RỪNG BẠCH MÃ

Bạch Mã trước khi trở thành một vườn quốc gia, vùng này cũng đã được nhiều người quan tâm vì sự nổi tiếng về tài nguyên đa dạng sinh học của nhiều loài động - thực vật quý hiếm. Năm 1925, dưới thời Pháp thuộc, để bảo vệ loài Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), chính quyền sở tại đã xây dựng và đệ trình lên Bộ Thuộc địa Pháp một dự án thành lập vườn quốc gia rộng 50.000ha. Sau này, khu nghỉ mát Bạch Mã được phát hiện lần đầu tiên ngày 28/07/1932 do một kỹ sư trưởng ngành cầu đường, người Pháp, M.Girard.
Trong rừng Bạc Mã
         Từ năm 1934, một con đường mòn đi bộ, “đi kiệu” nối từ Cầu Hai lên tới đỉnh Bạch Mã, cho đến năm 1942, khu nghỉ mát ở lưng chừng núi được xây dựng hoàn chỉnh với một quần thể 139 biệt thự, trong đó có 2 khách sạn Morin va Bany, nhà hàng tạp hóa Chaffanjon và một tuyến đường ô tô nhỏ 19km được nối từ quốc lộ tới khách sạn Morin (độ cao 1.300m so với mặt biển), theo đó một hệ thống các đường mòn dẫn đến các biệt thự, các cảnh quan thiên nhiên hoang sơ như Vọng Hải Đài (Đồi Vọng Cảnh), Công viên Rừng, Công viên Hòn Đá ca hát, trại Huấn luyện Hướng Đạo Đông Dương, các suối thác đẹp như Hoàng Yến, thác Bạc, thác Ngũ Hồ, thác Đỗ Quyên (trước đây gọi là Xai Tôi Đó đọc trại từ “chateau d’eau” - đài nước). Ngày nay, chúng ta vẫn còn thấy các các mảnh tường đổ nát được xây bằng đá Granit dọc theo các tuyến đường mòn, đấu tích của một thời vàng son và nổi tiếng của Bạch Mã như một Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt của miền Trung vẫn còn đó.
 

 

Đường vào Bach Mã
         Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, đỉnh Bạch Mã là một cứ điểm quan trọng về quân sự, vào đầu tháng 08/1973, Mỹ đã thiết lập sân bay trực thăng tạm thời và đã đổ bộ một tiểu đoàn lính bảo an, cùng nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, nhằm chiếm giữ lâu dài điểm cao Bạch Mã. Ngày 06/09/1973, bộ đội quân giải phóng ta đã tấn công chiếm đóng điểm cao Bạch Mã (Hải Vọng Đài), để đảm bảo phòng thủ, bảo vệ lâu dài. Sau khi chiến thắng làm chủ điểm cao Hải Vọng Đài, đơn vị bộ đội bấy giờ, đảm nhiệm giữ chốt, ngay lập tức triển khai đào công sự, hầm chiến đấu (gồm có 2 địa đạo): địa đạo số 1 có tổng chiếu dài 214,68m; địa đạo thứ 2 có tổng chiều dài là 45,80m, chiều cao trung bình 1,8m, chiều rộng trung bình 1,30m, dọc theo chiều dài các địa đạo còn có nhiều hầm trú ẩn nhỏ có thể chứa được 15 - 20 người. Ngày nay hệ thống địa đạo này được đặt tên là Địa đạo Bạch Mã, Di tích lịch sử Cách mạng đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia vào năm 2009.
         Ngày 15-07-1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ban hành Quyết định số 214/CT phê duyệt Luận chứng Kinh tế Kỹ thuật Vườn Quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) trực thuộc Bộ Lâm nghiệp, đó là thời điểm mà Bạch Mã chính thức được mang tên Vườn Quốc gia Bạch Mã, với tổng diện tích là 22.031ha.Trong quá trình tổ chức quản lý bảo vệ và xây dựng phát triển, có những bất cập về rủi ro trong công tác bảo tồn, do quy mô nhỏ về diện tích và sự chia cắt về ranh giới hành chính, ảnh hưởng đến sinh cảnh của các loài thú lớn như Voi, Hổ, Mang lớn, Mang Trường Sơn, Sao La, ... Vì vậy, được sự đồng ý của hai tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 01/QĐ -TTg ngày 02-01-2008 về việc điều chỉnh mở rộng Vườn Quốc gia Bạch Mã có tổng diện tích là 37.487ha. Theo quy hoạch mở rộng, Vườn nằm trên địa bàn ranh giới hành chính của hai tỉnh Thừa Thiên Huế, có diện tích 34.380ha và Quảng Nam, có diện tích 3.107ha.
 
                                                                                         PHAN LẠC SẮC Sưu tầm