Thị ủy Sơn Tây tổng kết 5 năm Chỉ thị 11-CT/TW

Thị ủy Sơn Tây tổng kết 5 năm Chỉ thị 11-CT/TW
Ngày 16/3/2012, Thị uỷ Sơn Tây đã tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đồng chí Nguyễn Hoàng Long - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ, NGND Nguyễn Kim Hoãn – Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội đã về dự. Chúng tôi xin giới thiệu báo cáo tổng kết của Thị uỷ Sơn Tây. Tin và ảnh: VIỆT HUY


Đồng chí Nguyễn Hoàng Long – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ, NGND Nguyễn Kim Hoãn –
Chủ tịch Hội Khuyến học Hà nội, d/c Nguyễn Văm Minh – Phó Bí thư thường trực Thị uỷ Sơn Tây dự hội nghị


 ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ
Thị xã Sơn Tây có diện tích 113,46 km2, 15 đơn vị hành chính gồm: 09 phường, 06 xã, dân số trên 133 nghìn người và hơn 50 nghìn người thuộc lực lượng quân đội, bệnh viện, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên học chuyên nghiệp trên địa bàn. Hệ thống giáo dục mầm non gồm 18 trường (15 trường công lập, 01 trường tư thục Sao Việt, 02 trường thuộc đơn vị quân đội). hệ thống giáo dục phổ thông gồm: 15 trường tiểu học, 15 trường trung học cơ sở, 5 trường trung học phổ thông (03 trường công lập, 02 trường tư thục), Trường Hữu Nghị 80, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp Hướng nghiệp Sơn Tây, 15/15 phường, xã đã thành lập trung tâm học tập cộng đồng.
Hội Khuyến học thị xã đã tiến hành hai kỳ đại hội: nhiệm kỳ 2003 - 2009 và 2009 - 2014 đề ra chương trình, kế hoạch hoạt động, mục tiêu phấn đấu và giải pháp thực hiện nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài.
    I. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện
          Trước khi có Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Thị ủy Sơn Tây đã lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ thị xã đến cơ sở quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị số 50 - CT/TW ngày 24/8/1999 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Khuyến học Việt Nam”, Thông tri số 27 - TT/TU ngày 22/6/2000 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tây về việc thành lập hội khuyến học các cấp; vì vậy, hoạt động của hội khuyến học các cấp trên địa bàn thị xã đã đạt được những kết quả nhất định. Kế thừa những kết quả, kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 50 - CT/TW, sau khi có Chỉ thị số 11 - CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị, xác định được tầm quan trọng của việc triển khai đầy đủ các nội dung, tinh thần Chỉ thị, Ban Thường vụ Thị ủy Sơn Tây ban hành Kế hoạch số 40 - KH/TU ngày 10/9/2007 thực hiện Chỉ thị số 11 - CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ thị xã đến cơ sở tổ chức học tập, quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện Chỉ thị.
          Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân thị xã xây dựng Chương trình số 257/CTr-UBND ngày 3/10/2007 thực hiện Kế hoạch 40 - KH/TU của Ban Thường vụ Thị ủy triển khai thực hiện Chỉ thị 11 - CT/TW, ban hành Công văn số 437/UBND ngày 01/7/2008 về việc “Triển khai thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập và trung tâm học tập cộng đồng”, kịp thời triển khai thực hiện nội dung Quyết định số 09/2008/QĐ-BGD&ĐT ngày 24/3/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, căn cứ tình hình thực tiễn, Ban Thường vụ Thị ủy đã ban hành Chương trình số 11 - CTr/TU ngày 2/12/2009 thực hiện Thông báo Kết luận số 242 - TB/TW ngày 15/4/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020 trong đó đề cập chi tiết, cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Từng năm, trong chương trình công tác, lịch sinh hoạt, các kỳ họp hàng quý, 6 tháng, Ban Thường vụ Thị ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thị xã quan tâm bàn thảo, quyết định các vấn đề về công tác giáo dục, trong đó có công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Định kỳ dịp đầu năm học và Ngày Khuyến học hàng năm, Thường trực, Ban Thường vụ Thị ủy tổ chức hội nghị giao ban về công tác giáo dục với các phòng, ban, ngành chức năng và các đồng chí bí thư, chủ tịch Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, chủ tịch hội khuyến học các phường, xã; bí thư, hiệu trưởng các nhà trường, để tổng hợp nắm bắt tình hình, những đề xuất, kiến nghị trực tiếp của phường, xã, các nhà trường qua đó tập trung chỉ đạo, định hướng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các đơn vị.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thị ủy, trong nghị quyết lãnh đạo và chương trình hành động hàng năm của 100% đảng ủy các xã, phường đều có nội dung, các chỉ tiêu cụ thể về công tác khuyến học, khuyến tài. Để công tác khuyến học, khuyế tài được thực hiện nghiêm túc, đảng ủy các cơ sở đều phân công một đồng chí đảng ủy viên chịu trách nhiệm chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các chi hội khuyến học, tổ chức thực hiện đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết trong lĩnh vực này cùng với các nội dung công tác quan trọng khác của các xã, phường. Công tác khuyến học, khuyến tài được xây dựng thành một tiêu chí chấm điểm thi đua của các đơn vị.
II. Về tổ chức tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị 11
Ban Thường vụ Thị ủy đã tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị số 11 - CT/TW và các văn bản thị xã ban hành đến các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ,  Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, lãnh đạo các phòng, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thị xã, bí thư các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, các đồng chí bí thư, chủ tịch hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, trưởng ban tuyên giáo, báo cáo viên, chủ tịch hội khuyến học các xã, phường.
Sau hội nghị học tập của cán bộ chủ chốt thị xã, 100% tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể xây dựng chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 11, đồng thời triển khai tổ chức học tập các văn bản trên đến cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên. Hội khuyến học các cơ sở đã tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú như: sinh hoạt thường kỳ của hội khuyến học, cụm thi đua khuyến học, chi hội cụm dân cư khuyến học...
Đặc biệt, sau khi có Quyết định số 1271/QĐ-TTg ngày 16/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 2/10 hàng năm làm Ngày Khuyến học Việt Nam, công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị 11 và Chương trình hành động số 26 - CTr/TU ngày 20/12/2007 của Thành ủy Hà Nội (viết gọn là Chương trình 26) càng được quan tâm, đẩy mạnh.
Nội dung các văn bản trên cùng với tấm gương tiêu biểu của các hội khuyến học, chi hội khuyến học, dòng họ khuyến học, gia đình hiếu học, các cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào... được tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống truyền thông như: hệ thống báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà nội, Trang Thông tin điện tử thị xã và hệ thống truyền thanh từ thị xã đến cơ sở... Qua đó, đã nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội về sự cần thiết, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; xác định trách nhiệm quan tâm, chăm lo tới công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân trên địa bàn.
Hàng năm, thị xã đều chỉ đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên Sơn Tây hướng dẫn nội dung hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng các phường, xã, để trên cơ sở đó, ban giám đốc trung tâm học tập cộng đồng các phường, xã xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với yêu cầu của người học tại địa phương.
Hội Khuyến học thị xã chủ động triển khai việc tuyên truyền, hướng dẫn các hội cơ sở có kế hoạch hoạt động cụ thể. Định kỳ, hàng năm, đảng uỷ các phường, xã đã bố trí nghe hội khuyến học, ban giám đốc trung tâm học tập cộng đồng báo cáo tình hình tổ chức, kế hoạch công tác để trực tiếp chỉ đạo các nhiệm vụ cần tập trung nhằm nâng cao chất lượng hoạt động; chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc cấp ủy các chi bộ quan tâm thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập từ cơ sở



Đồng chí Nguyễn Lam Điền – Phó Chủ tịch UBND Thị xã, Chủ tịch Hội Khuyến học Sơn Tây đọc báo cáo tổng kết

III. Kết quả thực hiện Chỉ thị
Được sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị 11 - CT/TW, Chương trình 26, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thị xã Sơn Tây đã đạt được nhiều kết quả:
 
1. Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thị xã bằng Chương trình số 257/CTr-UBND ngày 3/10/2007 với 03 nhiệm vụ lớn và các nhóm giải pháp, thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu nêu trong Chương trình hành động số 26 của Thành ủy Hà Nội
- Duy trì và giữ vững kết quả xoá mù chữ, hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở. 15/15 phường, xã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ; 8/15 xã, phường đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. 15/15 xã, phường được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đạt mức độ I, 15/15 xã, phường được công nhận phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
- 96,5% cán bộ xã, phường có trình độ văn hoá bậc trung học phổ thông; 35,3% có trình độ đại học; 61% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên; 100% cán bộ xã, phường được học tập, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về quản lý, pháp luật, kinh tế – xã hội.
- 100% cán bộ công chức trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của thị xã được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ... Từ năm 2007 đến năm 2011, phối hợp với Thành ủy, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong mở lớp đào tạo chính trị, chuyên môn tại thị xã, cụ thể: 05 lớp trung cấp lý luận chính trị với 374 học viên (169 học viên là cán bộ, công chức xã, phường), 4 lớp sơ cấp chính trị với 339 học viên (245 học viên là cán bộ, công chức xã, phường), 01 lớp đại học hành chính với 105 học viên. Cử 45 cán bộ xã, phường học trung cấp lý luận chính trị tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Số cán bộ xã, phường được tạo điều kiện đi đào tạo đại học về chuyên môn là 146 đồng chí, đã tốt nghiệp 65 đồng chí. Nội dung đào tạo chủ yếu về chuyên môn, lý luận chính trị.
Đã mở 165 lớp bồi dưỡng chính trị tại thị xã với tổng số 18.644 lượt học viên (cán bộ, học viên xã, phường chiếm khoảng 70%). Trong đó: tập huấn nghiệp vụ các ban đảng 19 lớp với 2.180 học viên (cán bộ xã, phường khoảng 860 người); 42 lớp nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
Mở 02 lớp bồi dưỡng cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, khu phố cho 183 học viên, 02 lớp tin học cho 102 học viên, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cải cách hành chính cho cán bộ xã với 100 học viên, 05 lớp bồi dưỡng sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ cho 159 học viên, 24 cán bộ học lớp thí điểm đào tạo quân sự.
Để nâng cao trình độ cho cán bộ, phục vụ công tác cải cách hành chính, mở 01 lớp bồi dưỡng chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường với 15 đồng chí, lớp bồi dưỡng chủ tịch hội đồng nhân dân xã, phường với 15 đồng chí. Nội dung bồi dưỡng chủ yếu về nghiệp vụ công tác chuyên môn, bồi dưỡng kiến thức tin học, ngoại ngữ, quốc phòng, bồi dưỡng chuyên đề, kỹ năng...
Số người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, dịch vụ được tiếp cận và thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng, nâng cao hiểu biết, khả năng lao động sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống ngày càng cao. Riêng các lớp học nghề 5 năm đào tạo 9.770 người. Các lớp về dịch vụ văn hóa đào tạo trên 1000 lượt người.
Thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010” theo Quyết định 112/2005/QĐ-TTg ngày 18/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 11 - CT/TW, các cấp uỷ đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện phát huy mọi nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục; cụ thể hóa bằng chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã khóa XIX và nghị quyết các tổ chức cơ sở đảng nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhằm từng bước xây dựng và phát triển mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài phục vụ thiết thực quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước sớm đưa thị xã trở thành đô thị loại II - Đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội. Ngoài hệ thống giáo dục được tổ chức theo các cấp học, ngành học: mầm non, tiểu học, THCS, THPT; 15/15 xã, phường đã thành lập trung tâm học tập cộng đồng (năm 2006 thị xã mới thành lập 6 trung tâm). Thị xã đã quan tâm cấp kinh phí cho 15/15 trung tâm học tập cộng đồng của xã, phường với tổng số tiền: 861.585.000 đồng. Các trung tâm đã xây dựng được quy chế tổ chức và hoạt động. Hoạt động của các trung tâm dần đi vào nền nếp và có hiệu quả thiết thực trong việc bồi dưỡng, nâng cao hiểu biết về kiến thức, kỹ năng lao động sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Các trung tâm học tập cộng đồng thuộc các đơn vị tổ chức hoạt động khá tốt là: Sơn Lộc, Trung Sơn Trầm, Xuân Khanh, Trung Hưng, Quang Trung, Viên Sơn, Kim Sơn và Đường Lâm.
Cùng với việc quan tâm chỉ đạo hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường, thị xã quan tâm xây dựng, nâng cấp Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã với 02 cơ sở gồm 16 phòng học kiên cố, 02 hội trường, nhà tập đa năng, phòng học bộ môn phục vụ tốt cho các hoạt động giáo dục của hệ trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông và liên kết đào tạo các lớp: Luật Kinh tế, Đại học Mầm non, Trung cấp Mầm non, Trung cấp Máy tính - Kế toán, lớp Quản lý giáo dục... đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân. Ngoài ra, thị xã còn có các cơ sở giáo dục - đào tạo, giảng dạy đáp ứng được cơ bản các nhu cầu của người học trên địa bàn thị xã và các huyện lân cận (Ba Vì, Phúc Thọ) như: Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp Hướng nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp dạy nghề trên địa bàn, hệ thống các thư viện, tủ sách chuyên môn, văn hóa - xã hội, tủ sách pháp luật từ thị xã đến cơ sở… Tất cả các thiết chế giáo dục - đào tạo trên đã tạo ra một hạ tầng giáo dục phong phú, linh hoạt phù hợp với công tác khuyến học rộng khắp trên địa bàn thị xã, được cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân đồng tình ủng hộ, hưởng ứng, đáp ứng như cầu của người tham gia học.
2. Mở rộng và nâng cao chất lượng khuyến học, khuyến tài, góp phần hỗ trợ các sơ sở trong giảng dạy và học tập
Các cấp hội hoạt động theo 03 mục tiêu cơ bản của Điều lệ Hội Khuyến học Việt Nam, nổi bật nhất là tích cực tham gia đóng góp nguồn lực vào việc thực hiện xã hội hóa giáo dục (XHHGD), khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của nhân dân thị xã, huy động các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội tham gia vào việc đa dạng hóa các hình thức học tập, các loại hình trường lớp, tạo ra môi trường văn hóa và những điều kiện cần thiết cho đông đảo mọi người được học tập thường xuyên, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, nhằm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của thị xã. Hội khuyến học các xã, phường tham gia tích cực vào công tác phổ cập giáo dục, vận động để không có học sinh bỏ học, tham gia vận động nhân dân đóng góp xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đến nay, thị xã đã xây dựng 12 trường đạt chuẩn quốc gia.
Việc huy động các nguồn lực để đầu tư cho công tác khuyến học, khuyến tài được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội thị xã và nhân dân tham gia đạt kết quả. Đã có những phụ huynh ủng hộ từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng học tập, thảm trải, đệm nằm cho các cháu học sinh, xây dựng sân khấu ngoài trời, khu vui chơi... tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các nhà trường (ông Nguyễn Văn Cường phụ huynh Trường Mầm non Quang Trung ủng hộ 30 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Kim Thanh ủng hộ Trường Mầm non Sơn Ca trị giá 280 triệu đồng...).
Về cuộc vận động xây dựng các dòng họ khuyến học, gia đình hiếu học: Hội Khuyến học thị xã và các xã, phường phát động phong trào được các cấp hội hưởng ứng sôi nổi, xuất hiện nhiều dòng họ khuyến học, gia đình hiếu học. Tiêu biểu là: dòng họ Kiều (phường Phú Thịnh) lấy Ngày Giỗ tổ Vua Hùng 10/3 âm lịch làm ngày khuyến học của dòng họ để tuyên dương, khen thưởng các con, cháu của dòng họ có thành tích xuất sắc trong học tập, các cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng; dòng họ Phùng (thôn Thanh Vị, xã Thanh Mỹ) là dòng họ điển hình về công tác xây dựng và quản lý quỹ khuyến học có hiệu quả; số quỹ của dòng họ lên tới gần 200 triệu đồng; hàng năm, quỹ của dòng họ dành để khen thưởng các cháu học sinh giỏi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, hỗ trợ các cháu không may bị tai nạn, rủi ro, trợ giúp các cháu hộ nghèo... Dòng họ Nguyễn Huy (thôn Nghĩa Sơn, xã Kim Sơn) là dòng họ có công tác tổ chức và quy chế hoạt động khuyến học chặt chẽ. Ngoài ra, các dòng họ như họ Hà, họ Giang, họ Phan, họ Đỗ ở xã Đường Lâm; họ Tô, họ Cát ở phường Phú Thịnh... đã có nhiều sáng kiến tổ chức tốt công tác khuyến học, tạo cơ hội để con cháu của dòng họ vươn lên đạt nhiều thành tích trong học tập và công tác.
Cùng với phong trào xây dựng dòng họ khuyến học, gia đình hiếu học phát triển trên toàn thị xã. Các gia đình hiếu học ở các thôn, làng, khu, tổ dân phố, đồng thời là các gia đình văn hóa, là hạt nhân tích cực trong phong trào xây dựng khu phố văn hóa, làng văn minh. Tiêu biểu là gia đình bà Hoàng Thị Ngọc Quyên, ông Đặng Kinh Tế (phường Phú Thịnh), ông Nguyễn Huy Túc (xã Kim Sơn), bà Lê Thị Thanh, ông Hà Quốc Thịnh (phường Xuân Khanh), ông Lê Như Tấn, Lê Thượng Hải (phường Sơn Lộc), ông Hà Văn Đức, Phan Văn Sinh (xã Đường Lâm), ông Phùng Tiến Trường, bà Phùng Thị Lý (phường Trung Hưng). Đại diện cha mẹ học sinh các nhà trường được thành lập hàng năm được kiện toàn và kịp thời và đã hoạt động tích cực, hiệu quả. Định kỳ đầu năm, các học kỳ, các kỳ họp phụ huynh, các ban đại diện cha mẹ học sinh đã thực sự là cầu nối, cánh tay nối dài giúp nhà trường triển khai thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ dạy và học, đặc biệt là công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Về công tác xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài: Hội Khuyến học thị xã và cơ sở có nhiều cố gắng tổ chức phát động xây dựng quỹ. Trong 5 năm (2007 - 2011), Hội Khuyến học thị xã có số quỹ là 517,3 triệu đồng. Hội khuyến học các xã, phường mỗi năm vận động được từ 10 đến 20 triệu đồng để chi khuyến học, khuyến tài tại địa phương. Hầu hết các hội đã phối hợp tốt với ban dân số - gia đình và trẻ em các xã, phường tổ chức trao quà, phát thưởng cho trẻ em nghèo, vượt khó trong học tập và học sinh có thành tích cao hàng năm. Các chi hội khuyến học ở các dòng họ, cơ quan, trường học, đơn vị quân đội tổ chức khen thưởng cho cán bộ, công nhân viên chức.
Từ năm 2007 đến 2011, Hội Khuyến học thị xã đã 3 lần phát động xây dựng quỹ khuyến học vào các năm 2008, 2010 và 2011 trong đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức với mức vận động mỗi cán bộ, công chức, viên chức một nửa ngày lương, các đối tượng lao động khác một nửa ngày công thu nhập. Kết quả đã Hội Khuyến học thị xã đã vận động được trên 200.000.000 đồng. Với số tiền vận động trên, Hội Khuyến học thị xã đã kịp thời, thường xuyên tổ chức khen thưởng cho các em học sinh giỏi, học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi của thị xã, thành phố và quốc gia; học sinh diện chính sách và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật học giỏi, khá, hỗ trợ tiền sách, bút cho học sinh nghèo; giáo viên giỏi, giáo viên có học sinh giỏi cấp thành phố, cấp quốc gia và hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng.
3. Củng cố, xây dựng mạng lưới hội khuyến học vững mạnh, làm nòng cốt cho sự liên kết, phối hợp các tổ chức, lực lượng xã hội tham gia vào phong trào khuyến học, khuyến tài
Hệ thống mạng lưới khuyến học từ cơ sở đến thị xã được củng cố, phát triển, hoạt động khuyến học diễn ra phong phú, sôi nổi:
Thị xã đã tổ chức thành công 02 kỳ đại hội đại biểu Hội Khuyến học thị xã Sơn Tây (nhiệm kỳ 2003 - 2009 và nhiệm kỳ 2009 - 2014) với Ban Chấp hành Hội Khuyến học thị xã gồm 39 ủy viên (nhiệm kỳ 2003 - 1009) và 27 ủy viên (nhiệm kỳ 2009 - 2014). Trong quá trình hoạt động, các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành khi thay đổi vị trí công tác, Ban Chấp hành Hội kịp thời tổ chức kiện toàn để duy trì hoạt động của Hội. Tại cơ sở, hội khuyến học các xã, phường được bầu cử trong kỳ đại hội, sau các cuộc bầu cử hội đồng nhân dân hoặc đại hội của các ngành, đoàn thể có sự thay đổi về nhân sự thì các hội khuyến học cũng được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân từ thị xã đến cơ sở, sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, các cấp hội khuyến học thị xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Mạng lưới hội khuyến học ngày càng phát triển rộng trên toàn thị xã. Năm 2007, số hội khuyến học của các xã, phường là 8/15 = 53,3%; đến 2011 là 15/15 = 100%. Số chi hội đã tăng 20,6%, số hội viên khuyến học liên tục có sự phát triển: năm 2006 toàn thị xã có 2.957 hội viên, năm 2007: 3.100 hội viên, năm 2008: 3185 hội viên; năm 2009: 3.575 hội viên, năm 2010: 3.884 hội viên, năm 2011: 3.914 hội viên (từ 2007 đến 2011 tăng 32,4%); trung tâm học tập cộng đồng tăng từ 53,3% lên 100%.
          Các cơ quan, ban, ngành, các xã, phường, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị quân đội, doanh nghiệp... có nhiều hình thức khuyến học, khuyến tài phong phú. Các hội khuyến học cơ sở hoạt động có nề nếp, hiệu quả như Hội Khuyến học phường Sơn Lộc, Xuân Khanh. Các hội khuyến học phường Trung Hưng, Phú Thịnh, Viên Sơn, Lê Lợi, Ngô Quyền, Quang Trung, xã Kim Sơn, Đường Lâm, Thanh Mỹ phối hợp với các trường học phát động phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, động viên, khen thưởng học sinh giỏi, các thầy, cô dạy giỏi.
          Nhiều đơn vị quân đội, cơ quan, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động khuyến học, hoạt động hè, tuyên dương, khen thưởng học sinh có thành tích và tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho con em cán bộ, công nhân viên trong đơn vị. Ngoài các hoạt động khuyến học, khuyến tài, các cấp hội tích cực tham gia các hoạt động xã hội như xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng khu phố, làng văn hóa, gia đình văn hóa, vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm lớn...
          Đại diện lãnh đạo các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đều tham gia ban chấp hành hội khuyến học nên mọi chủ trương, giải pháp triển khai thực hiện Chỉ thị 11, Chương trình 26 đều có sự phối hợp hoạt động kịp thời và hiệu quả.
          UBMTTQ thị xã đã chỉ đạo đưa các nội dung cuộc vận động xây dựng xã hội học tập lồng với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. MTTQ thị xã  và các phường, xã tích cực vận động động quỹ khuyến học để khen thưởng các cháu học giỏi, hỗ trợ các cháu học sinh nghèo vượt khó. Hàng năm, UBMTTQ thị xã và các phường, xã đã trích quỹ “Vì người nghèo” trao quà cho các cháu học sinh con hộ nghèo. Trong 5 năm (2007 - 2011) đã tặng cho học sinh con hộ nghèo trị giá gần 110,8 triệu đồng.
Hội LHPN thị xã chỉ đạo các cơ sở hội tích cực tham gia hưởng ứng vận động các cháu ra lớp và tặng quà cho các cháu là con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn, đồ dùng sách vở với tổng số tiền trong 05 năm trên  80 triệu đồng.
 LĐLĐ thị xã hướng dẫn cho các công đoàn cơ sở về nội dung công tác khuyến học, đưa công tác khuyến học vào tiêu chuẩn thi đua và vận động các doanh nghiệp ủng hộ quỹ khuyến học. Đến nay, 100% công đoàn cơ sở có quỹ khuyến học. Trong 5 năm, LĐLĐ thị xã đã trao  2.600 suất quà và học bổng trị giá  210 triệu đồng cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Hội Cựu chiến binh thị xã khen thưởng con gia đình chính sách, con cựu chiến binh học giỏi, thi đỗ đại học là 15.950.000 đồng.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thị xã đẩy mạnh phong trào học tập cho các đoàn viên thanh thiếu niên như thông qua các mô hình hoạt động, sinh hoạt phong phú, hấp dẫn của tổ chức đoàn, hội liên hiệp thanh niên, đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh: “Học tập vì ngày mai lập nghiệp”, “Đôi bạn cùng tiến”, “Con ngoan trò giỏi”, “Cháu ngoan Bác Hồ”…Đặc biệt, đã chủ động liên kết, phối hợp với các đơn vị, nhà tài trợ như Vietel, doanh ngiệp Honda Dung Vượng, Công ty Nga Thịnh... ủng hộ tiền và hiện vật cho học sinh khó khăn. Trong 5 năm, đã tặng 1.220 suất quà trị giá gần 105 triệu đồng cho trẻ em nghèo; tặng 800 bộ sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh; trao học bổng cho 42 em với trị giá gần 29 triệu đồng.
Hội Nông dân thị xã chỉ đạo các cơ sở hội xây dựng quỹ hội, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài. Rà soát các hộ có hội viên, con em có hòan cảnh khó khăn để kịp thời động viên giúp đỡ. Trong 5 năm, các cơ sở hội đã giúp đỡ  học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 724,4 triệu đồng.
          Ngoài việc tuyên truyền và vận động toàn dân tham gia ủng hộ, hoạt động của hội khuyến học còn thường xuyên phối hợp vận động tranh thủ sự ủng hộ của các nhà tài trợ, nhà hảo tâm để tăng thêm nguồn lực phát triển cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của thị xã.
 
Trao thưởng cho các đơn vị xuất sắc

* Đánh giá chung:
          - Ưu điểm: 05 năm qua, việc triển khai quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện Chỉ thị 11 đã được Ban Thường vụ Thị ủy Sơn Tây nghiêm túc triển khai trong toàn Đảng bộ từ thị xã đến cơ sở. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân có nhận thức sâu sắc hơn về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Các ngành, đoàn thể đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tạo sức mạnh tổng hợp toàn xã hội làm công tác khuyến học, khuyến tài; tổ chức và hoạt động của hội khuyến học xã, phường và các chi hội dần đi vào nề nếp, có chất lượng, được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, phong trào xây dựng dòng họ khuyến học, gia đình hiếu học từng bước phát triển sâu rộng, đội ngũ cán bộ khuyến học tâm huyết, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm trong công tác, không quản ngại khó khăn tuyên truyền, vận động, phát triển sự nghiệp khuyến học. Những hoạt động đó góp phần khơi dậy lòng yêu nghề của thầy, tinh thần ham học của trò, làm cho mọi người, mọi nhà, mọi ngành quan tâm hơn đến khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ giáo dục.
- Hạn chế: việc thành lập các chi hội khuyến học ở các cơ quan, đơn vị, dòng họ còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác khuyến học; số dòng họ khuyến học, gia đình hiếu học ở thị xã chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng giáo dục của thị xã; hoạt động của một số trung tâm học tập cộng đồng còn mang tính hình thức; chế độ thông tin báo cáo của một số hội cơ sở còn  chưa đầy đủ, kịp thời; nội dung hoạt động khuyến học ở một số hội cơ sở chưa phong phú, chất lượng hiệu quả chưa cao.
- Nguyên nhân: hầu hết cán bộ các hội khuyến học thị xã đến cơ sở đều là cán bộ lãnh đạo đương chức kiêm nhiệm bận nhiều công việc chuyên môn, thời gian dành cho công tác khuyến học chưa nhiều; cấp uỷ đảng, chính quyền ở một số xã, phường chưa quan tâm đầy đủ, thường xuyên đến công tác khuyến học.
Hiện nay vẫn chưa có chế độ phụ cấp cho cán bộ hội khuyến học ở cơ sở và đội ngũ này thường xuyên thay đổi ...  những yếu tố trên là một phần trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo khuyến học ở cơ sở.
*  Bài học kinh nghiệm:
- Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và chú trọng công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra.
- Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của các đơn vị.
- Cần lựa chọn người có uy tín trong cộng đồng cư dân, nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết, tự nguyện, có năng lực hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, có điều kiện về sức khỏe, thời gian và am hiểu về công tác khuyến học để tham gia vào ban chấp hành hội khuyến học các cấp.
          - Thường vụ hội khuyến học các cấp cần nắm vững các nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm trong năm học để có sự chủ động quan tâm cho giáo dục và đào tạo đồng thời phân công phân nhiệm rõ ràng, cụ thể cho các ban chuyên đề và từng thành viên của ban chấp hành, có kiểm tra đôn đốc và rút kinh nghiệm kịp thời trong các kỳ họp.
          - Chú trọng công tác thi đua khen thưởng, quan tâm bồi dưỡng, nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.
 
PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
I. Phương hướng, mục tiêu
- Phấn đấu duy trì và giữ vững kết quả xoá mù chữ, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS, tiến tới phổ cập bậc trung học phổ thông.
- 100% cán bộ xã, phường có trình độ văn hoá bậc trung học phổ thông hoặc tương đương.
- 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính của thị xã được tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, lý luận chính trị, tin học.... phù hợp với chức năng nhiệm vụ đảm nhiệm.
- 95% người lao động tại các xã, phường được tiếp cận và thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng, nâng cao hiểu biết, khả năng lao động sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống.
- 15 trung tâm học tập cộng đồng của 15 xã, phường trên địa bàn thị xã xây dựng được chương trình, kế hoạch hàng năm và tổ chức các hoạt động một cách phong phú, hiệu quả.
- Tiếp tục củng cố vững chắc hệ thống khuyến học từ thị xã tới các xã, phường, các khu dân cư, tổ dân phố, dòng họ, cơ quan, đơn vị, trường học.
II. Nhiệm vụ và giải pháp
1. Về công tác tuyên truyền: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 11 - CT/TW của Bộ Chính trị và Chương trình số 26 - CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” trong toàn hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, các hộ gia đình và cộng đồng; giới thiệu gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến trong phong trào khuyến học, khuyến tài của thị xã. Không ngừng nâng cao nhận thức về hội khuyến học là một tổ chức xã hội tự nguyện của mọi người dân Việt Nam tâm huyết với sự nghiệp trồng người.
Tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ của hội khuyến học để tích tham gia, ủng hộ, cổ vũ cho phong trào của hội; biểu dương những học sinh, cán bộ, nhân dân vượt khó học giỏi thành tài và những tổ chức, gia đình, cá nhân nhiệt tình chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, có nhiều đóng góp cho công tác khuyến học; biểu dương các thầy, cô giáo dạy giỏi, toàn tâm, toàn ý với học sinh, những điển hình hoạt động về công tác khuyến học có hiệu quả. Định kỳ, Hội Khuyến học thị xã cần phối hợp với Ban Tuyên giáo Thị ủy, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Văn hóa - Thông tin, Đài Truyền thanh thị xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có kế hoạch tuyên truyền, chỉ đạo sâu rộng về hoạt động của Hội.
2. Về củng cố tổ chức và phát triển hội: Hội Khuyến học thị xã phải tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, phối hợp, chỉ đạo phát triển mạnh mẽ tổ chức hội cơ sở ở khắp các xã, phường, tổ dân phố, thôn, xóm, từng gia đình, dòng họ, cơ quan, trường học… nhằm động viên mọi người trong cộng đồng tham gia công tác khuyến học, khuyến tài. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác phát triển hội viên, coi trọng công tác củng cố, kiện toàn tổ chức, tránh hình thức. Hàng năm, các tổ chức hội thực hiện việc, sơ, tổng kết đánh giá các mặt hoạt động trong năm và đề ra chương trình hoạt động cụ thể để thực hiện nghị quyết đại hội cấp mình; gắn hoạt động của Hội với chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, góp phần xây dựng xã hội học tập và chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Duy trì đều đặn chế độ sinh hoạt theo quy chế tổ chức của Hội, tăng cường hiệu lực chỉ đạo của ban chấp hành; phân công công việc, trách nhiệm cụ thể, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện.
3. Về xây dựng quỹ khuyến học: phải đa dạng hóa các hình thức xây dựng quỹ khuyến học, bao gồm cả tiền và hiện vật, sự ủng hộ thông qua quỹ hay tài trợ trực tiếp cho các đối tượng theo yêu cầu của nhà tài trợ...
4. Làm tốt công tác thi đua khen thưởng: phát động phong trào thi đua theo 5 nội dung và các tiêu chí đánh giá do Hội Khuyến học Việt Nam ban hành; hưởng ứng đợt thi đua chào mừng Đại hội Thi đua Khuyến học toàn quốc do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phát động và tổng kết 05 năm xây dựng xã hội học tập. Phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng, xây dựng các tập thể, cá nhân điển hình về công tác khuyến học để tuyên truyền, phổ biến nhân rộng trong toàn thị xã.
          5. Vận động toàn dân chăm lo thế hệ trẻ, tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hoá, cơ quan văn hoá, tham gia tích cực vào các phong trào thi đua, hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng của các xã, phường.
          6. Củng cố, phát triển, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức hội các cấp vững mạnh trở thành lực lượng nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp các tổ chức, các lực lượng xã hội khác tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, phát triển thêm nhiều dòng họ khuyến học, gia đình hiếu học trong toàn thị xã nhằm phát huy truyền thống hiếu học, đưa mạnh khuyến học vào mọi nhà, đến với mọi người đảm bảo "ai ai cũng được học hành", học thường xuyên, học suốt đời.
          7. Triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng  quỹ khuyến học trong các năm tiếp theo. Hội Khuyến học thị xã thường xuyên báo cáo, tranh thủ sự lãnh đạo của Thị uỷ, HĐND, MTTQ thị xã, Thành hội Hà Nội và TW Hội Khuyến học Việt Nam, đồng thời phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan, phòng, ban, ngành đoàn thể trên địa bàn thị xã để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ.
          8. Kết hợp chặt chẽ việc thực hiện Chỉ thị số 11 - CT/TW với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Coi trọng việc làm điểm mô hình tiên tiến để nhân ra diện rộng.
 
MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
- Đề nghị cấp trên có nghị quyết, hội thảo chuyên đề riêng về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
          - Có cơ chế phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước hàng năm cho hoạt động của hội.
- Có chính sách trợ cấp cho cán bộ hội từ cơ sở đến thị xã.
          - Tổ chức cho các cán bộ hội khuyến học cơ sở được đi tập huấn, tham quan học tập về tổ chức và hoạt động của hội khuyến học nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ hội cơ sở.