BÁO CÁO THAM LUẬN CỦA HỘI KHUYẾN HỌC HÀ NỘI Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 11 – CT/TW của Thành ủy Hà Nội

BÁO CÁO THAM LUẬN CỦA HỘI KHUYẾN HỌC  HÀ NỘI           Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 11 – CT/TW của Thành ủy Hà Nội
Ngày 1/6/2012, Thành uỷ Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị. 20 đơn vị- trong đó có Hội Khuyến học Hà Nội và 10 cá nhân đã được Thành uỷ tặng Bằng khen. Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Tích, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Hà Nội đã đọc báo cáo tham luận. Trang tin Khuyến học Hà Nội xin giới thiệu toàn văn bản tham luận này.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo,
         Thưa các đồng chí,
       Trước hết, thay mặt những người làm công tác khuyến học Hà Nội, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành và sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, lãnh đạo Thành uỷ, UBND thành phố, các vị lãnh đạo đại diện các sở ban, ngành, các quận, huyện và các đồng chí đại biểu đã có mặt trong hội nghị tổng kết này. Sự có mặt của các đồng chí là biểu hiện cụ thể của sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng và chính quyền, các lực lượng xã hội đối với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; là sự động viên và khích lệ to lớn đối với những người làm công tác khuyến học ở Thủ đô



Ảnh: NGƯT Nguyễn Đình Tích – Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Hà Nội

          Kính thưa các đồng chí
          Để chuẩn bị cho hội nghị tổng kết này, Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Hà Nội đã thống nhất nội dung, kế hoạch kiểm tra, khảo sát tình hình các cơ sở và dự hội nghị tổng kết ở gần hai mươi quận, huyện, thị xã. Việc tổng kết Chỉ thị 11 và Chương trình hành động của Thành uỷ cũng như kế hoạch thực hiện của Uỷ ban đã được thực hiện nghiêm túc từ cấp cơ sở tới thành phố. Quá trình triển khai công tác chuẩn bị tổng kết, các cấp uỷ, các ngành, Hội Khuyến học các cấp đã  phối hợp chặt chẽ, nhằm đảm bảo việc tổng kết có hiệu quả, thiết thực. Hệ thống biểu mẫu báo cáo được hướng dẫn cụ thể và được tổng hợp đánh giá nghiêm túc, khách quan. Vì vậy, chúng tôi bày tỏ sự thống nhất cao đối với bản báo cáo tổng kết của Thành uỷ. Nhân hội nghị này tôi xin phép thay mặt Hội Khuyến học Hà Nội phát biểu một số ý kiến sau:      
 
     1.Về công tác chỉ đạo, phát triển tổ chức Hội Khuyến học ở Hà Nội:
        Kể từ Đại hội Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ nhất, ngày 2/10/1996 đến nay, trải qua 18 năm xây dựng , Hội Khuyến học đã phát triển không ngừng, trở thành một tổ chức xã hội có quy mô hoạt động rộng khắp cả nước. Tổ chức Hội đã có mặt ở 100% số tỉnh, thành phố, 100% số quận, huyện, gần 100% số phường xã với gần 8 triệu hội viên và hơn 200 nghìn tổ chức cơ sở. Tổ chức Hội Khuyến học đã phát triển mạnh ở các phường, xã, thôn bản, cơ quan, xí nghiệp, trường học, các dòng họ, nhà chùa, xứ đạo…
        Việc Đảng và Nhà nước ban hành các Chỉ thị 50 – CT/TW ngày 10/8/1999 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Khuyến học Việt nam”;  Chỉ thị 11- CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”;  Quyết định số 127 /QĐ-TTg ngày 16/9/2008 lấy ngày 2/10 hàng năm là Ngày khuyến học Việt Nam; các quyết định công nhận Hội Khuyến học là Hội có tính chất đặc thù và quyết định chế độ thù lao cho cán bộ Hội từ trung ương, tỉnh, thành phố, tới quận, huyện, phường xã đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt và sự đánh giá cao của Đảng đối với vai trò của Hội Khuyến học trong  yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội hiện nay.
 
     Cùng với sự phát triển của phong trào khuyến học cả nước, ngày 4/2/1998 UBND thành phố đã cho phép thành lập Hội Khuyến học Hà Nội. Từ 19/5/1998 Ban Chấp hành lâm thời Hội Khuyến học Hà Nội đã ra mắt và chính thức đi vào hoạt động. Từ 1/8/2008, khi Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính, Hội KHHN tiếp tục được phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Thành uỷ, UBND thành phố đã có Chương trình hành động số 26-CT –TU ngày 20/12/2007, các kế hoạch số 05/KH-UBND  ngày 16/01/2007 và 06/KH-UBND ngày 15/01/2008 về thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị. Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo  và tạo điều kiện của lãnh đạo thành phố và các quận huyện, đến nay, Hội KHHN đã trở thành một tổ chức xã hội rộng lớn với 29/29 quận huyện Hội, 577/577 Hội xã, phường, thị trấn; hiện có  8788 cơ sở Hội với hơn 540 nghìn hội viên. Hoạt động khuyến học đã được chỉ đạo và tổ chức có kế hoạch với những nội dung thiết thực, cụ thể. Hội Khuyến học Hà Nội đã xây dựng các mô hình và quy trình xây dựng và công nhận gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cụm dân cư, phường xã khuyến học. Hội đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá, khảo sát tinh hình quản lý và nội dung hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) từ đó hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động của các TTHTCĐ nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật cho các đối tượng nhân dân. Hội cũng đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội xây dựng các phim phóng sự, tài liệu tuyên truyền về khuyến học;  biên soạn nhiều tài liệu, tham gia nghiên cứu nhiều chuyên đề khoa học phục vụ nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài và hỗ trợ công tác dạy học, quản lý của ngành Giáo dục; tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội ở các cơ sở. Trong chỉ đạo, Hội đã phân chia các quận huyện thành 5 cụm công tác và thường xuyên tổ chức kiểm tra, giao ban, trao đổi kinh nghiệm giữa các quận huyện. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào xây dựng GĐHH, DHHH, và xây dựng quỹ khuyến học ở các cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng phát triển và đem lại hiệu quả thiết thực. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay toàn thành phố đã có hơn 18 vạn GĐHH, gần 2000 DHHH; tổng số quỹ khuyến học lên tới hơn 60 tỷ đồng. Mỗi năm, hàng chục nghìn lượt học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó được nhận học bổng khuyến học, hàng nghìn lượt giáo viên giỏi các cấp được  nhận phần thưởng khuyến học, khuyến tài. Với kết quả trên, Hội Khuyến học thành phố được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng nhiều Bằng khen và cờ thi đua xuất sắc; Hội Khuyến học các quận huyên và nhiều cơ sở, nhiều cá nhân được Hội Khuyến học Việt Nam, UBND thành phố tặng nhiều Bằng khen.
 
    2. Về vai trò tham mưu của Hội Khuyến học:
     Có được kết quả trên cũng phải nhắc tới vai trò tham mưu, đề xuất của Hội Khuyến học thành phố và Hội các cơ sở. Hội  đã bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, tham mưu với các cấp uỷ Đảng và chính quyền ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, góp phần thiết thực vào việc xây dựng phong trào khuyến học, xây dựng khu dân cư, thôn xóm văn hoá. Hội cũng đã tham mưu, đề xuất với chính quyền các cấp có những quyết sách hỗ trợ cho Hội về điều kiện, kinh phí và nhân sự tham gia công tác khuyến học. Lãnh đạo Thành phố và nhiều quận huyện đã thực sự vào cuộc và tạo điều kiện rất thuận lợi về cơ sở vật chất và kinh phí cho Hội hoạt động. Riêng đối với Hội Khuyến học Hà Nội, thành phố đã hỗ trợ kinh phí cho thuê địa điểm làm việc và mức kinh phí hỗ trợ hoạt động mỗi năm đều tăng cao so với năm trước, Nhiều quận huyện đã có đội ngũ cán bộ, nhà giáo hưu trí có năng lực, sức khoẻ, tâm huyết và có uy tín cao trong cộng đồng tham gia làm cán bộ chuyên trách của Hội, đã có những đóng góp giúp hoạt động của Hội đạt kết quả tốt  như các quận, huyện Cầu Giấy, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Mê Linh, Thanh trì…


Ảnh: NGUT Lê Văn Quang- Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Hà Nội trao tiền thưởng của Hội cho hai nhân viên thư viện giỏi vượt khó năm 2012
 
    3. Một số bài học kinh nghiệm:
     - Từ những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị và Chương trình 26 của Thành uỷ, Hội Khuyến học Hà Nội thấy rằng: Phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của Thủ đô đã có những bước tiến rõ nét trước hết chính là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo nhiều điều kiện thuận lợi của các cấp uỷ Đảng và chính quyền từ thành phố tới cơ sở; trong đó. vai trò tham mưu, đề xuất của các cấp Hội Khuyến  học là rất cần thiết.
    - Hội Khuyến học là một tổ chức xã hội rộng lớn, do vậy việc tuyên truyền, vận động, tăng cường sự liên kết, tranh thủ sự hỗ trợ của các lực lượng xã hội để hỗ trợ cho quỹ khuyến học cần được quan tâm hơn nữa. Chúng tôi cho rằng việc khai thác các nguồn tài trợ cho quỹ khuyến học cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, bởi Hà Nội có rất nhiều doanh nghiệp, nhiều đơn vị và cá nhân hảo tâm có nhiều tiềm năng mà Hội Khuyến học các cấp chưa khai thác và tận dụng hết. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức để mọi người dân hiểu và tự nguyện tham gia khuyến học, khuyến tài cần được làm thường xuyên hơn.
    - Công tác xây dựng quỹ khuyến học, tăng cường cơ sở vật chất cho các hoạt động của Hội và các TTHTCĐ cũng là một nhân tố quan trọng để Hội Khuyến học các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, do vậy mỗi tổ chức cơ sở Hội cần tranh thủ sự giúp đỡ, đầu tư của các cấp chính quyền để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khuyến học trên địa bàn. .
 
 
 
    
  4. Một số kiến nghị, đề xuất với Thành phố:
       Nhân hội nghị tổng kết này, tôi xin thay mặt Hội Khuyến học Hà Nội và Hội Khuyến học các cấp có một số đề xuất sau với lãnh đạo Thành phố.
      - Ngày 12/3/2012, Chủ tịch UBND thành phố đã có Quyết định số 1115/QĐ-UBND công nhận 18 hội đặc thù trong phạm vi thành phố và giao Sở Nội vụ chủ trì đề xuất các chế độ, chính sách cho các hội. Trên thực tế hoạt động, các cán bộ chuyên trách Hội Khuyến học đa số nguyên  là các cán bộ quản lý, các nhà giáo đã nghỉ hưu, nhưng còn sức khoẻ, nhiệt tình, tâm huyết, có nhiều kinh nghiệm, am hiểu công việc và có uy tín cao trong cộng đồng dân cư. Quyết định 30 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành mức phụ cấp đối với các cán bộ Hội chuyên trách từ Trung ương tới  phường, xã là cán bộ đã nghỉ hưu. Sở Nội vụ và lãnh đạo các Hội đặc thù, UBND các quận, huyện đã thống nhất đề nghị mức phụ cấp đối với các Hội của Hà Nội. Hội Khuyến học Hà Nội kính đề nghi Thành phố sớm có quyết định về số lượng cán bộ chuyên trách và mức phụ cấp đối với cán bộ chuyên trách từ thành phố, tới các quận, huyên, thị xã và phường, xã hoặc Thành phố uỷ quyền cho UBND các quận, huyện, thị xã công nhận Hội Khuyến học quận, huyện, thị xã, phường, xã là hội đặc thù. Việc Thành phố sớm có quyết định sẽ giúp cho các cấp Hội  củng cố tổ chức, tăng cường cán bộ và thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài hoạt động có hiệu quả cao hơn nữa.
       - Thành phố và các quận huyện tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho Hội và nâng mức đầu tư kinh phí hàng năm  cho các TTHTCĐ.
       - Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập nhưng Ban chỉ đạo cần có chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể; trước mắt có thể giao cho Hội Khuyến học Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất tiêu chí đơn vị đạt tiêu chuẩn xã hội học tập và thí điểm công nhận một số quận, huyên, phường xã.
 
     Một lần nữa, thay mặt những người làm công tác khuyến học ở Hà Nội, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành và sâu sắc tới sự quan tâm, giúp đỡ và động viên của các đồng chí lãnh đạo Trung ương và Thành phố, lãnh đạo các ban, ngành, các quận huyện đối với công tác khuyến học ở Hà Nội và xin bày tỏ quyết tâm giữ vững những thành tích và kết quả đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, góp sức cùng ngành Giáo dục xây dựng Thủ đô trở thành một xã hội học tập như tinh thần các Chỉ thị và nghị quyết của Đảng và Thành phố đã đề ra.
     Xin kính chúc các vị đại biểu, các đồng chí mạnh khoẻ.
     Xin trân trọng cảm ơn.