THAY ĐỔI ĐỂ THÍCH ỨNG VIỆC DẠY & HỌC TRONG MÙA DỊCH COVID

Đã hơn 2 năm dịch Covid khiến cho cả thể giới bị ảnh hưởng, cuộc sống của con người cũng phải liên tục thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Không ai có thể phủ nhận những tác động to lớn và sự thay đổi chóng mặt của nhiều lĩnh vực trong cuộc sống như: Kinh tế, ngoại giao... có tác động lớn đến việc dạy và học của ngành GD&ĐT. Chưa bao giờ những người làm nghề giáo có thể tưởng tượng ra viễn cảnh phải cho các em học sinh ngừng đến trường trong thời gian dài và cũng chưa bao giờ mỗi thầy cô giáo lại phải thay đổi và thích ứng nhanh với tình hình đến như vậy.
Cô giáo Trần Thị Thúy đang lên lớp trực tuyến giờ toán học
      Trường THCS Tứ Liên cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng do covid gây ra. Thời gian đầu tiên các thầy cô giáo trong trường ai cũng bỡ ngỡ với công việc mới là “dạy và học online”. Từ việc dạy học như thế nào, tổ chức các lớp học ra sao cho hiệu quả… các thầy cô giáo trong nhà trường đều rất mơ hồ, không ai có thể tự tin trước hình thức dạy học kiểu mới này. Nhưng đi liền với khó khăn là sự cố gắng vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ của các thầy cô giáo trong nhà trường; trong đó đã có những sự cố gắng đáng được ghi nhận.
      Thay đổi để thích ứng với tình hình mới sẽ dễ dàng hơn đối với những thầy cô giáo trẻ nhưng sẽ là khó khăn lớn đối với các thầy cô đã nhiều tuổi. Nói đến việc thay đổi dù chỉ là rất nhỏ thôi cũng sẽ khiến nhiều đội ngũ giáo viên đã lớn tuổi cảm thấy lo lắng và cảm thấy khó thực hiện. Mới ngày đầu dạy học trực tuyến cô Trần Thị Thúy – 52 tuổi – GV dạy môn Toán đã cảm thấy gần như bỏ cuộc trong việc sử dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin mới. Cô giáo đã vào ngành từ năm từ năm 1989 và cho đến hiện tại cô đã có hơn 30 năm làm việc với nghề. Ở trong trường, cô cũng là một giáo viên có nhiều kinh nghiệm chuyên môn nhưng chỉ ở khía cạnh dạy học theo các phương pháp truyền thống. Trước khi tình hình dịch bệnh diễn ra thì bảng đen, phấn trắng là các công cụ được cô vận dụng nhiều nhất chứ không giống như các thầy cô khác đã dần chuyển đổi sang dạy học bằng cách ghi bảng kết hợp với trình chiếu trên màn hình. Cô vẫn rất yêu nghề, yêu trẻ nhưng với tuổi tác ngày càng cao, cô vẫn nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục duy trì công việc như vậy và không thường xuyên áp dụng công nghệ thông tin vào bài giảng.
      Nhưng có ai ngờ được rằng dịch bệnh đến và làm thay đổi toàn bộ các mặt của xã hội thì việc chỉ dạy học theo kiểu truyền thống của cô sẽ ảnh hưởng đến các học sinh như thế nào. Năm đầu tiên dịch bệnh diễn ra cũng là năm cô đang chủ nhiệm các học sinh lớp 6C – những đứa trẻ mới rời mái trường tiểu học và bỡ ngỡ bước chân vào cấp trung học cơ sở. Cô và trò vừa mới làm quen 1 học kì thì đã phải tạm chia xa do dịch bệnh. Để đáp ứng được việc dạy học theo hình thức trực tuyến, cô đã lên tinh thần để thay đổi bản thân, vượt qua những mặc cảm về tuổi tác và trình độ đào tạo về công nghệ thông tin để áp dụng những phần mềm dạy học mới. Lúc đầu, khi tiếp xúc với các phần mềm dạy học trực tuyến, cô cũng rất lúng túng, phải nhờ các thầy cô giáo trong nhà trường và cả người thân trong gia đình giúp đỡ. Nhưng ai cũng còn có công việc khác của mình, không thể nhờ mãi được, nên cô lại phải tự động viên bản thân và mày mò tìm hiểu để có thể cố gắng sử dụng các phần mềm và đầu tư mua thêm các thiết bị hỗ trợ dạy học trực tuyến. Sau một thời gian dài dạy học trực tuyến thì nay cô đã sử dụng thành thạo được các phần mềm dạy học cơ bản và vẫn đảm bảo chất lượng học tập cho các học sinh. Mặc dù sự ứng dụng công nghệ trong dạy học của cô chưa được nhiều và phong phú như các thầy cô giáo khác trong nhà trường nhưng cô đã cố gắng nỗ lực để vượt lên chính mình, hoàn thành nội dung các bài học, giúp các học sinh tiếp thu bài tốt và đạt kết quả cao trong các kỳ thi.
      Bên cạnh sự nỗ lực của các thế hệ đi trước thì thế hệ giáo viên trẻ trong nhà trường cũng không ngừng cố gắng. Khi chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến thì người đóng vai trò rất quan trọng là giáo viên phụ trách công nghệ thông tin của nhà trường. Cô giáo Nguyễn Hồng Nhung - phụ trách bộ môn Tin học kiêm phụ trách công nghệ thông tin đã rất chủ động trong việc học tập bồi dưỡng thêm các kiến thức để kịp thời tham mưu cho ban giám hiệu khi triển khai dạy và thi bằng hình thức trực tuyến. Mặc dù đã được đào tạo về chuyên môn Tin học nhưng vẫn còn rất nhiều các phần mềm mới, các công cụ hỗ trợ mới khiến cô phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu để chọn lựa và áp dụng cho phù hợp với đối tượng học sinh Tứ Liên. Cô vừa cố gắng tìm tòi và học hỏi để phục vụ công tác của bản thân, vừa  có thể hỗ trợ thêm cho đồng nghiệp của mình. Từ trước đến nay trường THCS Tứ Liên luôn là trường gặp nhiều khó khăn trong đổi mới phương pháp, nhưng nhờ có sự tham mưu của cô giáo mà trường đã vươn lên đạt được nhiều thành tựu trong việc dạy học trực tuyến và được Phòng GD-ĐT quận ghi nhận. Trong năm nay, khi nhiều trường triển khai dạy học bằng phần mềm dạy học trực truyến Zoom Meeting thì cô giáo đã nhận ra được những hạn chế và sự không đảm bảo an toàn khi triển khai phần mềm này trong nhà trường.
Cô Trần Thị Thúy đang tương tác với học sinh trong giờ học
      Cô đã đề xuất chuyển sang một phần mềm mới là Microsoft Team – một trong những phần mềm dạy học được đánh giá cao nhất, tuy nhiên cũng khó để triển khai nhất. Trường THCS Tứ Liên đã là một trong các trường đầu tiên triển khai sử dụng phần mềm này trong quận và đã đạt hiệu quả tốt. Mặt khác, khi các trường cũng đang loay hoay với phương thức kiểm tra đánh giá thì trường THCS Tứ Liên đã là đơn vị đầu tiên triển khai kiểm tra đánh giá trên trang cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục đối với tất cả các môn học kể các các môn khó như Toán, Vật lí, Hóa học gồm rất nhiều hình ảnh và công thức. Trong học kì I vừa qua, cô giáo cũng đã được Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ mời tham gia ban kỹ thuật phục vụ các kỳ thi do phòng GD-ĐT chủ trì. Cô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sự tận tâm của cô vừa giúp cho hoạt động dạy và học của nhà trường được thực hiện hiệu quả, giúp cho đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ, các học sinh vượt qua được những vướng mắc về công nghệ để hoàn thành nội dung bài học, đạt điểm cao trong các kỳ thi trực tuyến.
      Thời gian vừa qua, các thầy cô giáo chỉ vui mừng khi được đón các con học sinh quay trở lại trường học sau một thời gian dài xa cách thì diễn biến tình hình dịch bệnh lại trở nên phức tạp. Ngày càng có nhiều giáo viên, học sinh nhiễm Coivd 19. Việc dạy học của các thầy cô lại gặp khó khăn gấp bội khi vừa kết hợp dạy học trực tiếp với dạy học trực tuyến. Có những thời điểm mỗi lớp chỉ đạt được 50% số học sinh đi học nhưng các thầy cô vẫn cố gắng để vừa dạy các em ở lớp, vừa phát trực tiếp nội dung bài giảng cho các học sinh đang phải học ở nhà. Tính đến thời điểm hiện tại, nhà trường cũng đã ghi nhận hơn 80% giáo viên lần lượt trở thành F0 nhưng chưa có thầy cô nào nghỉ dạy. Dù nằm trên giường bệnh hay trong khu cách ly, các thầy cô đã vượt qua những sự mệt mỏi, những triệu chứng của bệnh tật để cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình. Các thầy cô thường tự hào khi nói: "Bài học hay đánh bay Covid".
      Người ta vẫn thường nói “Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học” nhưng đằng sau ánh hào quang đó là sự cố gắng vượt lên khó khăn, sự phấn đấu không ngừng nghỉ của đội ngũ các thầy cô giáo trong nhà trường. Thầy cô nào cũng thực hiện công việc với lòng yêu trẻ, với sự tâm huyết nghề nghiệp và luôn tự nhủ rằng không bao giờ bỏ lại các học sinh yêu quý phía sau. Những bông hoa trong lòng các thầy cô đang nở để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người.


THCS Tứ Liên, tháng 3 năm 2022
BÙI THỊ LÝ
Hội viên khuyến học