GIÁO DỤC VỚI PHONG TRÀO HỘI HỌC TẬP SUỐT ĐỜI

PGS.TS. Chu Văn Ngợi Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội Chi Hội Khuyến học Tổ 20 Phường Khương Mai, Q.Thanh Xuân, Hà Nội
GIÁO DỤC VỚI PHONG TRÀO HỘI HỌC TẬP SUỐT ĐỜI
1. Nhận thức về phong trào học tập suốt đời           
       Nhân dân ta có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo.Trong mọi hoàn cảnh lịch sử, nhân dân ta luôn giữ vững truyền thống đó. Vị trí người thày trong xã hội luôn được coi trọng. Trong xã hội ta nghề dạy học là nghề cao quí trong các nghề cao quí
       Nhân dân ta luôn coi trọng và tôn vinh các dòng họ khoa bảng và các bậc hiền tài và coi đó là những gương sáng để răn dạy con em mình.
        Đất nước ta đã trải qua lịch sử đầy biến động và thăng trầm: Hơn 1000 năm Bắc thuộc, gần 900 năm dưới các triều đại phong kiến, hơn 80 năm nô lệ. Năm 1945,nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, đã giành chính quyền từ tay Nhật, thành lập Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhà nước non trẻ phải gánh chịu một hậu quả nặng nề: Kinh tế kiệt quệ, 95% nhân dân bị mù chữ cùng thù trong giặc ngoài.
       Ngày 3.9.1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời Hồ Chủ tịch nói: ‘Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu’. Người đã coi dốt là giặc và diệt giặc dốt là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Người phát động phong trào bình dân học vụ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, cả xã hội học tập được triển khai trên qui mô toàn quốc. Năm 1945 có 1 triệu người thoát mù chữ. Phong trào được duy trì và phát triển. Năm 1950: 10 triệu người thoát mù chữ.
     Lúc sinh thời, Bác Hồ khuyên dạy cán bộ và thanh niên phải rèn luyện thành người vừa hồng vừa chuyên có nghĩa là phải rèn luyện nhân cách và học tập suốt đời để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Theo tinh thần của Người học để làm người, để phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
      Như vậy xã hội học tập và tư tưởng học suốt đời được hình thành khá sớm ở chế độ ta.                                                              
      Năm 1997 tư tưởng học tập suốt đời chỉ rõ: Học thường xuyên, học suốt đời sẽ trở thành phương thức học tập trong thời đại mới. Nhà trường đại học mới không chỉ giáo dục đào tạo thế hệ thanh niên trong nhà trường, mà phải là nơi tạo điều kiện học tập cho toàn xã hội… Với phương thức học và dạy đa dạng, phù hợp và thuận lợi.. ( GS. Lê Thạc Cán, 1997 ).
      Tư tưởng học suốt đời được trình bầy trong “ Quan hệ giữa GD ban đầu và GD thường xuyên ( GS. Lâm Quang Thiệp, 1997 ).
      Tư tưởng học suốt đời được khẳng định trong luật GD năm 1998 và 2005
      Khi nói đến học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, đương nhiên trong đó có đề cập đến tinh thần hiếu học, ngoài ra còn đề cập đến tinh thần và trách nhiệm của mọi thành viên trong xã hội phải học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ( đối với những người đang tham gia lao động tạo ra của cải vật chất cho xã hội), bồi dưỡng tri thức để nâng cao chất lượng cuộc sông ( Đối với những người đã nghỉ hưu ) và trách nhiệm của các đơn vị phải có kế hoach, đầu tư kinh phí cho việc nâng cao trình độ chuyên môn của các thành viên trong đơn vị.
      Mọi thành viên trong xã hội, mọi đơn vị trong xã hội, tùy theo hoàn cảnh, điều kiện mà lựa chọn phương pháp học tập phù hợp.                                                                               
     Phong trào Học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập là sự phát triển kế thừa phong trào Hiếu học, nâng nhận thức lên tầm cao mới.
     Nghị quyết 281 của Chính Phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”  ký ngày 20/02/2014 là cơ sở pháp lý triển khai phong trào này
  2. GD bậc tiểu học với phong trào học tập suốt đời 
     Trong phong trào học tập suốt đời có nội dung Gia đình học tập với 4 tiêu chí trong đó có tiêu chí học tập của Trẻ em:
      - Trẻ em đến tuổi đi học phải được đi học, không để trẻ thất học.
      - Gia đình tạo điều kiện để các em học tập đạt kết quả từ trung bình
      - Các em được rèn luyện kỹ năng sống, không mắc các tệ nạn xẫ hội
      Vậy sự quan tâm của gia đình thể hiện như thế nào? Về vấn đề này gia đình rất quan tâm, cụ thể lo xin cho con em mình được học ở trường điểm, lo cho con học thêm, mua dụng cụ học tập và sách giáo khoa, vở viết đầy đủ. Sự lo lắng quá mức của gia đình đã gây áp lực học tập đối với các cháu. Trong thực tế, nếu cháu nào thể lực yếu sẽ sinh bệnh tật, ốm đau và không thể học được. Gia đình chưa quan tâm đến phương pháp học, đến kỹ năng sống và rèn luyện thể chất toàn diện. Nhìn chung các cháu bị gò vào học. Tuổi thơ chủa các cháu đã bị mất.
      Như vậy sự quan tâm, tạo điều kiện của gia đình là không khoa học, không phù hợp với Luật giáo dục năm 2005.
      Vậy trước thực tế như vậy vai trò Giáo dục bậc tiểu học cần thể hiện:
      GD bậc Tiểu học có vai trò vô cùng quan trọng vì tất cả việc rèn luyện của các em được bắt đầu từ đây. Để thực hiện vai trò xác lập những bước đi ban đầu, GD bậc Tiểu học cần làm:
      - Tạo được môi trường học tập hấp dẫn ( Nhà trường khang trang, có cây xanh, có sân chơi, lớp học thoáng mát, có phòng thí nghiệm…)      
      - Thầy cô giáo thân thiện với học sinh, không gây áp lực, nắm được điểm mạnh và yếu của học sinh, hướng dẫn các em khắc phục những mặt còn hạn chế trong học tập, giao tiếp.
      - Thầy cô giáo, nhà trường có mối liên kết chặt chẽ với gia đình, thông báo cho gia đình biết tình hình của học sinh, kết hợp với gia đình giúp các em học tập đạt kết quả tốt.
      - Nâng cao chất lượng các trường để tránh tình trạng chạy xô vào một số trường, mang lại quyền bình đẳng được học các trường có chất lượng.
      - Nhà trường phải khẳng định việc học ở trường là chính. Chấm dứt việc học thêm, dạy thêm tràn lan. Việc dạy thêm ( phụ đạo ) chỉ dành cho học sinh yếu hoặc do  gặp phải hoàn cảnh đặc biệt ( ốm đau, bị tai nạn …) để các em theo kịp chương trình
      - Nhà trường chú trọng học gắn liền với thực tế. Chú trọng đến phương pháp học tập, kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ bản thân.
      - Nhà trường cùng gia đình tạo môi trường học tập phù hợp với tuổi thơ. Không để các em bị mất tuổi thơ.
      Dưới đây xin dẫn một số ví dụ về dạy và học ở bậc Tiểu học của một số nước  để cùng suy ngẫm:
      - Tiểu học ở Nhật: Trẻ em Nhật được dạy về nhận thức nước Nhật ở vị trí không thuận lợi. Con người là yếu tố quan trọng, Các em được dạy về tinh thần tự lập.Các em được dạy về bảo vệ môi trường bằng việc làm cụ thể. Các em được trải nghiệm thực tế qua tham gia lao động .     Giáo viên thân thiện với phụ huynh, thân thiện với học sinh. Tinh thần học tập ở trong lớp vui vẻ. Các em được khuyến khích sáng tạo. không dạy nhiều chữ và làm những bài toán khó. Quan tâm giáo dục thể chất toàn diện và rèn luyện kỹ năng sống.. Các em có tuổi thơ hồn nhiên
       - Tiểu học ở Phần Lan. Học lớp 1 bắt đầu từ 7 tuổi. Bài tập về nhà ít hơn các nước Châu Á và Châu Mỹ. Tuy nhiên họ dẫn đầu các lĩnh văn học, toán và khoa học. Giáo viên thân thiện không gây áp lực. Trong lớp học rất nhiều hoạt động chân tay: vẽ, nặn đất sét  Lớp học nhỏ. Mỗi lớp hai giáo viên. Giáo viên phải có chuyên môn, phải trải qua 1 năm đào tạo, giám sát chuyên môn sau khi tốt nghiệp.
      Tiểu học ở Mỹ. Giáo dục tiểu học ở Mỹ là bắt buộc. Các em tự do lựa chọn trường công hay trường tư. Các trường Tiểu học thường có 1 đến 2 giáo viên dạy tất cả các môn chính. Một số trường được tài trợ sẽ thuê thêm giáo viên dạy nhạc và hội họa. Ở Mỹ để trở thành giáo viên Tiểu học phải có bằng cử nhân và phải đi học chuyên môn trong 2 năm. Kết thúc khóa học, thi đầu ra nếu đạt mới được dạy. Phương pháp dạy:Giải khái niệm chung theo trình độ và nhu cầu của học sinh. Các thầy cô giáo lớp trên và dưới có mối lien hệ chặt chẽ về chuyên môn. Mô hình lớp được sắp xếp linh hoạt phù hợp với việc học: Bàn ghế xếp theo dãy hoặc hình chữ u, các nhóm từ 3 đến  4 em. Đối với các em chậm, cô ưu tiên cho thời gian làm bài nhiều hơn. Ở Mỹ các em trước khi học lớp 1 phải thi kiểm tra năng lực tiếng Anh: nói, đọc và nghe . Sau khi có kết quả, phụ huynh và học sinh gặp cô giáo. Cô giáo thông báo kỹ năng của học sinh cho phụ huynh biết. Các học sinh và phụ huynh đưa ra mục tiêu học của năm. Giáo viên và phụ huynh có mối liên hệ chặt chẽ. Người Mỹ rất quan tâm đến việc học của con theo cách khoa học. Họ không so sánh kết quả của con với những học sinh khác. Ở Mỹ không xếp hạng. Phụ huynh chỉ biết con mình đang ở mức nào để điều chỉnh giúp trẻ phát huy. Phụ huynh khuyến khích con tham gia các lớp năng khiếu: Ba lê, Violon, bóng đá….
      Tiểu học ở Úc. Ở Úc việc dạy và học rất độc đáo. Hành trang đến trường là đồ ăn, thước, bút, bong bay, đồ chơi, không có vở và sách giáo khoa. Phương pháp dạy và học: Học mà chơi, chơi mà hoc. Các môn học: Toán, lịch sử, địa lý, tin học. Các môn học được giáo viên soạn theo khung qui định của sở giáo dục Tiểu bang. Ví dụ học sinh lớp 6 cần biết thế nào là hình tam giác, hình vuông , cách tính chu vi và diện tích. Hàng ngày giáo viên phát cho bản photo để làm bài tập. Học môn địa lý học sinh  được học theo sở thích: Học sinh hay nhóm học sinh lựa chọn quốc gia yêu thích, lên phòng máy tính tra cứu số liệu , hoàn thiện các yêu cầu của giáo viên, rồi trình bầy trước lớp. Học lịch sử: Học sinh được xem phim về sự kiện lịch sử. Xem xong, học sinh phải viết tóm tắt những điều mình hiểu. Học theo cách này rất hấp dẫn Ở Úc các môn học và kỹ năng phân loại A,B,C và D. Các học sinh không có thi học kỳ để xét tiên tiến hay giỏi. Các cháu không có khái niệm học sinh tiên tiến và học sinh giỏi.
      Cuối năm được đánh giá kỹ năng từng môn và kỹ năng sông. Bản đánh giá dài 3-4 trang khổ A4 để phụ huynh hiểu năng lực của con mình.
      Ở Úc sau khi phụ huynh và học sinh nhận lớp và giáo viên chủ nhiệm phải đăng ký ngày thi kiểm tra chất lượng. Mỗi cháu thi một tiếng. Phòng thi rộng 50-60m2 chỉ có giáo viên, phụ huynh và học sinh. Giáo viên yêu cầu phụ huynh ngôì nghe, không tham dự vào thi.
Nội dung kiểm tra: Kiểm tra sự hiểu biết về mầu sắc, kiểm tra chữ số và chữ cai, kiểm tra kỹ năng đọc và nghe. Các kiến thức kiểm tra từ đơn giản đến phức tạp. Mục đích kiểm tra có sự chứng giám của phụ huynh để giáo viên và phụ huynh nắm được năng lực cuẩ học sinh để kết hợp giúp học sinh khắc phục những yếu điểm. Cách làm này đầy trách nhiệm và thật đáng trân trọng.
      Qua những điều trình bầy ở trên cho thấy mỗi nước xây dựng một mô hình riêng. Nhưng điểm chung cốt lõi là không gây áp lực về học tập, không dạy thêm, không làm các bài toán khó vượt cấp. Các em được học tập trong tâm thế vui tươi  của tuổi thơ.
Đối với chúng ta: gia đình, nhà trường và xã hội cần xem lại vấn đề quan tâm và tạo điều kiện cho các cháu trong bước học tập đầu đời
3. GD bậc đại học với phong trào học tập suốt đời
      GD ĐH có vai trò tạo ra sản phẩm có trình độ phục vụ các nhu cầu xã hội.Trong lý luận hiện đại về GD ĐH, đề cập đến hai vế: Giáo dục ban đầu và giáo dục thường xuyên
      - GD ban đầu là Đào tạo, trang bị kiến thức và phương pháp học,nghiên cứu dẫn đến đạt các văn bằng ở bậc đại học. Các kiến thức được trang bị ban đầu chỉ là nền tảng, là cơ sở để tiếp tục học tiếp ở bậc cao học và tiến sĩ, đồng thời cũng là cơ sở để tự học nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ sau TN
      - GD thường xuyên. Các trường ĐH có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời của các cá nhân, đơn vị có nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ đạt hiệu quả.. Đây cũng là nhiệm vụ không kém phần quan trọng so với GD ban đầu.                   
      Các cơ sở đào tạo ĐH từ các trường Cao đẳng đến Đại học tạo thành hệ thống phát triển trong toàn quốc là những địa chỉ tin cậy đáp ứng tốt việc học tập suốt đời. Tại đây không chỉ thực hiện đào tạo chính qui mà còn đào tạo không chính qui. Đáp ứng việc học tập suốt đời cho các đối tượng sau:
      + Đối với những người đã tốt nghiệp, làm việc ở các cơ quan nghiên cứu, các trường chưa có điều kiện đào tạo sau đại học,sau một thời gian trải nghiệm, nay trở lại trường học nâng cao trình độ ở bậc sau đại học  
      + Các đơn vị thuộc khối Nhà nước, các doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân, hợp tác với Nhà trường xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân của đơn vị mình nhằm nâng cao hiệu quả lao động.
      + Đối tượng vừa học vừa làm. Các cơ sở dào tạo mở hệ tại chức tạo điều kiện cho các cá nhân eo hẹp thời gian, có nguyện vọng học nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia các chương trình tại chức “ Vừa học vừa làm “
      + Các trường mở các chương trình đào tạo điện tử tạo điều kiện cho các đối tượng tự thu xếp, lựa chọn nội dung học phù hợp. 
Con người ngày càng tập trung ở khu vực đô thị ( hiện nay hơn 50% dân số ở đô thị). Quá trình đô thị hóa đã gây ra nhiều hệ lụy về môi trường. Để khắc phục các hệ lụy về môi trường, trong thời đại hiện nay con người hướng tới xây dựng “ Thành phố thông minh “
      - Thành phố thông minh có nhiều tiêu chí. Nhưng trung tâm vẫn là con người. Chúng ta không thể xây dựng thành phố thông minh khi dân trí còn thấp. Thành phố thông minh cần có chủ nhân là những người thông minh, đó là: Những người có tri thức được đào tạo bài bản, biết sử dụng và vận hành các thiết bị, phương tiện công nghệ cao trong quản lý, trong tác nghiệp, là những người có văn hóa ứng xử, có ý thức bảo vệ môi trường…
      - Các cơ sở đào tạo cần đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới tạo ra sản phẩm đáp ứng cao yêu cầu nguồn nhân lực cho thành phố thông minh, đồng thời đáp ứng được nhu cầu học tập suốt đời của nhiều tầng lớp trong xã hội.  
      - Cơ hội và điều kiện học tập suốt đời hiện nay rất đa dạng. Để thích ứng với cuộc sống trong đó khoa học công nghệ rất phát triển, mỗi người cần đặt cho mình nhiệm vụ: Phải nâng cao trình độ chuyên môn và tìm cho bản thân cách thức học suốt đời phù hợp để trở thành người có tri thức góp phần thiết thực trong quá trình xây dựng xã hội thông minh.    
      KẾT LUẬN
      - GD bậc tiểu học có sứ mệnh chăm sóc bậc học đầu đời. Gia đình, nhà trường và xã hội phải có trách nhiệm chăm lo, dìu dắt các em trong học tập một cách khoa học.
      - GD ĐH có trách nhiệm đào tạo ban đầu với chất lượng cao, tạo cơ sở cho việc học tập suốt đời đạt hiệu quả
      - Các cơ sở đào tạo cao đẳng và đại học trên toàn quốc là những địa chỉ tin cậy cho việc học tập suốt đời thuộc nhiều đối tượng, đã phát huy vai trò trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ xây dựng và bảo vệ đất nước.
      - Luật GD Việt Nam năm 2005 là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động GD, cho phong trào học tập suốt đời.  
      - Phong trào Học tập suốt đời phát triển kế thừa phong trào Hiếu học, nâng nhận thức lên tầm cao có ý nghĩa xã hội sâu sắc.
      Tài liệu tham khảo
1. Luật giáo dục  ngày 2/12/1998
2. Luật giáo dục năm 2005
3. . Giáo dục học đại học, 1997. Bộ giáo dục và đào tạo. Vụ đại học- Trường CBQL giáo dục và đào tao.
4. Tài liệu tập huấn cán bộ quản lý phòng, khoa trong các trường cao đẳng , đại hoc, 2003. Đại học quốc gia Hà Nội. Khoa sư phạm.
5. Quyết định 89/ QĐ/ TTg ngày 9/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “ Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020 “
6. Quyết định 281/ QĐ/ TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “ Đẩy mạnh phong trạo học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020
7. Đại học quốc gia Hà Nội, 2006. Một thế kỷ phát triển và trưởng thành. NXB Đại học quốc gia Hà Nội
                                                                      Hà Nội 15-5-2017
                                           Dd 0904235660, Email ngoicv@gmail.com