LÒNG YÊU QUÊ HƯƠNG ĐÃ THÔI THÚC TÍNH CẦN CÙ SÁNG TẠO

Anh Phan Lạc Hùng năm nay đã 68 tuổi ở xóm Chùa, thôn Sen, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nhà anh ở gần cụm di tích đình, chùa, văn chỉ. Từ lúc tuổi thơ anh đã gắn bó với ngôi đình cổ kính của làng.
Tác phẩm Mô hình đình Hữu Bằng bằng gỗ gụ của anh Phan Lạc Hùng
      Một ngôi đình cổ ở trung tâm làng với vẻ đẹp cổ kính, nghệ thuật chạm khắc tinh tế. Trải qua 332 năm rồi, với nhiều thăng trầm, thập niên 1960, đình bị phá rỡ phần bục ngăn ra làm phòng cho lớp học, hai bên tả mạc và hữu mạc cũng bị xây ngăn ra làm 4 phòng học. Không hiểu sao năm học 1963-1965, Trường cấp 2 không tồn tại ở Hữu Bằng nữa mà được tách ra thành lập 2 trường cấp 2 ở xã Phùng Xá và Thạch Xá. Thế rồi đình làng trở thành nơi sản xuất của Hợp tác xã dệt thủ công suốt thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đất nước thống nhất, Hợp tác xã dệt không còn tồn tại, dân làng lại chuyển đổi sang nghề sản xuất đồ mộc nội thất, xung quang ngôi đình là khu lớp học của Trường mầm non. Lòng yêu quê hương đã thôi thúc người dân ở làng đóng góp tiền của sức lực, thời gian để trùng tu lại ngôi đình đúng với kiến trúc và vẻ đẹp vốn có. Cách đây khoảng 10 năm, khu lớp học mầm non cũng được chuyển tới địa điểm mới. Vậy là ngôi đình nói riêng và cả quần thể di tích đình, chùa, văn chỉ lại tiếp tục tu bổ ngày càng khang trang đẹp đẽ. Nơi đây là trung tâm văn hóa tâm linh, vui chơi giải trí của mọi lứa tuổi từ già tới trẻ, không có lúc nào thiếu bóng dáng người dân. Đẹp làm sao khi có một ngôi đình thấp thoáng trong tán cây đa xanh mướt soi bóng xuống ao Sen. Theo di bản để lại, đình được xây dựng năm Chính Hòa thứ 10, triều vua Lê Hy Tông (1689), đó là là thời kỳ thịnh nhất của thời Lê trung hưng. Đình làng thờ ba vị Thành hoàng là Tam vị Nam Hải đại vương. Trên bức cuốn thư lớn, sơn son thiếp vàng, tạo lập năm Bảo Đại 7 (NHâm Thân 1932), có 4 chữ Hán "Phổ bác uyên tuyền", nghĩa là (rộng lớn sâu xa) ca ngợi công đức của Thành hoàng. Trên lớp cửa võng thứ nhất là hoành phi chạm khắc 3 chữ "Tối linh từ", nghĩa là (Đình rất thiêng). Về phong tục tốt đẹp của làng Hữu Bằng, bức biển ngạch do vua Tự Đức ban tặng năm Đinh Mão (1867) chạm khắc 4 chữ "Mỹ tục khả phong" nghĩa là (Tực đẹp, nết hay). Hiện nay đình còn lưu được 26 đạo sắc phong từ năm Cảnh Hưng nhà Lê đến những năm Bảo Đại nhà Nguyễn. Năm 1989, nhân dân cả xã đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đình làng Hữu Bằng. Hàng năm cứ đến ngày mồng 7 tháng Giêng, dân làng tổ chức nghi lễ tôn vinh Tam vị Thành hoàng. Đình Hữu Bằng có những mảng điêu khắc gỗ mang phong cách nghệ thuật tiêu biểu từ thế kỷ XVIII đến Thế kỷ XIX thuộc kiểu kiến trúc thượng diêm tám mái, gồm có hai tầng xếp chồng lên nhau, mỗi tầng có bốn mái, một loại kiến trúc vô cùng độc đáo. Đình còn bảo tồn được nhiều bức cốn, bức chạm vách, chạm bong tinh xảo, sống động hình long, phụng, chim muông, hoa lá trên tấm cửa võng trong cùng. Hình rồng chạm bong nổi bật như ẩn như hiện trong từng thớ gỗ, vảy râu, bờm hiện lên sinh động, thân rồng uốn lượn lúc ẩn lúc hiện thật ảo diệu. Qua hai tấm cửa võng là tới ban thờ ba bộ ngai đầu rồng phủ sơn son thiếp vàng. Phía trên nóc đình đắp lưỡng long chầu nguyệt và có thêm phần hậu cung kép tạo vẻ bề thế, đây là nơi lưu giữ sắc phong, hương ước, cất chứa đồ tế của làng. Như bao người dân trong làng, anh Hùng tự hào, chất chứa trong tâm hồn của mình về ngôi đình đó. Ở anh vốn là một người thợ mộc nên tình cảm ấy đã thôi thúc anh với tay nghề của mình sáng tạo một mô hình ngôi đình Hữu Bằng bằng gỗ gụ nhỏ đẹp với tỷ lệ 1/1000. 5 năm vừa qua, anh mày mò sưu tập gỗ, các dụng cụ, cách thức làm. Hàng ngày làm đến đâu anh lại phải chụp từng bức ảnh để so sánh kiểm nghiệm. Có những chi tiết bằng sắt, bằng vôi của đình, nay phải thu nhỏ, anh đã phải dùng chất liệu nhôm, bằng keo, bằng mùn cưa. Từng viên ngói siêu nhỏ, anh cũng phải cắt dập từ gỗ ép sơn màu y hệt viên ngói thật của đình để gắn lại. Các bộ cửa cũng có thể mở ra đóng vào. Những cây được trồng ở đình, anh cũng phải trồng với dáng như thật nhưng siêu nhỏ để lắp ráp.


Đình làng Hữu Bằng (ảnh Sưu tầm)
      Hoàn thiện tác phẩm này, anh Hùng đã không chỉ sử dụng tay nghề của mình mà còn là cả một quá trình suy nghĩ sáng tạo với sự cần mẫn ngày đêm, kiên trì bao nhiêu năm qua. Một tác phẩm để đời cho con cháu mai sau về một ngôi đình tuyệt đẹp, một tình yêu quê hương tha thiết. Đây cũng lã một tấm gương cho mỗi người về lòng yêu quê hương đất nước, một tinh thần học tập và sáng tạo không biết mệt mỏi.
 
Bài và ảnh PHAN LẠC SẮC