TÌM HIỂU VỀ CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ 4 (INDUCSTRY 4.0)

Để hòa nhập với xu hướng chung của các nước tiên tiến trên thế giới, Việt Nam đang trong tiến trình phát triển nền kinh tế theo hướng tăng cường các ứng dụng của Công nghiệp 4.0. Chúng ta hãy tìm hiểu Công nghiệp 4.0 là gì.
TÌM HIỂU VỀ CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ 4 (INDUCSTRY 4.0)
      Trong lịch sử phát triển của nhân loại trên thế giới, đến nay chúng ta đã trải qua 4 cuộc cách mạng Công nghiệp:
      + Cách mạng Công nghiệp lần thứ 1 (Công nghiệp 1.0): Vào thế kỷ 18, ở nước Anh đã phát minh ra động cơ hơi nước. Điều đó đã dẫn đến cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 1. Động cơ hơi nước đã thúc đẩy khả năng cơ giới hóa ngành sản xuất. Động cơ hơi nước tạo nên đầu máy xe lửa. Những đoàn tàu hỏa được tạo ra làm cho ngành vận tải tiến bộ vượt bậc so với xe người kéo hặc xe động vật kéo cả về lượng hàng hóa và tốc độ cao nên hàng hóa được lưu thông xuyên tỉnh, xuyên quốc gia. Từ đó, xã hội loài người bước vào giai đoạn đô thị hóa, hiện đại hóa.
      + Cách mạng Công nghiệp lần thứ 2 (Công nghiệp 2.0): Cuối thế kỷ 19, người ta đã khai thác được dầu mỏ và phát minh ra động cơ đốt trong hay còn gọi là máy nổ. Máy nổ tạo nên lực quay lớn và tốc độ cao giúp người ta phát minh ra máy phát điện, động cơ điện. Điện quan trọng như thế nào trong cuộc sống thì chúng ta đã rõ. Chỉ trong một gia đình thôi, nếu có điện sẽ có tất cả các tiện nghi sinh hoạt. Chúng ta hãy thử mất điện một tuần, một tháng, một năm…thì cuộc sống sinh hoạt của mọi người sẽ ra sao? Trong các ngành kinh tế, quốc phòng, sản xuất…Điện lại càng cần thiết và có ý nghĩa sống còn. Nguồn Điện năng và các tiến bộ khoa học khác sử dụng nguồn điện chính là “sản phẩm” của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 2.
      + Cách mạng Công nghiệp lần thứ 3 (Công nghiêp 3.0): Từ những năm 1960 trở đi kỹ thuật Điện tử phát triển, Kỹ thuật số (Digital) ra đời tạo nên nền tảng cho sự phát minh và phát triển của Máy Tính (Computer). Máy tính cấu tạo từ những mạch điện tử nên nó chỉ nhận biết được 2 trạng thái “bật điện” và “tắt điện” tương ứng với ON – OFF hoặc CÓ – KHÔNG, hoặc CAO – THẤP, hoặc mức “1” và mức “0”. Vì vậy để cho máy tính hoạt động, các dữ liệu đưa vào phải là chuỗi các số 0 và 1.Việc chuyển đổi dữ liệu thành các số 0 và1 gọi là “Số hóa”. Cách số hóa thế nào được môn Kỹ thuật số (Digital) thực hiện. Máy tính là sản phẩm có những khả năng tuyệt vời, kỳ diệu, được ứng dụng rộng rãi thế nào thì chúng ta ai cũng rõ rồi. Mỗi cá nhân, mỗi cơ quan xí nghiệp, mỗi tổ chức trong xã hội đều phải dùng máy tính. Hiện nay chúng ta đã, đang và sẽ tận dụng những khả năng tuyệt vời của nó trong tất cả các ngành khoa học , kỹ thuât, công nông nghiệp, nông nghiệp, lao động sản xuất, phục vụ đời sống dân sinh…trên toàn thế giới.
      + Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (Công nghiệp 4.0): Bắt đầu từ năm 2010. Đây là sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực Vật lý, Số hóa và Sinh học. Công nghiệp 4.0 chính là sự hình thành và kết tinh của các phát minh hiện đại của 3 cuộc cách mạng nói trên. Đặc biệt là Máy tính kết hợp với sự bùng nổ của thời đại Internet, tạo ra những bước ngoặt lớn với các phát minh vĩ đại cho Công nghiệp 4.0. Vì vậy, con người và các doanh nghiệp trong thời kỳ này đã hoạt động song hành cùng công nghệ mới vô cùng tiện lợi và hiệu quả rất kỳ diệu.
      Năm 2011, khái niệm “Industry 4.0” (Công nghiệp 4.0) được nhắc đến đầu tiên tại Hội chợ công nghiệp Hannover (Công hòa Liên bang Đức). Công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ tại Đức và lan rộng ra ra những quốc gia tiên tiến khác như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…
      Khái niệm Công nghiệp 4.0 tiếp tục được khai thác tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 46 (Thụy Sĩ). Hiện tại, Công nghiệp 4.0 không còn là dự án thuộc khuôn khổ của Đức. Thuật ngữ này đã trở thành chủ đề chung của các quốc gia và trở thành nền tảng quan trọng của cuộc sống hiện đại trên thế giới hiện nay.
      Ở nước ta việc làm quen với Công nghiệp 4.0 chậm hơn các nước phát triển. Nhưng trong khó khăn của đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy chúng ta tiến nhanh lên áp dụng Công nghiệp 4.0, để tránh tiếp xúc giữa con người, tránh lây lan dịch bệnh. Vì thế đa số nhân dân ta đã làm quen dần Công nghiệp 4.0 qua Zalo, Facebook, Viber, làm việc trực tuyến, họp trực tuyến. Các ngành kinh tế, các doanh nghiệp…đã thực sự phải áp dụng Công nghiệp 4.0 vì sự sống còn và phát triể của doanh nghiệp.
Một số phát minh đặc trưng của cách mạng Công nghiệp lần thứ 4
      1 - IoT (Internet of Thing – Internet vạn vật)
Đây là sự hội tụ giữa ba nhân tố: mạng Internet, thiết bị vi cơ điện tử và thiết bị không dây. IoT tạo nên các sản phẩm liên quan đến cuộc sống thường nhật như: máy tính, điện thoại thông minh, lò vi sóng, ti vi, wifi, 3G, 4G, 5G… Chúng có khả năng truyền đạt thông tin qua mạng lưới Internet.
      2 - AI (Trí tuệ nhân tạo)
      Trí tuệ nhân tạo xuất phát từ lĩnh vực khoa học máy tính. Công nghệ này tạo ra những cỗ máy có khả năng hoạt động và phản ứng tương tự như con người. AI được lập trình với nhiều mục tiêu như: thu thập và xử lý thông tin, đưa ra lập luận và phán đoán, tự sửa lỗi,… Trong tiếp thị, AI có nhiệm vụ phân tích dữ liệu khách hàng, đề xuất chiến lược kinh doanh hợp lý. Đặc biệt, khi sử dụng AI, tính cá nhân hóa được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Đây là xu hướng chung mà mọi doanh nghiệp đều hướng đến.
      3 - Cloud (Điện toán đám mây)
      Với điện toán đám mây, người dùng có thể lưu trữ, phân loại và sắp xếp dữ liệu trên hệ thống của nhà cung cấp dịch vụ. Chẳng hạn như: Office 365, Facebook, Youtube,… Nền tảng này cho phép doanh nghiệp thực thi chiến lược tiếp thị tự động nhằm tối ưu nguồn lực và tiết kiệm chi phí.
      4 - Big Data (Dữ liệu lớn)
      Big Data hỗ trợ người dùng thu thập và lưu trữ khối lượng lớn dữ liệu, như thông tin cá nhân của từng khách hàng. Việc này giúp doanh nghiệp nắm bắt được hành vi, xu hướng, nhu cầu,…, của người tiêu dùng. Từ đó, bạn có thể thiết lập các chiến lược tiếp thị phù hợp với từng khách hàng trong các giai đoạn khác nhau.
      5 - Công nghệ sinh học
      Hoạt động chính của công nghệ sinh học là phân tích và khai thác tế bào, phân tử sinh học. Sau đó, những dữ liệu này được dùng để phát triển công nghệ. Chúng có khả năng phục vụ cho nhiều mục đích như tạo ra dược liệu, vật phẩm mới, nuôi cấy tế bào, tạo nên đột biến Gen. Bên cạnh đó, công nghệ sinh học có thể mở ra quy trình sản xuất công nghiệp tân tiến với nguồn năng lượng sạch hơn, sản phẩm sinh học sạch….
      6 - In 3D (In 3 chiều)
      Công nghệ này cho phép chúng ta sản xuất, in ra các sản phẩm mang đặc trưng cả 3 chiều. Máy in thường chỉ in ra hai chiều trên mặt phẳng. Ví dụ in ra ảnh một cái cây nhưng ta không biết cây đó có thân dầy bao nhiêu, độ sâu của tán lá bao nhiêu. Ở in 3D người ta tạo ra đầy đủ hình khối của mọi vật. Người ta đã dùng in 3D để chế tạo các vật dụng, các linh kiện máy móc trong nhà máy lắp ráp. Người ta còn dùng máy in 3D để tự động xây một ngôi nhà từ dười lên trên với thời gian rất nhanh, thỏa mãn tất cả yêu cầu của người thiết kế vì máy tính đã lập trình đúng như bản thiết kế. Ở Hà Lan người ta đã xây một ngôi nhà cho đôi vợ chồng trẻ bằng công nghệ in 3D chỉ mất 5 ngày, trong khi chúng ta thường xây nhà hết 6 tháng đến 1 năm.
      So với phương thức in truyền thống, in 3D rất ưu việt, in được ra hình khối, tốn ít công cụ và chi phí với hiệu suất nhanh hơn.
      7 - RPA (Tự động hóa quy trình robot)
      Phần lớn robot được ứng dụng trong thiết kế , sản xuất hoặc phục vụ cho mục đích cá nhân và thương mại. Hiện nay, robot ngày càng có các tính năng phức tạp và tinh vi hơn. Robot được tạo ra như một con người làm được một số nhiệm vụ nào đó. Trong các nhà máy, từ việc lắp ráp các mạch vi điện tử nhỏ bé đến những việc nặng nhọc như lắp ráp ô tô người ta đều dùng các cánh tay robot thay con người. Cánh tay robot làm việc cần mẫn chăm chỉ với độ chính xác rất cao và tốc độ rất nhanh, thay thế cho biết bao nhiêu con người. Như vậy chi phí cho sản xuất giảm, năng suất cao, giá thành sản phẩm rẻ đi nhiều. Chúng còn có mặt trong các lĩnh vực chuyên dụng như: chăm sóc sức khỏe, sản xuất, dịch vụ, làm thay con người ở những nơi nguy hiểm, có nhiệt độ cao, có chất độc, phóng xạ hoặc có bệnh dịch truyền nhiễm, COVID-19 …
      Ứng dụng của Công nghệ 4.0 vô cùng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực: Công nghiệp, nông nghiệp, y tế, xây dựng, quân sự, đời sống, văn hóa, thể thao…Sau đây tôi chỉ xin giới thiệu ứng dụng của Công nghệ 4.0 trong 1 ngành nông nghiệp ở nước ta làm ví dụ.
      Các lĩnh vực triển khai nông nghiệp 4.0
      Theo tổng kết của các tổ chức quốc tế, đến nay, nông nghiệp 4.0 tập trung vào các các lĩnh vực sau:
       - Ứng dụng công nghệ đèn LED
      Công nghệ đèn LED (Light Emitting Diode: Đi ốt phát sáng) là công nghệ tạo bước sóng ánh sáng tối ưu, do đó cây trồng được sử dụng ánh sáng hầu như đáp ứng tuyệt đối quá trình sinh trưởng của cây từ lúc trồng đến lúc thu hoạch, vì vậy cây trồng có năng suất tối ưu và chất lượng tốt nhất. Công nghệ này đã và đang trở thành công nghệ không thể thiếu để canh tác trong nhà phục vụ ở các khu công nghiệp và nông nghiệp đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm có chất lượng cao và tuyệt đối an toàn. Công nghệ đèn LED thường áp dụng ở các nước có nền nông nghiệp hiện đại, những nước dễ ảnh hưởng về biến đổi khí hậu hoặc diện tích sản xuất nông nghiệp ít như: Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Vương Quốc Bỉ,… Nhờ ứng dụng công nghệ đèn LED đã tăng hệ số sử dụng đất.
      - Ứng dụng công nghệ Robot nông nghiệp
      Công nghệ Robot nông nghiệp sẽ tham gia vào việc tự động hóa các quá trình sản xuất nông nghiệp như: làm đất, gieo trồng, chăm sóc (làm cỏ, tưới tiêu), bảo vệ cây trồng, thu hoạch, vận chuyển nông sản trong trang trại trồng trọt hoặc chăm sóc vật nuôi các trang trại chăn nuôi. Nhờ sử dụng Robot mà năng suất lao động cao gấp 50 đến 70 lần so với lao động thủ công và có độ chính xác cao. Ngược lại với công nghệ đèn LED, công nghệ Robot thường sử dụng ở các nước có những đặc thù như: diện tích đất nông nghiệp rộng, già hóa dân số nhanh, địa hình canh tác bằng phẳng, cây trồng yêu cầu tính thời vụ cao như: Nga, Mỹ, Canada, Australia, Trung Quốc,…
      Robot Lely Juno được sử dụng trong trang trại chăn nuôi bò của Công ty Vinamilk. Nó vừa tự động vun đẩy thức ăn cho bò, vừa mang theo những bản nhạc êm ái, dịu dàng giúp cho bò thư giãn. Nhờ đó đã tạo ra nguồn sữa tươi nguyên liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.
      - Ứng dụng các thiết bị không người lái
Thiết bị bay không người lái được sử dụng để khảo sát thực trạng, thu thập dữ liệu trong các trang trại từ trên cao, hoặc để phun thuốc bảo vệ thực vật, hoặc để thu thập dữ liệu của các trang trại nuôi trồng thủy sản ở trên bờ hoặc dưới nước và trên mặt biển.
      - Ứng dụng Internet, điện thoại di động và điện toán đám mây  
      Ứng dụng Internet vạn vật kết nối (IoT) kết hợp với máy tính hay điện thoại di động để giám sát và quản lý trang trại trồng trọt, chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản. Người ta sử dụng các cảm biến thông minh (thẻ cổ áo) để cung cấp thông tin về nhiệt độ, sức khỏe, hoạt động và mức độ tăng trọng cho từng con bò, cũng như thông tin về tập thể đàn ở trang trại chăn nuôi. Nó còn được dùng để cảnh báo chất lượng nước tự động cho ngành thủy sản, nhằm giúp cho người nuôi nắm bắt được các thông số môi trường nuôi vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày thông qua máy tính hoặc điện thoại di động một cách nhanh chóng và kịp thời mà không cần phải có mặt của con người tại khu vực nuôi trồng. Hệ thống này do Phòng Nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Công nghệ và Thiết bị Công nghiệp Sài Gòn (Cenintec) đã nghiên cứu và ứng dụng thành công cho các doanh nghiệp, cơ sở tôm giống, tôm thịt tại tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, thành phố Hồ Chí Minh.
       Như vậy, nông nghiệp 4.0 được coi là nền sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và vật lý. Việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cùng Internet kết nối vạn vật đã mở đường cho những hoạt động quản lý nông nghiệp theo hướng hoàn toàn mới. Từ đây sẽ hình thành một nền nông nghiệp chính xác và tự động không cần sự tham gia trực tiếp của con người. Khi đó, người nông dân có thể ứng dụng thiết bị cảm biến để số hóa các yếu tố như: nước, phân, thuốc bảo vệ thực vật, độ ẩm, ánh sáng,… đối với cây trồng hoặc các yếu tố về nhiệt độ, tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng,… cho từng vật nuôi và chuyển nó vào các thiết bị kết nối Intenet như máy tính, điện thoại di động. Họ có thể đi bất cứ đâu nhưng vẫn biết rõ tình hình trang trại và có thể điều khiển mọi hoạt động trang trại của họ một cách nhanh chóng và chính xác.
      Kết luận
       Để nông nghiệp Việt Nam bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, tất yếu chúng ta phải nhanh chóng tăng cường ứng dụng của Công nghiệp 4.0.
      Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã giúp các nước phát triển có thể tự sản xuất lương thực, thực phẩm bằng diện tích đất chỉ bằng 1/100 hay 1/1000 các nước đang phát triển làm, với năng suất cao hơn nhiều lần. Đây là cơ hội và cũng là thách thức cho ngành Nông nghiệp nước ta, nhưng hiện thời Việt Nam mới chỉ ứng dụng một số công nghệ 4.0, chưa thực hiện được hệ thống nông nghiệp 4.0 đầy đủ như các nước phát triển. Chúng ta có một số mô hình đang ứng dụng giải pháp thông minh, một số mô hình áp dụng cả giải pháp và thiết bị thông minh. Một số mô hình còn đơn độc, chưa kết nối xuyên suốt chuỗi giá trị nông sản, mới chỉ là những điển hình về nông nghiệp công nghệ cao chứ chưa phải là nền nông nghiệp số. Người nông dân Việt đã bắt đầu tham gia vào quá trình xây dựng ngành Nông nghiệp 4.0 dựa trên kinh nghiệm và sự tiếp thu công nghệ. Điều này cho chúng ta hi vọng về một kỉ nguyên nông nghiệp 4.0 hoàn chỉnh không còn xa nữa.


LÊ XUÂN THÊ
HKH Phường Dịch Vọng Hậu
quận Cầu Giấy