NHẬT KÝ CỦA MẸ

(Bài dự thi hưởng ứng cuộc vận động sáng tác về đề tài khuyến học)

Trưa, sau 1 trận đại chiến nảy lửa và giành chiến thắng oanh liệt trong game mà tôi yêu thích, cái bụng réo lên giục tôi về nhà. Trả tiền cho ông chủ tiệm net xong, tôi thảnh thơi ra về, băn khoăn không biết trưa nay mẹ tôi nấu món gì đây.

           Vừa bước chân đến cổng, 1 tiếng “choang” chói tai vang lên phía trong nhà tôi, nghe như tiếng bát vỡ khiến tôi như bừng tỉnh khỏi cơn mơ về những pha hành động đẹp mắt trong trò chơi lúc nãy. “Cô xem con cái nhà này thế này đây: học hành lơ là chểnh mảng, suốt ngày trốn học, đàn đúm bạn bè, 1 năm học mà không biết bao nhiêu lần bị mời phụ huynh ra trường, cuối cùng là bị học sinh trung bình”- Là giọng của bố tôi. Ôi, chết thật! Sao tôi lại có thể quên mất hôm nay là ngày họp phụ huynh chứ?! Chắc kết quả tệ lắm nên bố tôi mới giận dữ như vậy. May mà lúc nãy tôi đi chơi game chứ ở nhà thì lại bị quật một trận nên thân! “Bao nhiêu tiền của, mồ hôi nước mắt làm ra cho nó ăn học giờ đổ sông đổ bể hết cả. Tôi chẳng hiểu cô là mẹ mà dạy dỗ nó kiểu gì? Bớt lo chuyện bao đồng đi!!”. Tiếng quát mắng của bố cứ oang oang vang lên không ngớt. Đứng ở ngoài cổng mà tôi sợ run hết cả người. Nhưng tưởng tượng cảnh mẹ tôi đang ở trong đó, hứng chịu cơn thịnh nộ của bố mà tôi thấy thương mẹ lắm. Bố tôi nóng tính. Sự vất vả cực nhọc của người công nhân kết hợp với tính gia trưởng sẵn có khiến bố dễ nổi cáu, tựa như một ngọn núi lửa dễ phun trào. Còn mẹ tôi, có lẽ đã vì tôi mà chịu nhiều tủi nhục. Công việc bán hàng của mẹ tuy khá vất vả, thu nhập cũng không được bao nhiêu, nhưng mẹ lại rất hăng hái tham gia các hoạt động của xã, phường, còn được bầu làm Chi hội trưởng chi hội khuyến học của tổ dân phố nên mẹ rất bận bịu. Nhưng bố tôi không thích mẹ làm công việc đó, bố chỉ muốn mẹ chú tâm  vào việc bán hàng, kiếm tiền trang trải cho gia đình. Chính vì thế bố hay nổi cáu với mẹ. Nay, thành tích học tập tụt dốc thảm hại của tôi như mồi lửa châm vào làm cháy bùng cơn nóng giận luôn ủ sẵn ấy. Những tiếng quát tháo vẫn chưa ngừng. Ngay lúc ấy, tôi chỉ muốn chạy ngay vào nhà, đối mặt với cơn thịnh nộ của bố, gánh chịu hình phạt mà mình đáng phải nhận để che chở cho mẹ, nhưng nỗi sợ hãi đã xâm chiếm lấy tôi, níu chân tôi. Vậy là tôi cứ đứng đó và tự trách mình sao mà hèn yếu thế, thật không xứng đáng là một đứa con trai, cho tới khi tôi nghe thấy tiếng bước chân của bố từ trong nhà tiến nhanh về phía cổng: “Thằng Nam đâu rồi? Thằng Nam đâu? thì tôi chạy ào đi...

           Chiều, tôi về nhà. Ngôi nhà đã trở lên im ắng. Khẽ khàng mở cổng, tôi rón rén từng bước từng bước thận trọng. Bố mẹ tôi đều không có nhà, chắc họ đã đi làm. Suốt trưa tôi lang thang ngoài đường với nỗi sợ hãi, lo lắng và cả sự hối hận cứ giày vò tâm trí. Giờ thì tôi mệt mỏi và đói lả. Trên bàn ăn, chiếc lồng bàn vẫn được đậy cẩn thận, bên trong là vài đĩa thức ăn, có lẽ là phần cơm cho tôi. Chợt tôi nhìn thấy một quyển sổ nhỏ trên bàn ăn, là quyển sổ chi tiêu mà mẹ tôi cất giữ rất kỹ. Tò mò, tôi mở quyển sổ ra. Bên trong là những ghi chép chi tiết về số tiền vốn, lãi bán hàng, các khoản chi tiêu hàng tháng. Chỉ là quyển sổ chi tiêu thông thường thôi, nhưng tôi không hiểu tại sao mẹ lại cất giữ nó kỹ đến vậy. Và tôi cũng không hiểu tại sao hôm nay nó lại nằm ở đây, chẳng phải đi đâu mẹ cũng mang nó bên mình sao? Giở đến những trang cuối, tôi không còn thấy những con số nữa, mà thay vào đó là những dòng chữ.

           “Ngày 14-8-2010, hôm nay là ngày mình được bầu làm Chi hội trưởng hội khuyến học của tổ dân phố. Mình hãnh diện lắm. Với cương vị này, mình có thể hiểu hơn, nâng cao tinh thần học tập của các cháu học sinh mà nhất là thằng Nam nhà mình. Nó sắp thi cấp 3 rồi, phải quan tâm đến nó nhiều hơn, cho nó đi học thêm”.

           Mẹ viết nhật ký ư? Thì ra đây là lí do mà mẹ luôn giữ kín quyển sổ này. Mẹ viết dòng này vào tháng 8 năm ngoái. Ồ, vậy là khi tôi chuẩn bị vào lớp 8 thì mẹ cũng được bầu làm Chi hội trưởng. Từ hồi đó tôi không thấy mẹ thuê nhân viên nữa. Hình như thu nhập cũng khá hơn, nhưng mẹ lại vất vả hơn.

         
                                                          
Ảnh minh hoạ

           “Ngày 10-1-2011, học kỳ vừa rồi Nam bị học sinh trung bình. Mình thất vọng lắm, cũng muốn động viên nó nhưng không biết nên nói gì hơn ngoài câu “con phải cố gắng lên”. Việc buôn bán giờ bận bịu nên cũng ít có thời gian trông nom, kèm cặp nó. Đợt trao thưởng vừa rồi, nhiều đứa trong tổ được học sinh giỏi quá, thế mà không có thằng Nam. Nhìn con nhà người ta hớn hở lên nhận giải mà mình buồn rười rượi. Tự tay trao thưởng cho những cháu học sinh khác, mình tự hỏi không biết bao giờ mới có thể trao thưởng cho chính con trai mình?”

          Những dòng cuối cùng được viết vào ngày 19-5-2012, là ngày hôm nay.
          “Ngày 19-5-2012, Nam ơi, mẹ thật sự thất vọng vè con. Là một chi hội trưởng mà con trai lại là một học sinh cá biệt trong lớp, mẹ tủi hổ lắm nhưng chẳng thể nói gì với con. Mẹ phải làm gì để giúp con đây? Còn một năm nữa thôi là con thi vào cấp 3 rồi, mẹ rất lo lắng cho tương lai của con. Kết quả học tập của con ngày một tồi tệ. Bố đã to tiếng với mẹ . Mẹ rất đau lòng. Nhưng bố con nói đúng, mẹ là một người mẹ tồi phải không con? Phải chi mẹ có nhiều điều kiện để cho con ăn học đàng hoàng tử tế hơn. Nhưng sức mẹ chỉ làm được đến thế. Cả bố nữa, bố cũng đã vất vả, cũng khổ tâm như mẹ vậy. Nhưng bố mẹ đã cố gắng hết sức. Còn con đã cố gắng hết sức chưa? Bao nhiêu lần mẹ bắt gặp con trốn học đi chơi game, bao nhiêu lần bị cô giáo mời ra trường, bao nhiêu lần như thế cứ như vết dao cứ cứa vào tim mẹ. Bố và mẹ đều bất lực rồi. Mẹ xin con hãy thay đổi, hãy đỡ đần bố mẹ và hãy nghĩ cho tương lai của chính bản thân con sau này”.

          Tôi bàng hoàng. Mẹ thất vọng về tôi ư? Mẹ buồn đến vậy ư? Còn bố, không phải bố to tiếng với mẹ vì không muốn mẹ làm trong quỹ khuyến học mà là vì tôi ư? Tôi thật sự không biết điều đó. Ôi! tôi vô tâm quá! Từ khi lên cấp 2 đến giờ tôi chưa 1 lần được trao bằng khen học sinh giỏi. Tôi không chú tâm vào học tập, hay trốn học đi chơi. Kết quả học tập của tôi cứ tụt dần từ tiên tiến tới trung bình. Tôi biết mình đã làm bố mẹ buồn nhiều, đã nhiều lần bị nhắc nhở, roi vọt, đôi khi cũng để ý thấy những ánh mắt nửa như trách móc, nửa như coi thường của các bạn trong lớp hướng về phía tôi mỗi lần mẹ tôi bị mời ra trường, nhưng tôi cũng không thể ngăn mình từ bỏ những cám dỗ xung quanh. Tôi đã mặc cho mọi chuyện muốn đến đâu thì đến. Nhưng đọc được những dòng tâm sự này của mẹ, tôi bỗng thấy hối hận vô cùng. Tôi phải làm sao bây giờ? Tôi phải sửa sai thế nào đây?

        
        
“Cạch! có tiếng mở cổng. Bố tôi đã về. Nỗi lo sợ lại trào dâng trong tôi. Nhưng lần này tôi quyết đối mặt với nó và vượt qua nó. Tôi sẽ không để nỗi sợ nhấn chìm bản thân mình nữa. Tôi sẽ thay đổi, vượt qua chính bản thân mình, sẽ cố gắng học tập chăm chỉ để đỗ vào một trường cấp 3 công lập để bố mẹ có thể tự hào về tôi và tôi cũng có thể hãnh diện về chính bản thân mình...

                          ***
          “Ngày 20-7-2012, hôm nay là ngày công bố kết quả của kỳ thi cấp 3. Thằng Nam đỗ 51 điểm, mình vui quá. Không hiểu sao suốt một năm qua nó lại thay đổi nhiều đến vậy. Nó bỏ hẳn game, chăm chỉ học hành đến lạ. Ban đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng chắc hẳn là nó đã nỗ lực nhiều lắm, nó đã vượt qua tất cả. Cuối năm lớp 9 nó được học sinh tiên tiến, còn 1 chút nữa thôi là được học sinh giỏi. Nó tiếc lắm. Nhưng điều quan trọng là con trai mình đã nhận thức được tầm quan trọng của việc học. Cuối cùng, mình cũng đã làm tròn trách nhiệm một Chi hội trưởng chi hội khuyến học và của một người mẹ. Tối nay mình sẽ nấu một bữa ăn thật ngon để chiêu đãi cả nhà và để chúc mừng con trai đỗ đạt.”

          Mẹ tôi gấp quyển sổ nhật ký lại, nở một nụ cười mãn nguyện và tưởng tượng ra khung cảnh đầm ấm hạnh phúc khi cả gia đình quây quần bên mâm cơm tối với nụ cười tươi nở trên môi mỗi người.

                                                                                      CAO HÀ TRANG
                                                                               UBND Phường Ngọc Lâm
                                                                                     Tổ dân phố số 11