Nguyễn Kiến, Phùng Minh, Phùng Quang (xã Thạch Đà), dòng họ Trần Gia (xã Tiến Thịnh)…
      Các mô hình “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” cũng phát triển đều khắp. Đến nay tất cả các mô hình học tập của huyện Mê Linh đều vượt so với chỉ tiêu của Trung ương hội và Thành hội đề ra, cụ thể:
      - Kết quả mô hình “Gia đình học tập”: Năm 2016 có 27.625 hộ đạt danh hiệu “Gia đình học tập’’, đạt tỷ lệ 52% so với tổng số hộ dân, đến năm 2021số gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập’’ là 43.0937 hộ, đạt tỷ lệ 81,8% tổng số hộ (chỉ tiêu của Thành hội là 65%).
      - Kết quả mô hình “Dòng họ học tập”: Năm 2016 có 282 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, đạt tỷ lệ 34,3% tổng số dòng họ. Năm 2021 có 699 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, đạt tỷ lệ 85% (chỉ tiêu Thành phố là 50%).
      - Kết quả mô hình “Cộng đồng học tập”: Năm 2016 số cộng đồng đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập” là 43 cộng đồng, đạt tỷ lệ 45%, năm 2021 có 93 cộng đồng đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”, tỷ lệ đạt 93% (thành phố giao 60%).
      - Mô hình “Đơn vị học tập” do xã quản lý: Năm 2016 có 47 đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”, tỷ lệ 52,8%. Năm 2021 có 77 đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”, đạt tỷ lệ 97% (chỉ tiêu Thành phố là 50%).
      - Kết quả mô hình “Đơn vị học tập” cấp xã theo Thông tư 44 của Bộ Giáo dục & Đào tạo năm 2016 có 5 đơn vị đạt tốt, còn lại là trung bình và khá; đến nay có 18/18 đơn vị đạt, trong đó đạt loại tốt 16/18 tỷ lệ 88,8%, 2/18 đơn vị đạt khá tỷ lệ 11,2%. Kết quả các mô hình học tập trên địa bàn huyện những năm qua là rất tốt, làm tiền đề để thực hiện mô hình “Công dân học tập” giai đoạn 2021-2030.
      Để thực hiện được các nhiệm vụ của Đại hội, Hội Khuyến học huyện Mê Linh còn rất quan tâm đến công tác phối hợp để tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị. Trong nhiệm kỳ Hội đã ký chương trình phối hợp với: Phòng Giáo dục & Đào tạo, Hội phụ nữ, Đoàn TNCSHCM, Liên đoàn lao động huyện, Hội người cao tuổi, Hội Nông dân…
      Đặc biệt nhiệm kỳ qua Hội đã phối hợp và liên kết với Công ty Du học Đồng đội để đào tạo cho sinh viên, bộ đội xuất ngũ, người lao động…trên địa bàn học tiếng Nhật, tiếng Hàn để đi làm tại các khu, cụm công nghiệp. Riêng năm 2020 Công ty trao cho Hội 100 suất học bổng, mỗi suất trị giá 10 triệu đồng để cho người học miễn phí. Ngoài ra Công ty còn thưởng hàng 100 suất quà cho các mô hình học tập.
      Trong nhiệm kỳ Hội còn phối hợp với Phòng Giáo dục & Đào tạo duy trì và phát triển các Trung tâm học tập cộng đồng, từ 2016 đến nay tổ chức được 682 lớp với 52.095 học viên các loại.
Nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Hội khuyến học các cấp vẫn rất cố gắng xây dựng quỹ khuyến học.
      Năm 2016 tổng số quỹ khuyến học toàn huyện (bao gồm quỹ khuyến học của huyện, các xã, thị trấn, các chi hội, các ban khuyến học dòng họ) là 6.480.000.000 đồng. Bình quân đầu người dân là: 26.724 đồng/người.
      Năm 2021 tổng số quỹ khuyến học toàn huyện có 12.205.000.000 đồng. Bình quân đầu người đạt 52.000 đồng/người.
      Do có điều kiện về kinh phí, 5 năm qua Hội khuyến học huyện Mê Linh đã thưởng cho 1.158 học sinh (gồm học sinh giỏi qua các kỳ thi, học sinh nghèo vượt khó học giỏi…), thưởng các mô hình học tập theo Quyết định 281 là 521 lượt tập thể, cá nhân, với tổng số tiền là: 364.800.000 đồng.
      Do đạt được nhiều thành tích, nhiều hội thành viên được Trung ương hội, Thành hội tặng nhiều giấy khen, bằng khen như: Hội khuyến học các thị trấn Quang Minh, Chi Đông, Hội khuyến học các xã Tráng Việt, Tiền Phong, Thạch Đà, Tiến Thắng, Tự Lập…
      Với Hội Khuyến học huyện được Trung ương hội tặng:
      - 01 cờ thi đua xuất sắc năm 2017
      - 04 bằng khen các năm: 2016, 2018, 2019, 2020
      (Năm 2021 đã làm hồ sơ đề nghị Trung ương hội tặng cờ)
      Một nhiệm kỳ nhìn lại, mặc dù trong điều kiện có nhiều khó khăn nhất là đại dịch COVID-19, được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp, các ngành sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, sự cố gắng của Hội khuyến học huyện và các Hội thành viên, Hội khuyến học huyện Mê Linh đã đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần cùng cả huyện hoàn thành các mục tiêu KT-XH mà Đại hội Đảng bộ của huyện đã đề ra, tạo tiền đề cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V (Nhiệm kỳ 2021-2026) của Hội Khuyến học huyện Mê Linh.
 
Mê Linh, tháng 9 năm 2021
VŨ VĂN HẢO
Chủ tịch HKH huyện Mê Linh